Bài nói tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu năm 1952

 8105 lượt xem
"Thi đua tăng cường đoàn kết, mà đoàn kết đẩy mạnh thi đua. Đoàn kết là đoàn kết thật sự và rất chặt chẽ" 

MỤC ĐÍCH THI ĐUA

 

          Do thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm mà Liên Xô đang xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Do thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm mà các nước dân chủ nhân dân Đông Âu xây dựng chủ nghĩa xã hội, Trung Quốc xây dựng chủ nghĩa dân chủ mới.

          Nhân dân ta thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm để cải thiện đời sống tinh thần và vật chất của quân và dân, cung cấp đầy đủ cho kháng chiến. Quân đội ta thi đua diệt giặc lập công để tiêu diệt nhiều sinh lực địch, chuẩn bị chuyển sang tổng phản công, để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, hoàn thành dân chủ mới, tiến lên xã hội chủ nghĩa.

 

TÌNH HÌNH THI ĐUA MẤY NĂM VỪA QUA

 

Thi đua khởi đầu từ 1948.

          - Bộ đội: Thi đua khá, đều khắp, nhất là sau những cuộc chỉnh huấn. Kết quả rõ sau những trận thắng lợi liên tiếp trước và sau lưng địch.

          - Công nghệ: Tinh thần, kỷ luật, tổ chức khá, sáng kiến nhiều, năng suất cao. Nhưng không đều, thiếu thường xuyên, liên tiếp. Ngành vận tải tiến chậm. Các xưởng tư thi đua kém.

          - Nông nghiệp: Thi đua trong vụ mùa thắng lợi khá, đã biết thi đua từng đợt, làm tập thể. Một vài nơi đặt đã biết kế hoạch từng gia đình, từng thôn xóm. Nhưng chưa đều, chưa khắp, thiếu liên tiếp.

          - Lao động trí óc: Cán bộ chuyên môn thi đua khá. Nhưng còn phải cố gắng nhiều hơn nữa. Thi đua diệt giặc dốt khá. Nhưng nói chung thì ngành văn hóa giáo dục tiến chậm.

          - Các cơ quan: Có chương trình, phương hướng, cố gắng. Nhưng chưa đều, chưa có nề nếp, thiếu liên tục.

          - Thanh niên: Đã xung phong trong bộ đội, dân công và công nghiệp (thí dụ những đội thanh niên xung phong lao động). Nhưng ở nông thôn, thanh niên chưa làm nổi bật vai trò xung phong.

          - Về mặt lãnh đạo: Quân đội, công đoàn, nông hội khá. Nhưng còn phải cố gắng nhiều nữa. Hội phụ nữ và Đoàn thanh niên chưa đi thật sát với quần chúng.

          Nói tóm lại: Thi đua các ngành đều có tiến bộ hoặc ít hoặc nhiều. Nhưng ngoài bộ đội, thì khuyết điểm chung là thiếu liên tiếp, rộng khắp và chưa biết gắn liền với học tập chính trị.

          Từ nay, phải phát triển những ưu điểm, sửa chữa những khuyết điểm. Những ngành thi đua đã khá thì phải cố gắng thêm. Những ngành thi đua đã kém thì phải cố gắng theo cho kịp phong trào.

NỘI DUNG THI ĐUA

 

          Thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm thì:

          - Tăng năng suất: làm mau, làm tốt, làm nhiều.

          - Ra sức tiết kiệm: nguyên liệu, vật liệu, sức lao động, thì giờ.

          Tiết kiệm để giúp tăng gia. Tăng gia để thực hiện tiết kiệm. Một thí dụ: Nguyễn Đăng Đại làm giây mìn một tháng tiết kiệm được 50 lít xăng, 14 kilô cánh kiến, 140 thước vải, một số nhân công, mà năng suất vẫn cao hơn, chất lượng vẫn hơn trước.

          Thi đua diệt giặc lập công thì:

          - Luyện tập giỏi,

          - Diệt nhiều địch,

          - Khắc phục khó khăn, chấp hành mệnh lệnh, làm tròn nhiệm vụ.

          Có người tưởng lầm bộ đội chỉ có nhiệm vụ diệt giặc lập công, không trực tiếp tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Nói thế không đúng. Bộ đội đánh thắng trận, quý trọng chiến lợi phẩm, thế là tăng gia sản xuất. Bộ đội quý trọng của công, quý trọng quân trang quân dụng, thế là tiết kiệm. Còn bộ đội ở hậu phương, các ngành quân nhu, quân giới, quân y, vận tải v.v... càng phải thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Trong việc sử dụng dân công, càng phải tiết kiệm để đồng bào hậu phương đủ lực lượng và ngày giờ đặng thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm.

