Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) của Đảng, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX trên địa bàn tỉnh tiếp tục được củng cố và có bước phát triển. Việc ban hành Luật HTX năm 2003 đã tạo hành lang pháp lý cho HTX chuyển đổi, xây dựng mới; hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có chuyển biến tích cực. Số HTX kinh doanh đa ngành nghề, đa lĩnh vực ngày càng nhiều, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Đối với các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản, bộ máy quản lý HTX bình quân 1 HTX có 14 người; vốn bình quân 1 HTX có trên 1,5 tỷ đồng; trong đó, vốn cố định có trên 1,088 tỷ đồng, chủ yếu là hệ thống thủy lợi, trạm bơm, nhà làm việc; vốn lưu động của HTX có từ 400-700 triệu đồng. Phần lớn các HTX cân đối được thu chi và từng bước có lãi. Doanh thu bình quân 1 HTX đạt 1,2 tỷ đồng/năm; lãi bình quân 1 HTX 50 triệu đồng/năm trở lên. Sau khi tỉnh ta tiến hành thành lập Ban Nông nghiệp xã, các HTX nông nghiệp có vai trò hướng dẫn các hộ xã viên liên kết sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng vật nuôi. Toàn tỉnh đã có trên 160 HTX có cánh đồng thu nhập từ 50-100 triệu đồng/ha/năm. HTX từ khi chuyển hẳn sang đảm nhiệm khâu dịch vụ then chốt, chi phối sản xuất và đời sống nông dân như: dịch vụ tưới tiêu nước, bảo vệ đồng ruộng, bảo vệ thực vật, làm thủy lợi nội đồng, dịch vụ làm đất, cung cấp giống cây trồng. Bộ máy quản lý của HTX được tổ chức tinh giảm gọn hơn. Hầu hết các HTX bố trí Ban quản trị là 3 người, kiểm soát 1 người. Các HTX nông nghiệp vẫn giữ vai trò chính trong tổ chức, huy động tham gia đóng góp xây dựng nông thôn và các công trình văn hóa làm thay đổi bộ mặt nông thôn hiện nay. Các HTX cũng tích cực tham gia trong lĩnh vực xây dựng nâng cấp thủy lợi nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, đường giao thông nội đồng… từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất, bảo quản và tiêu thụ nông sản, tham gia thu gom rác thải vệ sinh môi trường, tạo được nhiều việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của xã viên và người lao động. Hoạt động liên doanh, liên kết giữa các HTX và HTX với doanh nghiệp bước đầu có hiệu quả, hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, nhất là các hộ xã viên nghèo. Các hoạt động tín dụng, dịch vụ ứng trước vật tư nông nghiệp đã giúp hộ xã viên thoát khỏi cảnh bán nông sản non, vay nặng lãi lúc thời vụ, giáp hạt. Ngoài ra, các HTX trên địa bàn còn tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng (điện, giao thông, trường học), đóng góp tích cực các hoạt động an sinh xã hội, góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn. Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, công tác quản lý nhà nước đối với các HTX được tăng cường, nhất là trong việc kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn góp phần củng cố tổ chức bộ máy, giúp các HTX thực hiện tốt theo quy chế hoạt động và Luật HTX, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của xã viên và người lao động. Liên minh HTX tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động, tư vấn hỗ trợ và phát triển HTX; phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc cho HTX và xã viên, người lao động. Công tác liên doanh, liên kết giữa các HTX đã hình thành và xuất hiện các mô hình dưới dạng hiệp hội, câu lạc bộ để hỗ trợ, giúp đỡ nhau tổ chức các dịch vụ đầu vào; đầu tư phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho xã viên như: Câu lạc bộ HTX nông nghiệp cụm Hoành Thu (Giao Thủy), câu lạc bộ HTX huyện Trực Ninh, Mỹ Lộc. Trong việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng mối liên kết, tỉnh cũng đang triển khai thực hiện dự án “Mô hình doanh nghiệp - HTX - hộ nông dân” hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp theo Quyết định số 2152/QĐ-TTg ngày 24-11-2010 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để thực hiện Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020” và