Đạo Tú là một trong 3 xã điểm của huyện Tam Dương thực hiện lộ trình xây dựng NTM, đến nay xã mới hoàn thành 12/19 tiêu chí NTM. Để hoàn thành được 19 tiêu chí trong năm 2013, Đạo Tú cần nỗ lực hết mình, tập trung hoàn thành từng tiêu chí cụ thể. Tuy nhiên, đây là việc làm không dễ, vì nhiều tiêu chí xã Đạo Tú gặp không ít khó khăn, trong đó có tiêu chí thiết chế văn hóa.
Trong thiết chế văn hóa ấy, thì nhà văn hóa thôn đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống cộng đồng. Thế nhưng, rất ít nơi có nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định. Xã Đạo Tú cũng không ngoại lệ. Xã có 12 thôn, nhưng mới có 4 thôn có nhà văn hóa đó là thôn Hủng 1, thôn Hủng 2, thôn Cõi và thôn Long Sơn; khu phố Bê Tông đang trong quá trình xây dựng. Các thôn chưa có nhà văn hóa đã có quy hoạch cụ thể về vị trí xây dựng thiết chế văn hoá cơ sở đạt chuẩn gắn với xây dựng NTM. Nhà văn hóa thôn của xã Đạo Tú có diện tích từ 110 - 156 m2, được thiết kế theo mẫu. Kinh phí xây dựng một nhà văn hóa trung bình từ 300-500 triệu đồng, kinh phí được hỗ trợ từ các cấp là 130 triệu đồng. Như vậy, để có nguồn kinh phí đủ xây dựng thì bà con trong từng thôn phải đóng góp. Cụ thể, mỗi nhà văn hóa của thôn, người dân phải đóng góp thêm 130 – 370 triệu đồng. Trong khi đó, nhiều thôn của xã có số dân ít nên việc đóng góp trở nên khó khăn.
Bên cạnh nguồn kinh phí thì quá trình triển khai xây dựng nhà văn hóa thôn cũng gặp nhiều vướng mắc, việc giải phóng mặt bằng là một trong những lý do mà nhà văn hóa chậm thi công. Điển hình như thôn Cẩm Trạch, nhà văn hóa thôn được quy hoạch trên vị trí của một hồ nước cũ đã được giao thầu, đến nay mặt bằng chưa được giải phóng do chủ thầu chưa hết hạn hợp đồng. Và một thực trạng cho thấy là nếu có xây nhà văn hóa trên khu đất hồ ấy, thì kinh phí sẽ rất lớn do địa hình đất vốn yếu, như vậy, việc người dân ở thôn này phải đóng một khoản tiền lớn là không tránh khỏi. Hay như thôn Dội, để xây dựng được nhà văn hóa cũng cần cả một quá trình nghiên cứu địa hình, vị trí. Vì thôn Dội tuy có số lượng dân cư đông, 252 hộ với 925 khẩu, nhưng người dân sống phân tán, không tập trung, nên việc chọn vị trí nhà văn hóa ở trung tâm thôn là một việc làm không dễ. Trong quy hoạch NTM, xã đã dành diện tích hơn 1,5 ha để xây dựng khu trung tâm văn hóa, thể thao xã, trong đó có các công trình chính như nhà văn hóa đa năng, sân thể thao … Đất đã có, nhưng thiếu kinh phí.
Đạo Tú được biết đến là một vùng quê giàu truyền thống, có nền văn hóa đa dạng, phong phú. Hương ước, quy ước, quy định việc cưới, việc tang… được các thôn hoàn thiện từ năm 2003 và nghiêm túc thực hiện. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao đứng tốp đầu huyện. Đạo Tú phát triển mạnh đội bóng đá nữ ở cả 12 thôn. Nhiều hoạt động thể dục, thể thao được tổ thường xuyên như bóng bàn, bóng chuyền, cầu lông…Ngoài ra, Đạo Tú có 3 làng cổ, đó là làng Đạo Tú, làng Thụy Yên, làng Cẩm Trạch. Hàng năm, vào những dịp lễ tết, ngoài các phong trào văn hóa, thể dục, thể thao do xã đứng ra tổ chức thì các làng trên địa bàn thường tổ chức các trò chơi dân gian như vật cổ truyền, cờ tướng, bịt mắt bắt vịt, đập niêu… Các phong trào quần chúng về văn hóa, thể dục - thể thao là nền tảng để các thiết chế hoạt động sôi nổi. Để các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao trong xã được duy trì và phát triển thì từ các thôn đến xã phải hoàn thiện được cơ sở vật chất cho thiết chế văn hóa và việc xây dựng đó phải đi đôi với việc ban hành cơ chế, chính sách bảo đảm các điều kiện vận hành hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể dục - thể thao có hiệu quả.
Như vậy, để hoàn thiện thiết chế văn hóa trong năm 2013 thì Đạo Tú cần làm tốt công tác tuyên truyền đến từng hộ gia đình, từng người dân về chủ trương của Đảng và nhà nước về mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Tăng cường công tác tuyên truyền về các đơn vị điển hình xây dựng thiết chế văn hoá cơ sở./