 

CÁCH THI ĐUA

 

          - Trong bộ đội thì phát huy quân sự dân chủ.

          - Các ngành thì nâng cao kỹ thuật.

          - Gom góp sáng kiến. Rút kinh nghiệm, tổng kết kinh nghiệm, trao đổi và phổ biến kinh nghiệm.

          Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý chung cho cả dân tộc. Chúng ta phải ra sức làm cho nó dồi dào thêm và lan rộng mãi. Đầu thì lan khắp, một đơn vị, một nhà máy, một làng v.v… Dần dần lan khắp cả quân đội, cả ngành công nghệ, cả nước. Sáng kiến và kinh nghiệm cũng như những con suối nhỏ chảy vào sông to, những sông to chảy vào biển cả. Không biết quý trọng sáng kiến và phổ biến kinh nghiệm tức là lãng phí của dân tộc.

          Việc phổ biến sáng kiến và kinh nghiệm là phận sự của quân đội, cả đoàn thanh niên, công đoàn, nông hội. Chính quyền cũng phải săn sóc giúp đỡ việc này.

          Các báo chí và văn nghệ: phải điều tra tuyên truyền, khen ngợi những ưu điểm và phê bình những khuyết điểm trong việc phổ biến sáng kiến và kinh nghiệm. Đó là một nhiệm vụ vẻ vang của báo chí và văn nghệ thiết thực góp phần vào phong trào thi đua ái quốc.

 

MỨC THI ĐUA

 

          Mức thi đua phải tiến dần dần và tiến mãi mãi.

          Những người và những nhóm hiện nay đã đạt được mức cao, thì phải làm cho chất lượng tốt hơn nữa và phải gắng tiến lên nữa. Giúp đỡ những người và những nhóm còn kém theo kịp mức cao hiện nay.

          Trí khôn, sáng kiến, học hỏi, tiến bộ và tinh thần hi sinh của người ta không có hạn, nó cứ tiến mãi. Cho nên mức thi đua cũng không có hạn, nó cứ tiến lên mãi.

          Ai thi đua với ai? Thi đua giữa người này với người khác, đơn vị này với đơn vị khác, điều đó ai cũng hiểu. Một điều nên nhắc là: ngành này có thể và nên thi đua với những ngành khác. Thí dụ: một đơn vị nông thôn có thể thi đua với một đơn vị bộ đội và một đơn vị công nghiệp. Xã A và nhà máy B ký giao ước với bộ đội C, sẽ tăng gia và tiết kiệm bao nhiêu. Bộ đội C ký giao ước diệt nhiều giặc, cướp nhiều súng. Thế là công nông binh thi đua với nhau, cùng tiến bộ.

 

Ý NGHĨA THI ĐUA

 

          - Thi đua là đoàn kết: Trong phong trào thi đua chúng ta thấy đủ các dân tộc: Kinh, Thổ, Mán, Mường v.v… đủ các tín ngưỡng, lương có, giáo có, đủ các tầng lớp binh, công, nông, sĩ, đủ cả người già, trẻ, gái, trai, tất cả đều nhằm vào một mục đích chung: tăng gia sản xuất và diệt giặc, lập công.

          Trước kia anh em trí thức thì xa lao động chân tay. Công nông binh thì ai chỉ lo việc nấy. Giữa các hạng người, các tầng lớp, cảm tình chưa được thân mật. Nay phong trào thi đua đã làm phát triển tinh thần đoàn kết giữa tất cả các tầng lớp nhân dân. Thí dụ: muốn bộ đội đủ ăn đủ mặc, đủ vũ khí, đánh mạnh, thắng nhiều, thì trí thức thi đua phát minh sáng chế, nông dân thi đua làm nhiều lúa nhiều bông, công nhân thi đua sản xuất súng đạn. Trong lúc thi đua diệt giặc lập công thì bộ đội luôn luôn nhớ đến đồng bào và khuyến khích lẫn nhau: diệt sạch giặc đi, để đồng bào làm ăn yên ổn.

          Thế là thi đua tăng cường đoàn kết, mà đoàn kết đẩy mạnh thi đua. Đoàn kết là đoàn kết thật sự và rất chặt chẽ.

