Khởi sắc từ một phong trào thi đua

 8605 lượt xem
Xây dựng môi trường học tập hiện đại, hiệu quả, phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong việc chiếm lĩnh tri thức với các mối quan hệ thân thiện giữa thầy với trò và trò với trò là mục tiêu của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ Giáo dục - Đào tạo phát động. 

Thi làm đồ chơi cho trẻ của Trường Mầm non Hoa Mai (thị xã Nghĩa Lộ). 

Phong trào đã được đông đảo cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành giáo dục thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái tích cực hưởng ứng, các bậc phụ huynh và học sinh nhiệt thành ủng hộ. Sau 3 năm thực hiện đã mang lại sự thay đổi về nhận thức và diện mạo của các cơ sở giáo dục đồng thời có tác dụng to lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Trên địa bàn Nghĩa Lộ hiện có 24 trường với 8 trường mầm non, 6 trường tiểu học, 6 trường trung học cơ sở, 1 trường tiểu học & trung học cơ sở, 3 trường trung học phổ thông. Do quá trình sáp nhập để mở rộng thị xã, đến năm 2007, địa phương đã được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở, một số trường đạt ở cấp độ 2, cấp độ 3. 
 
Tới nay cũng đã có 10/24 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia và phấn đấu đến năm 2015 có 17 trường, trong đó có 2 trường trung học phổ thông. Đi dọc đường phố của các phường Trung Tâm, Tân An, Cầu Thia, Pú Trạng hay đến với xã Nghĩa An, Nghĩa Phúc, Nghĩa Lợi đều gặp các điểm trường được xây dựng khang trang. 
 
Bằng nguồn vốn từ ngân sách địa phương, chương trình quốc gia và huy động từ công tác xã hội hóa giáo dục, thị xã Nghĩa Lộ đầu tư khá lớn cho ngành “kinh tế tri thức” này. điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học đã khác xưa nhiều lắm. 
 
Hiện nay, toàn thị xã có 89% số phòng học được xây dựng kiên cố; có 19 phòng giáo dục nghệ thuật và thư viện chuẩn; 11 phòng máy tính với 155 máy và nối mạng Internet; 8 phòng học bộ môn, 21 máy chiếu; 100% các đơn vị trường có sân chơi, khuôn viên xanh và tường rào bao quanh; có 100% lớp học xây dựng mô hình lớp học thân thiện. 
 
Đặc biệt, đối với trường mầm non, góc thiên nhiên lớp học luôn được quan tâm. Nhiều trường còn đầu tư xây dựng vườn cổ tích với mô hình sinh động. Thị xã cũng đang nghiên cứu mở rộng quĩ đất nhằm tạo cảnh quan sư phạm và môi trường giáo dục tốt cho các nhà trường.
 
Bên cạnh đó, chất lượng giáo viên cũng được nâng cao nhằm thúc đẩy hoạt động dạy học đạt hiệu quả, phù hợp với học sinh. Đến nay, tổng số cán bộ, giáo viên là 455 người thì 100% đạt chuẩn, trong đó 54,6% trên chuẩn. 
 
Qua đánh giá giảng dạy hằng năm, có 98,7% xếp loại đạt yêu cầu trở lên, hơn 80% xếp loại khá, giỏi; tỷ lệ giáo viên dạy giỏi cấp thị xã 27,85%, giáo viên giỏi cấp tỉnh đạt 7,3%. Phong trào ứng dụng công nghệ thông tin vào soạn giảng và sử dụng đồ dùng, thiết bị dạy học đã phát triển mạnh mẽ với số lượng bài giảng điện tử năm sau cao hơn năm trước và chất lượng ngày càng cao. 
 
Hiện tại, có 90% số giáo viên đã sử dụng được máy tính và trong đó có 60% sử dụng thành thạo và ứng dụng được các phần mềm hỗ trợ vào soạn giảng. Để nâng cao chất lượng hoạt động dạy học, Phòng Giáo dục & Đào tạo thị xã luôn chú trọng công tác bồi dưỡng giáo viên thông qua việc tổ chức các chuyên đề, hướng dẫn nghiên cứu và áp dụng sáng kiến vào dạy học. 
 
Kể từ khi thực hiện “Đổi mới quản lý” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, chất lượng giáo dục - đào tạo đã nâng cao. Số lượng học sinh tham gia các sân chơi trí tuệ qua mạng Internet tăng mạnh. Chỉ tính riêng 2 năm 2010 - 2012, tỷ lệ học sinh tham gia giải Toán tăng 27%, giải tiếng Anh tăng 40%. Chất lượng giáo dục mũi nhọn được duy trì, hằng năm đều tăng về số lượng. 
 
Trong 3 năm đã có 134 học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi và giải Toán, tiếng Anh trên mạng Internet cấp tỉnh, 7 học sinh đoạt giải quốc gia, trong đó có 2 giải nhì, 1 giải ba và 4 giải khuyến khích. Theo khảo sát, đánh giá của Sở Giáo dục - Đào tạo, chất lượng giáo dục của thị xã Nghĩa Lộ xếp hàng thứ hai, chỉ sau thành phố Yên Bái. 
 
Việc rèn luyện kỹ năng sống và tổ chức các hoạt động tập thể cũng được xác định là những nội dung quan trọng. Các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động tập thể được tổ chức theo chủ đề năm học, chủ điểm tháng cùng sinh hoạt văn hóa dân gian được chú ý đã thực sự thu hút học sinh. Hoạt động thể dục thể thao, ngoại khóa, giao lưu văn nghệ… giúp các em tăng cường kỹ năng giao tiếp, tự tin hơn trong sinh hoạt tập thể, nhất là đối với học sinh ở khu vực nông thôn đời sống còn nhiều khó khăn. 
 
Phát huy kết quả đạt được, những năm học tiếp theo, phong trào này vẫn luôn là hoạt động chính thức trong các trường học trên địa bàn, góp phần làm khởi sắc giáo dục - đào tạo nơi thị xã miền Tây. 
 
 
Ý kiến của bạn