Người nông dân làm giàu từ mô hình kinh tế trang trại

 12993 lượt xem
Đó là mô hình kinh tế trang trại vườn đồi của gia đình anh Phạm Phú Hiệp, ở thôn Lục Phủ, xã Bắc Sơn, TP Móng Cái. Trên diện tích đất đồi 10ha, anh Hiệp đã gây dựng được đàn lợn rừng gồm 15 con lợn nái, hơn 60 con lợn thịt và đàn gà hơn 200 con gà mái đẻ. Ngoài ra, anh còn trồng được gần 200 cây ăn quả như cam đường, ổi, nhãn... 

 Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, bước đường khởi nghiệp của anh Hiệp cũng khá gian nan. Vốn quê ở Cẩm Giàng, Hải Dương, anh Hiệp đã sớm rời xa nơi chôn nhau cắt rốn tìm kế mưu sinh. Mảnh đất được anh Hiệp chọn lựa để khởi nghiệp chính là Móng Cái…

 
Ban đầu anh chưa có ý định làm kinh tế trang trại ở tại vùng đất biên giới đang phát triển buôn bán sầm uất này. Nhưng bước ngoặt quan trọng là vào năm 2010, khi mà anh được một người dân ở xã Bắc Sơn nhượng toàn bộ 10ha đất đồi cho gia đình. Với số tiền trên 1 tỷ đồng do tích góp có được trong nhiều năm làm thuê tại Móng Cái và tiền huy động, vay mượn từ anh em bạn bè, anh Hiệp đã xây dựng một khu nhà nuôi lợn rừng đẻ với 24 chuồng nuôi theo hình thức liên hoàn với đầy đủ hệ thống bơm nước, hầm phân Biogas; một dãy nhà nuôi gà đẻ trứng; hơn 2ha đất được quây rào sắt B40 để thả lợn rừng thương phẩm và nhiều máy nông cụ, xay xát chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm. Diện tích đất còn lại anh trồng keo và ngô lai làm thức ăn cho gia súc. Anh bảo, sắp tới khu đất cao và dốc nhất trong vườn sẽ được anh trồng giống hồng không hạt, xen kẽ trồng na, số diện tích khác khai hoang được anh đào ao thả cá…
 
Đàn lợn rừng của gia đình anh Hiệp.
 
Khi được hỏi về kinh nghiệm sản xuất, anh Hiệp tâm sự: “Tôi suy nghĩ thấy ông chủ khu đất này trước đây thất bại là do đầu tư manh mún, quy mô nhỏ, chuồng trại đơn sơ… nên hiệu quả không cao. Vì thế, sau khi tiếp quản, tôi đã chủ động đăng ký tham gia vào mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của Hội Nông dân TP Móng Cái. Trên cơ sở được Hội giúp đỡ, hỗ trợ, cho đi tham quan học hỏi các mô hình chăn nuôi cũng như các lớp tập huấn kỹ thuật, tôi có thêm kinh nghiệm để làm trang trại một cách bài bản...”.
 
Anh Hiệp chia sẻ thêm, khi nhận thấy thị trường đang có xu hướng ưa chuộng lợn rừng, anh đã xác định lấy loại vật nuôi này làm hướng phát triển chủ đạo. Đây là vật nuôi có sức đề kháng cao, chăn thả tự nhiên nhưng lại cần có giống tốt và phải theo dõi chặt chẽ các triệu chứng bệnh dịch để có biện pháp phòng tránh. Do đó, anh tiếp tục tìm học kinh nghiệm trên sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng và từ các mô hình chăn nuôi hiệu quả ở Yên Hưng, Đông Triều và một số huyện ở tỉnh Hải Dương, Hải Phòng. Theo anh Hiệp, quan trọng nhất trong chăn nuôi lợn rừng chính là cần có sổ lịch trình theo dõi thật sát sao về biểu hiện của bệnh lý, chế độ ăn v.v. của lợn để đảm bảo cho chúng phát triển tốt.
 
Nhờ chăm chỉ, cần cù làm việc, lại chịu khó học hỏi kinh nghiệm và sáng tạo trong lao động sản xuất, mô hình kinh tế trang trại vườn đồi của gia đình anh Hiệp tới nay bắt đầu cho hiệu quả. Hiện 15 con lợn rừng đã sinh sản được 30 chú lợn con; 50 con lợn rừng thương phẩm đang chuẩn bị xuất chuồng; 200 con gà mái đẻ đã cho sản phẩm trứng mỗi ngày trung bình trên dưới 200 quả... Tần tảo sớm khuya, từ chỗ thiếu kiến thức về chăn nuôi, giờ đây gia đình anh Hiệp đã trở thành chủ một trang trại lớn của xã Bắc Sơn, thu nhập bình quân đạt khoảng 50 triệu đồng/tháng, trừ chi phí cũng còn khoảng 20 - 25 triệu đồng.
 
Không chỉ chú tâm phát triển kinh tế gia đình, anh Hiệp còn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những hộ dân hoàn cảnh khó khăn, trao đổi kinh nghiệm làm ăn với các hội viên Hội nông dân và bà con lối xóm. Nhiều hộ gia đình ở thôn Lục Phủ, xã Bắc Sơn đã học tập gia đình anh Hiệp để làm chuồng trại chăn nuôi lợn rừng, xây dựng mô hình chuồng trại chăn nuôi trồng trọt vườn đồi đạt hiệu quả.
 
 
Ý kiến của bạn