          Tôi muốn nhắc lại vài chuyện nhỏ, nhưng có ý nghĩa rất to: Bà cụ Năm (Cao Bằng), 83 tuổi, xung phong sửa đường. Cán bộ khuyên bà cụ nghỉ, thì bà cụ nói:“Càng già càng phải giúp kháng chiến. Sửa đường để bộ đội đi cho mau, giết cho nhiều giặc, thắng cho nhiều trận...”. Cháu Nguyễn Thị Gia Tiên (ngành quân dược) khuyến khích chị em: “Chúng ta phải thi đua chuẩn bị thuốc men cho mau và cho cẩn thận, để anh em bộ đội yên tâm đánh giặc…”. Đó là những lời mộc mạc, do lòng tương thân tương ái, do tinh thần đoàn kết từ đáy lòng thốt ra. Đó là những đoạn văn chương mới mẻ và tươi sáng do phong trào thi đua và cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta nảy nở ra.

          - Thi đua là yêu nước: Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực. Các chiến sĩ thi đua đều tăng năng suất từ gấp rưỡi trở lên. Nếu ta cứ tính đổ đồng mỗi chiến sĩ đều tăng năng suất gấp đôi, nếu tất cả những người lao động nước ta – bộ đội, công, nông, lao động trí óc – đều thi đua và đều tăng năng suất gấp đôi, thì kết quả sẽ thế nào?

          Kết quả là lực lượng của ta về mọi mặt đều tăng gấp đôi, ta sẽ diệt giặc gấp đôi, thắng lợi gấp đôi. Kết quả là kháng chiến sẽ thắng lợi gấp đôi, kiến quốc sẽ thành công gấp đôi. Kết quả là dân giàu nước mạnh.

          Cho nên chúng ta nói: thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất.

          - Thi đua là tinh thần quốc tế: Nhân dân Liên Xô, Trung Quốc và các nước bạn khác cho chúng ta nhiều kinh nghiệm thi đua. Chúng ta học nhiều kinh nghiệm thi đua ở các nước bạn, và ta sẽ cố gắng thi đua với các nước bạn để cùng các nước bạn tiến bộ. Đó là tinh thần quốc tế.

          Nhân dân và báo chí các nước bạn vui mừng khi họ nghe những thành tích của phong trào thi đua của ta. Cũng như ta vui mừng khi nghe những thắng lợi trong phong trào thi đua của các nước bạn. Đó là tinh thần quốc tế.

          Tinh thần quốc tế chân thành ấy tỏ rõ trong những lời nói và việc làm của các chiến sĩ thi đua. Một thí dụ: Một nhóm chiến sĩ trồng bông Trung Quốc đến thăm các chiến sĩ thợ dệt ở một nhà máy vải, rồi họ vui vẻ nói: “Chúng tôi ra sức thi đua trồng cho nhiều bông, các đồng chí thi đua dệt cho nhiều vải. Rồi chúng ta tha hồ cung cấp cho đồng bào Trung Quốc, và tha hồ giúp cho anh em Triều Tiên và Việt Nam tự lực cánh sinh”.

          Lại như trong số chiến sĩ thi đua của ta, có những chiến sĩ Hoa kiều. Như đồng chí Voòng Dùng Hinh là một lão chiến sĩ gương mẫu, luôn luôn hăng hái thi đua; hăng hái ủng hộ kháng chiến. Đó là tinh thần quốc tế.

          Thi đua chẳng những bồi dưỡng tinh thần đoàn kết và tinh thần yêu nước của dân tộc ta, mà lại làm cho nhân dân ta đoàn kết với nhân dân lao động thế giới.

          - Thi đua là góp sức giữ gìn hòa bình và dân chủ thế giới: Ở các nước đế quốc, không bao giờ có và không thể có phong trào thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Vì nhân dân lao động các nước ấy không dại gì mà làm lợi cho những giai cấp bóc lột họ, áp bức họ. Không thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm mà các nước ấy đã có hàng triệu người bị thất nghiệp. Một nước tự xưng giàu có nhất thế giới như Mỹ, đã có hơn 12 triệu công nhân bị thất nghiệp. Nếu thi đua thì nhân dân lao động ở các nước ấy sẽ thất nghiệp nhiều hơn nữa.

          - Thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm chỉ có ở Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam và các nước dân chủ mới. Thi đua diệt giặc lập công chỉ có trong các quân đội cách mạng. Vì ở nước ta và các nước bạn ta, vì trong quân đội cách mạng, nhân dân và quân đội thi đua là lợi ích cho chính mình, cho dân tộc mình. Do thi đua mà phe hòa bình và dân chủ kinh tế ngày càng thịnh vượng, lực lượng ngày càng to lớn, làm cho phe đế quốc gây chiến do Mỹ cầm đầu phải nhụt lại.