Quyết định 1293/QĐ-UBND ngày 28-12-2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Dự án xây dựng mô hình thí điểm Doanh nghiệp - HTX - Hộ nông dân tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân tại vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Từ năm 2007 đến nay, thực hiện chính sách hỗ trợ HTX thành lập mới, tỉnh ta đã thành lập được 9 HTX, trong đó có 4 HTX được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí 10 triệu đồng (bình quân 2,5 triệu đồng/HTX) đã góp phần vào việc hỗ trợ khắc phục một phần khó khăn cho HTX thành lập mới. Trong chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho HTX, tỉnh cũng đã bố trí một phần kinh phí và giao cho Liên minh HTX tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho cán bộ quản lý HTX, góp phần thúc đẩy HTX phát triển.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc đổi mới nâng cao hiệu quả kinh tế HTX ở tỉnh ta vẫn còn một số hạn chế. Trước hết là nhận thức về HTX kiểu mới và Luật HTX của hầu hết cán bộ cơ sở và nông dân chưa sâu sắc; thực tế việc chuyển đổi và thành lập mới HTX còn mang nặng tính hình thức, gượng ép. Hiệu quả hoạt động của HTX chưa cao; nhiều HTX tồn tại hình thức hoặc sản xuất kinh doanh thua lỗ, ngừng hoạt động trong nhiều năm liền nhưng chậm có biện pháp củng cố, giải quyết. Các HTX chưa mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất; hoạt động thiếu linh hoạt, còn nặng tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể chưa đáp ứng được yêu cầu; chủ yếu là kiêm nhiệm nên việc nắm bắt các chủ trương, cơ chế, chính sách, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các HTX còn hạn chế, không kịp thời. Để đưa kinh tế tập thể ngày càng phát triển, trong thời gian tới tỉnh ta cần tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX), Chỉ thị 20-CT/TW ngày 02-1-2008 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và Luật HTX năm 2003. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Liên minh HTX, Mặt trận và các đoàn thể trong việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể mà nòng cốt là kinh tế HTX. Tổ chức tốt việc tuyên truyền thành lập mới các HTX, nhất là mô hình HTX dịch vụ phục vụ đời sống của cộng đồng, các HTX ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, khuyến khích mở rộng liên doanh, liên kết, hợp tác giữa các HTX với nhau, HTX với các doanh nghiệp, HTX với các cơ quan khoa học kỹ thuật. Gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ. Các ngành chức năng của tỉnh cần tham mưu cho UBND tỉnh ban hành và thực hiện có hiệu quả các chế độ, chính sách ưu đãi đối với kinh tế tập thể. Tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, đăng ký kinh doanh, tiếp cận vốn, mặt bằng sản xuất cho các HTX. Xây dựng các mô hình kinh doanh phù hợp với đặc điểm của địa phương. Tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, vốn quỹ chung của HTX; mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ đảm bảo hiệu quả kinh tế cao. Xây dựng thương hiệu của HTX trong lĩnh vực đăng ký hoạt động. Chú trọng xây dựng, củng cố tổ chức Đảng, đoàn thể trong các HTX, tạo điều kiện cho các HTX tham gia vào triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, các chương trình quốc gia về lao động, việc làm, giảm nghèo, phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Chính quyền các cấp cần hỗ trợ, hướng dẫn các HTX lập phương án sản xuất có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của thị trường, phù hợp với khả năng của HTX và yêu cầu phát triển của địa phương. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý HTX. Tạo điều kiện để cán bộ HTX tham gia các lớp đào tạo nghiệp vụ, các lớp tập huấn, quán triệt pháp luật đến cán bộ nhân viên, tổ chức các lớp hội thảo để các HTX trao đổi kinh nghiệm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về kinh tế tập thể, chú trọng việc nghiên cứu tổng kết các mô hình tiên tiến để nhân rộng mô hình này./.