Để đẩy mạnh, phát triển các sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm đặc thù của tỉnh vươn xa hơn và có chỗ đứng trên thị trường, Sở Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua các hoạt động hội chợ, triển lãm thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Nhờ vào việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá giới thiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm, tới nay nhiều sản phẩm OCOP, nông sản của các địa phương trong tỉnh cũng đã được các doanh nghiệp (DN) phân phối đưa vào hệ thống bán lẻ hiện đại, từng bước chiếm được niềm tin của người tiêu dùng.
Theo Sở Công Thương, năm qua tỉnh đã tổ chức được 2 hội chợ, phiên chợ, bao gồm: Hội chợ Xuân Ninh Thuận và Hội chợ Công Thương và sản phẩm OCOP – Ninh Thuận 2020. Cùng với đó tỉnh cũng tham gia, trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh tại 2 hội nghị kết nối “cung - cầu”, hỗ trợ 18 DN tham gia quảng bá, kết nối sản phẩm, ký kết ghi nhớ giữa các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng và Tp. Hồ Chí Minh. Hỗ trợ, đăng ký cho 50 lượt DN, cơ sở tham gia 8 hội chợ trong và ngoài tỉnh, tổ chức 6 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi và 1 phiên chợ xanh nông sản Ninh thuận tại Trung tâm thương mại Vincom nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiêu thụ sản phẩm nông sản đặc thù của tỉnh, góp phần tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Du khách chọn mua sản phẩm tại điểm bán sản phẩm OCOP ở khu du lịch Tháp Po Klong Garai
Hiện nay khi ngành Du lịch đang có những bước phát triển mạnh mẽ, khách du lịch cũng có nhu cầu rất lớn về việc thưởng thức ẩm thực, mua các sản phẩm đặc thù OCOP địa phương làm quà lưu niệm. Để phục vụ người tiêu dùng, Sở Công Thương đã phối hợp xây dựng 6 địa điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh cho các du khách tham quan, mua sắm tại Khu du lịch Vĩnh Hy, Khu chợ đêm du lịch, điểm du lịch Tháp Po Klong Garai; điểm dừng chân Thiên Thảo, Khu du lịch Hang Rái và tại Sở Khoa học và Công nghệ.
Các chương trình xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP của tỉnh đã trở thành “cầu nối” quan trọng trong việc thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa DN, nhà phân phối và người tiêu dùng. Đây cũng là cơ hội để các DN quảng bá sản phẩm, tìm hiểu thị hiếu và nhu cầu của khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh, từ đó đưa ra những chiến lược phát triển phù hợp với xu thế của thị trường.
Tại điểm du lịch Tháp Po Klong Garai có nhiều du khách lựa chọn mua các sản phẩm OCOP như: hành, tỏi, mứt nho, táo sấy khô, nước mắm, hạt chuối hột mồ côi, rượu nho, siro nho… Chị Quảng Thị Thu Thuyên, khách du lịch đến từ TP. Hồ Chí Minh cho biết: Tôi cùng bạn bè đi tham quan du lịch tại Ninh Thuận muốn mua các sản phẩm là đặc sản của địa phương để về làm quà tặng người thân. Thấy ngay tại khu vực Tháp Po Klong Garai có cửa hàng bán các sản phẩm OCOP của địa phương rất tiện lợi để du khách mua sắm, giá cả phải chăng, mua ở đây chúng tôi cũng yên tâm về chất lượng sản phẩm hơn.
Ông Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để phát triển được sản phẩm OCOP, ngoài việc tập trung tổ chức sản xuất để phát huy những thế mạnh, tiềm năng, chất lượng sản phẩm đặc thù của địa phương, thì cần phải có hoạt động hỗ trợ, quảng bá để tiêu thụ sản phẩm. Xúc tiến thương mại sản phẩm là khâu rất quan trọng trong quy trình thực hiện Chương trình OCOP. Do đó, năm 2021, Sở xác định tập trung thực hiện nhiệm vụ là “cầu nối” giữa các cơ sở, DN sản xuất trên địa bàn tỉnh với các đơn vị ngoài tỉnh, tổ chức tham gia trưng bày, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm tại các hội nghị, hội chợ nhằm tìm cơ hội hợp tác trong và ngoài tỉnh.
Nho Ba Mọi là một trong số sản phẩm OCOP được đánh giá 4 sao. Ảnh: P.B
Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối “cung - cầu” với các tỉnh, thành phố để giúp nhà phân phối, nhà đầu tư trao đổi thông tin giới thiệu sản phẩm; kết hợp hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh của tỉnh, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc thù của tỉnh, xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu, mở rộng thị trường, kết nối giao thương, tăng lượng tiêu thụ và nâng cao giá trị hàng hóa của tỉnh như: nho, táo, măng tây, nước mắm, thịt cừu, thịt dê… Đồng thời, các đơn vị, DN sau khi tham gia các hội chợ đã tiếp cận được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh, có cơ hội học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thị trường trong và ngoài tỉnh ngày càng tốt hơn, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng. Chất lượng các sản phẩm, hàng hóa ngày càng được nâng lên và đáp ứng được tiêu chuẩn của nhiều kênh phân phối lớn.
Là DN có sản phẩm được công nhận đạt chuẩn chương trình OCOP của tỉnh, với diện tích trồng gần 300ha cây măng tây xanh, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận, chia sẻ: Hàng năm, công ty tham dự hầu hết các hội chợ, hội nghị của Sở Công Thương cũng như các ban, ngành của tỉnh tổ chức. Nhờ có các hoạt động xúc tiến thương mại mà chúng tôi có thêm cơ hội tìm hiểu, giao lưu với các đơn vị trong và ngoài tỉnh. Cũng qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm trưng bày tại các hội thảo mà chúng tôi có thêm nhiều cơ hội tìm kiếm khách hàng, giới thiệu được sản phẩm đặc thù măng tây của tỉnh đến với người tiêu dùng trên cả nước. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất măng tây xanh theo hướng hữu cơ, đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng trên thị trường.
Cũng theo ông Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương, để Chương trình OCOP trở thành động lực trong phát triển kinh tế nông thôn, năm 2021 ngành Công Thương tiếp tục đề ra nhiều mục tiêu và chương trình hành động. Trong đó, ngành sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN, cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP thông qua việc tổ chức xây dựng các chương trình hội chợ, kết nối tiêu thụ nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở ứng dụng, đổi mới, cải tiến công nghệ máy móc thiết bị theo hướng tiên tiến và hiện đại đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hồng Nguyệt