          Quân và dân ta thi đua để đẩy mạnh kháng chiến chống thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ. Ta tiêu diệt lực lượng đế quốc Pháp và Mỹ, tức là ta tích cực góp phần vào công cuộc giữ gìn hòa bình và dân chủ thế giới. Đó chính là tinh thần quốc tế của thi đua.

          - Thi đua cải tạo con người: Lao động sáng tạo xã hội. Thi đua thì cải tạo con người.

          Ngoài những ý nghĩa nói ở trên, càng hăng hái thi đua thì người chiến sĩ càng phải ra sức tìm tòi, học hỏi, cầu tiến bộ. Do sáng kiến và kinh nghiệm trong thi đua và lao động chân tay nâng cao trình độ kỹ thuật của mình. Do thi đua mà lao động trí óc gần gũi, giúp đỡ, cộng tác và học hỏi những người lao động chân tay, và trở nên những người trí thức hoàn toàn. Thế là phong trào thi đua đã làm cho công nông binh trí thức hóa, và trí thức thì lao động hóa.

          Những chiến sĩ thi đua ắt phải là những con người giàu tinh thần trách nhiệm. Thường có những người hay kể công lao, hay mặc cả với kháng chiến, với dân tộc. Họ hay suy nghĩ: “Ta làm được việc này việc nọ, nhưng kháng chiến và dân tộc đã bù đắp cho ta như thế nào?”. Chiến sĩ thi đua thì không kể công, không mặc cả với kháng chiến, với dân tộc. Họ luôn luôn tự hỏi: “Ta đã tăng năng suất được bao nhiêu, đã làm lợi cho kháng chiến, cho dân tộc như thế nào?”. Chiến sĩ thi đua lại có tinh thần vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

          Cho nên có thể nói: chiến sĩ thi đua là những người mới, những người luôn luôn cố gắng thực hành cần, kiệm, liêm, chính, là những người tôi trung của nhân dân, con hiếu của Tổ quốc.

          Để phát triển phong trào thi đua, chúng ta phải chống bệnh quan liêu, chống nạn tham ô, lãng phí. Vì bệnh quan liêu sẽ ngăn trở phong trào thi đua, làm nó chậm tiến, và nạn tham ô lãng phí sẽ làm giảm bớt những kết quả của phong trào thi đua.

 

KẾT LUẬN

 

          Phong trào thi đua là một trong những thắng lợi của nhân dân ta trong mấy năm kháng chiến này. Nó sẽ làm đà cho những thắng lợi to hơn nữa, vẻ vang hơn nữa về quân sự, chính trị, kinh tế.

          Vì vậy, nhiệm vụ của Chính phủ, của Mặt trận và các đoàn thể trong mặt trận là phải đẩy mạnh phong trào thi đua lên cao hơn nữa và rộng khắp hơn nữa. Hiện nay ta mới có hàng vạn chiến sĩ thi đua, từ nay chúng ta phải có hàng triệu chiến sĩ thi đua.

          Nhiệm vụ của các chiến sĩ thi đua là phải cố gắng mãi, tiến bộ mãi. Phải khiêm tốn và gần gũi với quần chúng, phải làm gương mẫu cho quần chúng. Phải học tập chính trị, phải gắn liền tinh thần thi đua với tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế. Tuyệt đối chớ tự kiêu tự mãn, chớ xa rời quần chúng. Phải luôn luôn nhớ rằng: thành tích là thành tích tập thể, anh hùng là anh hùng tập thể, chứ không phải là thành tích và anh hùng cá nhân. Đó là vinh dự chung của cả dân tộc, chứ không phải là vinh dự riêng của cá nhân.

          Năm nay, Chính phủ và đoàn thể đã đặt kế hoạch tăng gia sản xuất và tiết kiệm, về quân sự thì có kế hoạch chỉnh huấn và tác chiến.

          Chính phủ, đoàn thể, toàn thể quân và dân ta, nhất là các chiến sĩ thi đua, phải có quyết tâm vượt mọi khó khăn để thực hiện cho bằng được kế hoạch ấy. Chúng ta phải cố gắng để trong Đại hội chiến sĩ năm sau, chúng ta sẽ có những thành tích to lớn và vẻ vang hơn nữa và nhiều anh hùng chiến đấu, nhiều anh hùng  lao động hơn nữa. Thế là:

Người người thi đua,

Ngành ngành thi đua,

Ta nhất định thắng,

Địch nhất định thua.

(Nói ngày 1-5-1952. Báo Nhân dân, số 57 ngày 8-5-1952)

Nguồn: Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb.CTQG, H.2000, t.6, tr.469-476.

 
Ý kiến của bạn