Cống hiến thầm lặng của "Nhà lãnh đạo trẻ"

 5565 lượt xem
Với phương châm "Know one, teach one" (Biết một, dạy một), Jimmy Phạm - một Việt kiều có quốc tịch Australia nhưng mang hai dòng máu Việt - Hàn - đã dẫn dắt nhiều thanh thiếu niên nghèo, lang thang đường phố ở Việt Nam trở thành nhân viên, đầu bếp tại những nhà hàng, khách sạn lớn, không chỉ trong nước mà cả trên thế giới. 

Jimmy Phạm hiện là Tổng Giám đốc KOTO (viết tắt của dự án "Know One, Teach One"). Được thành lập từ năm 1997, dự án KOTO là tổ chức phi lợi nhuận chuyên đào tạo nghề trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn nhằm giúp đỡ trẻ em đường phố từ 16 đến 22 tuổi gặp hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam. Tại KOTO, trẻ em đường phố được dạy nghề phục vụ nhà hàng theo tiêu chuẩn quốc tế, dạy tiếng Anh và điều không thể thiếu là dạy kỹ năng sống. Đến đây nhiều người có thể cho rằng Jimmy Phạm một người có nhiều kinh nghiệm hay ít ra được đào tạo từ các ngành tâm lý, quản lý hay xuất thân từ ngành phục vụ nhà hàng khách sạn danh tiếng, thế nhưng, gặp Jimmy Phạm mới thấy người đàn ông giản dị này thực hiện ước mơ giúp đỡ trẻ em đường phố của mình chỉ vỏn vẹn bằng chính nhiệt huyết từ trái tim. 

Jimmy Phạm sinh ra tại Việt Nam nhưng lớn lên ở Australia. Sống từ nhỏ trong môi trường xã hội phát triển, cuộc sống của Jimmy sẽ vẫn bình lặng nếu anh không chọn nơi anh sinh ra làm điểm đến cho sự nghiệp. Vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, Jimmy Phạm trở về quê hương sau 24 năm xa cách với vai trò trưởng đoàn tại một hãng lữ hành nổi tiếng của Australia. Trong thời gian làm việc tại TP Hồ Chí Minh anh đã có dịp tiếp xúc với nhiều trẻ em đường phố. Hình ảnh những đứa trẻ còn non tuổi đời đã phải lăn lộn để kiếm sống luôn ám ảnh trong tâm trí anh. Đồng cảm với những khó khăn của các em, giai đoạn đầu, anh đã dùng phần lớn thu nhập của mình để giúp đỡ các bạn trẻ. Nhưng dần dần anh nhận ra, cách làm bền vững nhất chính là dạy nghề và tạo cho các em một công việc ổn định hơn. Suy nghĩ của Jimmy khi bắt đầu thành lập KOTO chỉ giản dị là: Khi được giúp đỡ để vượt qua khó khăn, các em sẽ có hành động để giúp đỡ tiếp những người cùng cảnh với mình, như thế cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn.
 
Bắt đầu sự nghiệp khi trong tay chỉ có 6.000 USD, Jimmy Phạm phải chạy vạy, vay mượn bạn bè, gia đình để có đủ vốn xin được giấy phép thành lập Trung tâm đào tạo nghề KOTO. Để được gia nhập vào gia đình KOTO, các thanh thiếu niên có độ tuổi từ 16 đến 22 sẽ phải vượt qua quá trình lựa chọn khá kỹ. Thậm chí, các anh chị trong trung tâm còn về tận gia đình các em để tìm hiểu hoàn cảnh, chia sẻ và khích lệ các em phấn đấu vươn lên. Số tình nguyện viên ban đầu chỉ có 3 người, đến nay KOTO đã lớn mạnh, hiện số lượng nhân viên tại Hà Nội là 75 và 100 học viên, và tại TP Hồ Chí Minh là 36 nhân viên và 71 học viên. Kể từ khi thành lập, KOTO đã đào tạo hơn 300 thanh thiếu niên đường phố có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước và con số này tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Sau khóa đào tạo hai năm về ngành phục vụ nhà hàng theo tiêu chuẩn quốc tế, nhiều em đã có cơ hội làm việc tại những khách sạn ở Dubai, Macau, Australia và những khách sạn 5 sao tại Việt Nam. KOTO hiện có trụ sở đặt tại Việt Nam và văn phòng KOTO quốc tế tại Australia. 
 
Với những cống hiến đầy tâm huyết cho xã hội, năm 2011 cùng với GS Ngô Bảo Châu, Jimmy Phạm là hai người Việt được nhận giải thưởng Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Nhưng, có lẽ phần thưởng mà Jimmy Phạm tâm đắc nhất là những đứa trẻ vừa may mắn thoát khỏi cảnh khốn cùng đã trưởng thành và chung tay giúp sức cho KOTO - "một cơ sở kinh doanh có trái tim" - như anh từng chia sẻ.
 
 
Ý kiến của bạn