(BTĐKT) - Vĩnh Linh là một huyện phía Bắc tỉnh Quảng Trị, bước ra khỏi 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, Vĩnh Linh chỉ có hai bàn tay trắng và mặt đất nham nhở hố bom. Toàn bộ cơ sở vật chất mà nhân dân Vĩnh Linh gom góp chắt chiu đã bị giặc Mỹ ném bom hủy diệt hoàn toàn. Từ năm 1975 - 1985, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, cán bộ và nhân dân Vĩnh Linh đã nhanh chóng phục hồi nền kinh tế của địa phương để bước vào thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta lãnh đạo. Đến thời điểm này có thể nói rằng so với mặt bằng chung cả nước thì Vĩnh Linh vẫn còn nghèo, tuy nhiên so với điểm xuất phát từ vùng đất khó Vĩnh Linh bây giờ đã có bước tiến xa, làng quê đang từng ngày đổi mới.
Kinh tế phát triển theo những hướng trọng điểm
Trong cơ cấu phát triển của Vĩnh Linh, kinh tế đã có mức tăng trưởng cao, bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và tích cực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hoàn thiện, đồng bộ theo hướng vững chắc.
Từ năm 1990, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Vĩnh Linh chỉ đạt 4% với giá trị của nền kinh tế là 355 tỷ đồng, nhưng đến năm 2010 tốc độ kinh tế đạt 16,2% với tổng giá trị 1.100 tỷ đồng, tăng 3,1 lần so với năm 1990.
Có được thành công ấy, phải kể đến nỗ lực của các cấp hội nông dân huyện những năm qua đã tích cực, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Riêng sản xuất nông nghiệp đã xóa được tập quánđộc canh, hiệu quả thấp, chuyển sang đa cây, đa con, sản xuất hàng hóa và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nuôi trồng thuỷ sản theo hướng thâm canh tăng năng suất, chất lượng cây trồng, con nuôi đạt giá trị cao trên một đơn vị diện tích.
Lĩnh vực chăn nuôi đã có hệ thống và quy mô với: Tổng đàn trâu 6.918 con, bò 13.986 con, lợn 40.058 con, gia cầm 249.000 con. Kinh tế trang trại phát triển mạnh toàn huyện có 342 trang trại làm ăn có hiệu quả và đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Lâm nghiệp: Hoạt động lâm nghiệp chuyển từ Lâm nghiệp Nhà nước sang Lâm nghiệp xã hội. Từ 1990 đến 2010 số rừng tập trung trồng mới 16.000 ha và 20.000.000 cây phân tán, bình quân mỗi năm trồng mới 800 ha và 1.000.000 cây phân tán; khoanh nuôi 31.241 ha, đưa độ che phủ rừng 1.990 là 23%, đến năm 2010 là 49%.
Công tác quản lý, bảo vệ, khai thác rừng được chú trọng bình quân hàng năm khai thác 45.000m3 gỗ, 43.000 m3 củi từ rừng trồng, 1.400 tấn nhựa thông, quản lý bảo vệ 21.464 ha rừng đầu nguồn.
Thực hiện tốt công tác định canh định cư - Kinh tế mới đạt 100%. Di dãn dân 1.260 hộ, 3.910 nhân khẩu, 1.800 lao động.
Về sản xuất công nghiệp, ngư nghiệp đều tăng vượt bậc, riêng năm 2010 đạt 159,5 tỷ đồng gấp 23,3 lần so năm 1990.
Riêng thương mại - dịch vụ: Quy hoạch xây dựng 13 chợ nông thôn, 5 siêu thị, đầu tư xây dựng và nâng cấp 7 chợ, tổng kinh phí 26 tỷ đồng. Tốc độ Thương mại - Dịch vụ tăng bình quân hàng năm (1990-2010) là 22%. Năm 2010 tốc độ tăng trưởng đạt 223%. Giá trị đạt 715 tỷ đồng, tăng 18 lần so với năm 1990.
Bê tông hóa giao thông nông thôn tại huyện Vĩnh Linh.
Vĩnh Linh dẫn đầu phong trào thi đua phát triển cơ sở hạ tầng: Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, từ 1991 - 2010 là 1113,6 tỷ đồng, bình quân hàng năm là 55,5 tỷ đồng. Tốc độ vốn đầu tư phát triển bình quân hàng năm tăng 30,4%. Riêng năm 2009 đạt 198 tỷ đồng, năm 2010 là 184 tỷ đồng, tăng 99 lần so năm 1991, đặc biệt nổi bật nhất là thực hiện Đề án cao tầng hoá, kiên cố hoá trường học và Đề án bê tông hoá, nhựa hoá giao thông nông thôn miền núi. Đến năm 2010 có 100% số trường phổ thông được cao tầng hoá, 74% số trường mầm non được kiên cố hoá. Có 196 km đường rải nhựa, 256 km đường nông thôn được bê tông hoá. Đơn vị huyện 3 lần được Bộ Giao thông vận tải tặng cờ thi đua xuất sắc và 1 lần được tặng Cờ Thi đua của Chính phủ.
