Hiệu quả từ phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"

 8557 lượt xem
Phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" do Bộ GD và ĐT phát động gồm các nội dung: Xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn; Dạy và học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của học sinh ở mỗi địa phương, giúp các em tự tin trong học tập; Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh; Học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương. Sau 4 năm thực hiện, phong trào đã được triển khai rộng khắp ở tất cả các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông trong tỉnh và từng bước đi vào chiều sâu. 

 Để thực hiện có hiệu quả phong trào, Sở GD và ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục tham mưu với cấp ủy, chính quyền, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương và ban đại diện cha mẹ học sinh phổ biến nội dung phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Tại các trường học đều thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện phong trào cho giáo viên, nhân viên và học sinh trong toàn ngành, huy động các lực lượng trong và ngoài ngành cùng tham gia thực hiện, đưa một số nội dung của phong trào thi đua vào nội quy, quy định của nhà trường. Trong phong trào xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn, hầu hết các trường đã nhận được sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành. Tính đến nay, có 818/869 trường có khuôn viên cây xanh, cây cảnh được quy hoạch đảm bảo thoáng mát, sạch đẹp. 843/869 trường có đủ bàn ghế, phù hợp với độ tuổi học sinh. 833/869 trường có công trình hợp vệ sinh. Các trường đã phối hợp với các hội, đoàn thể như Hội Khuyến học, Hội Phụ nữ xây dựng quỹ học bổng hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi. Năm 2011 và 9 tháng đầu năm 2012, các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh đã trao hàng chục nghìn suất học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi, học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ... Đặc biệt, hội cha mẹ học sinh làm cầu nối với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đón nhận sự quan tâm chăm lo, hỗ trợ các điều kiện, phương tiện để thực hiện đảm bảo “3 đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở) cho học sinh.

 
Học sinh Trường Tiểu học Nam Hồng (Nam Trực) chăm sóc vườn trường.
 
Để công tác dạy và học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của học sinh ở mỗi địa phương, giúp các em tự tin trong học tập, cán bộ, giáo viên các nhà trường trong tỉnh đã được tập huấn về đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy học, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Các trường còn tổ chức các hoạt động hỗ trợ học sinh học tập như: tổ chức các diễn đàn về phương pháp học tập, phương pháp nghiên cứu khoa học, phát triển câu lạc bộ học thuật, các hình thức chia sẻ tài liệu học tập, tổ chức chương trình “Học cùng người giỏi” đã góp phần giúp đỡ học sinh học yếu và nâng cao chất lượng học tập trong các nhà trường. Sở GD và ĐT phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh bám sát 3 giải pháp “Tham mưu tốt, liên kết rộng, nội lực mạnh” để làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, góp phần động viên học sinh say mê học tập, giảm thiểu học sinh lưu ban, bỏ học.
 
Để rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, hầu hết các nhà trường đã xây dựng quy tắc ứng xử giữa các thành viên trong nhà trường và có giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện quy tắc hằng ngày. 100% các trường đã tổ chức các câu lạc bộ, tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ, rèn luyện kỹ năng sống, ý thức bảo vệ sức khỏe, phòng chống tai nạn đuối nước, thương tích cho học sinh. Cụ thể như: Tổ chức diễn đàn, sinh hoạt chuyên đề “Văn hóa ứng xử trong học đường”, “Phòng chống bạo lực học đường”, “Một số kỹ năng cần thiết dành cho học sinh bậc THPT”, “Thắp sáng ước mơ”... Trên cơ sở chương trình giáo dục kỹ năng sống của Bộ GD và ĐT, Sở GD và ĐT tổ chức tập huấn công tác giáo dục kỹ năng sống, mời giảng viên, chuyên gia tư vấn giáo dục về tập huấn cho các giáo viên GDTX trong tỉnh và học sinh, học viên của trung tâm GDTX, đồng thời triển khai nhân rộng ở các cấp học. Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh phối hợp với các nhà trường tổ chức các hoạt động cung cấp kiến thức và kỹ năng sống cho học sinh, nhất là đối với học sinh nữ như: cách nấu ăn, tự chăm sóc sức khỏe; đưa nội dung giáo dục trẻ em và phòng chống tội phạm, TNXH, giáo dục kỹ năng sống cho các bà mẹ vào các buổi sinh hoạt chi hội, tổ phụ nữ định kỳ (4 kỳ/năm); vận động gia đình hội viên ký cam kết thực hiện “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và TNXH”.  
 
Để tổ chức các hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh, 100% nhà trường trên địa bàn tỉnh có chương trình hoạt động tập thể định kỳ được tổ chức thực hiện đạt hiệu quả tốt. Hầu hết các nhà trường đã đưa các trò chơi dân gian vào các hoạt động tập thể, hoạt động vui chơi, giải trí cho học sinh. Các trường mầm non xây dựng góc chơi dân gian, làm đồ chơi dân gian từ nguyên liệu sẵn có ở địa phương, đồng thời nâng cao chất lượng các hoạt động văn nghệ, đưa các bài hát, điệu múa, âm nhạc truyền thống vào nhà trường một cách hiệu quả. Các trường còn phát động giáo viên sưu tầm các bài đồng dao, câu đố, trò chơi dân gian để đưa vào giảng dạy; tổ chức các cuộc thi văn nghệ, TDTT, sáng tác thơ ca... cho giáo viên và học sinh. Tiêu biểu như các Trường THPT A Trực Ninh (Trực Ninh), Trường THCS Nam Hồng (Nam Trực), Trường THCS Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng), Trường Tiểu học Nam Toàn (Nam Trực)… Để giúp các em học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương, Sở VH, TT và DL đã cung cấp danh sách các di tích lịch sử văn hóa để Sở GD và ĐT, các phòng GD và ĐT trong tỉnh phân công các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trong tỉnh chăm sóc phát huy các di tích lịch sử văn hóa ở địa phương. Những mô hình trường học thân thiện, học sinh tích cực điển hình như: Trường Mầm non Hải Tân, Hải Long, Hải Châu, Trường Tiểu học Hải Phương (Hải Hậu); Trường Mầm non Giao Long, Trường Tiểu học Giao Phong, Trường THPT Giao Thủy (Giao Thủy); Trường Mầm non Sao Vàng, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP Nam Định); Trường THCS Nam Hồng (Nam Trực); Trường THCS Trần Huy Liệu (Vụ Bản)...
 
Phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã tạo động lực mới cho các hoạt động giáo dục. Phương pháp dạy học có nhiều đổi mới giúp học sinh chủ động, tích cực học tập. Không khí thân thiện được tăng lên rõ rệt trong mối quan hệ giữa các thành viên trong trường, giữa nhà trường với gia đình, cộng đồng và chính quyền địa phương. Qua kiểm tra, đánh giá, 100% các trường học có số lượng học sinh bỏ học giảm rõ rệt; tỷ lệ giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy ngày càng tăng. Những hoạt động thiết thực, hiệu quả của phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã tạo bước chuyển mới trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường./.
 
 
Ý kiến của bạn