Điểm nổi bật nhất của huyện Vĩnh Linh trong phát triển kinh tế là thực hiện chương trình phát triển cây cao su tiểu điền từ 464 ha năm 1993 đến năm 2010 đạt 6.254 ha, cho khai thác 4.170 ha, sản lượng 6.686 tấn, thu nhập gần 500 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 15.000 lao động.
Văn hóa - xã hội được đầu tư có chất lượng cao
Huyện Vĩnh Linh ngoài chú trọng phát triển kinh tế, còn quan tâm đến vấn đề giáo dục đào tạo; đây được coi là kênh quan tâm đầu tư và có bước phát triển về số lượng và chất lượng cao. Tỷ lệ huy động ngày càng cao, hoàn thành phổ cập xoá mù chữ tiểu học và THCS đạt 100%. Mạng lưới trường lớp được bổ sung điều chỉnh, ổn định. Số trường đạt chuẩn quốc gia đạt 36/76 truờng đạt gần 50%. Đội ngũ giáo viên đạt chuẩn về chuyên môn 97,93%, đạt trên chuẩn 55,3%. Chất lượng giáo dục ngày càng tăng, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp và vào đại học tăng cao.
Ngoài ra, huyện Vĩnh Linh luôn là lá cờ đầu trong phong trào thi đua xây dựng huyện điển hình về văn hoá. Đến nay đã có 97% cơ quan trường học, 183/195 làng phát động và được công nhận đơn vị văn hoá, 3 di tích lịch sử 73 di tích văn hoá lịch sử được tôn tạo và xây dựng mới nhà Bảo tàng huyện. Số lượng người thường xuyên luyện tập TDTT chiếm 21,7% trong tổng dân số. Cơ sở vật chất các thiết chế văn hoá - TDTT được đầu tư xây dựng; thực hiện tốt xã hội hoá các hoạt động VHVN TDTT, bình quân hàng năm đạt trên 1 tỷ đồng...
Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, dân số - Gia đình trẻ em được quan tâm. Hệ thống y tế từ huyện đến cơ sở được củng cố, nâng cấp và mở rộng. Công tác chính sách xã hội, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, đối tượng chính sách xã hội được quan tâm. Đời sống đối tượng chính sách có mức sống cao hơn, mức sống trung bình. Đầu tư kinh phí 35,5 tỷ đồng, xây dựng tôn tạo, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ xã và bia công ích. Đặc biệt là nghĩa trang liệt sĩ huyện 17 tỷ đồng gần 6.000 mộ chí.
Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh: Là huyện đầu tiên có sáng kiến xây dựng mô hình, xây dựng cụm tuyến ATLC-SSCĐ gắn với cụm an toàn liên hoàn về ANTT được các cấp lãnh đạo tích cực chỉ đạo, triển khai thực hiện. Nhờ vậy, trong những năm qua, phong trào quốc phòng được phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Cụ thể là nhiều mô hình đã được thực hiện như:“Liên gia tự quản”, “Liên kết bảo vệ tài sản ngoài trời”, “CLB thanh niên phòng chống tội phạm”... Tình hình an ninh chính trị - TTATXH luôn được đảm bảo tốt. Các tổ chức trong hệ thống chính trị luôn được củng cố, cùng với việc thực hiện “Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2009 và năm 2010, các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể đạt xuất sắc từ 69% - 90,9%; đặc biệt là không có yếu kém.
Có thể nói, sự nỗ lực vươn lên của các cấp lãnh đạo và mỗi hộ gia đình nông dân sản xuất, kinh doanh đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế, xã hội của huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị ngày càng phát triển. Để biểu dương những nỗ lực của huyện, nhiều bằng khen của tỉnh ủy, các cấp Ủy Đảng, Nhà nước và Chính Phủ đã tặng thưởng cho nhân dân và lãnh đạo huyện. Đây chính là động lực và niềm tin cho nhân dân tham gia xây dựng quê hương, đồng thời là gương sáng cần nhân rộng trên địa bàn trong tỉnh và cả nước học tập, noi theo góp phần làm giàu cho xã hội.
Ngọc Tú