Anh Hát mê sáng chế nông cụ

 11562 lượt xem
Mới học hết cấp 2 nhưng anh Phạm Văn Hát ở thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) lại rất say mê sáng chế các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp... 
Anh Hát giới thiệu những bộ lưỡi cày tự sáng chế.

Học hết lớp 9, anh Hát xin vào làm công nhân Xưởng cơ khí Bông Sen chuyên lắp ráp, chế tạo công nông ở TP Hải Dương. 10 năm sau, anh về quê xây dựng gia đình và mở một xưởng cơ khí riêng. Được vài năm, anh lại chuyển sang đầu tư xây dựng mô hình trồng rau sạch, rau an toàn nhưng không thành công. Năm 2010, anh đi xuất khẩu lao động sang Israel (I-xra-en) làm đất, trồng, chăm sóc và thu hoạch rau xanh trong một nông trường. Vốn là người say mê sáng tạo, lại có nhiều năm làm nghề cơ khí nên ngoài nhiệm vụ được giao, anh còn tự mày mò nghiên cứu, sáng chế thành công một số loại máy nông cụ như: máy cắt rau, máy trải phân, máy gieo hạt... góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, chi phí và được chủ sử dụng lao động đánh giá cao. Đầu năm 2012, anh về nước và quyết định mở lại xưởng cơ khí chuyên chế tạo thêm bộ phận cho các loại máy nông cụ, giúp nông dân nâng cao năng suất, hiệu quả công việc. Thành công nhất là anh đã nghiên cứu và sáng chế ra "lưỡi vét luống" cho máy phay đất Kubota của Nhật Bản và thiết kế thêm lưỡi cày cho các loại máy cày từ 8 đến 30 mã lực. 

Anh Hát cho biết, máy phay đất Kubota trước đây chỉ làm được 2 nhiệm vụ cày và phay nhỏ đất. Trước khi trồng rau màu, nông dân phải dùng cuốc để lên luống, khoi rạch. Nay cũng với máy làm đất đó, anh chế tạo và lắp thêm bộ phận "lưỡi vét luống" vào giàn phay đất. Khi máy phay đất, thì đồng thời làm công đoạn lên luống, khoi rạch, rút ngắn được thời gian và công sức của nông dân. 
 
Các loại máy cày nhỏ hiện nay (khoảng 8-15 mã lực) chủ yếu sử dụng 1 lưỡi, chỉ có máy cày lớn (22-30 mã lực) mới sử dụng 2-3 lưỡi. Các lưỡi cày thường có bản to, di chuyển khó khăn. Đối với máy cày nhỏ, anh thiết kế thành 2 lưỡi, còn máy cày lớn thiết kế có 4-5 lưỡi. Lưỡi cày do anh sáng chế nhỏ gọn và có các mức điều chỉnh xá cày cho từng chân đất nên dễ dàng sử dụng, di chuyển nhẹ nhàng, thời gian cày 1 sào giảm từ 40-45 phút xuống còn 25 phút.
 
Tháng 5-2012, những sáng chế của anh bắt đầu được đưa vào sử dụng thử nghiệm trên đồng đất địa phương và đã mang lại thành công, được nông dân áp dụng rộng rãi. "Tiếng lành đồn xa", đến nay, đã có trên 50 lượt hộ dân đến từ các huyện Kinh Môn, Kim Thành, Thanh Hà, Thanh Miện... tìm về tận gia đình anh Hát để mua các "phụ tùng" cho máy nông cụ kể trên. Những người có nhu cầu khi đến hỏi mua hàng đều được anh hướng dẫn cách sử dụng và bảo hành sản phẩm trong vòng 1 năm. Đặc biệt, giá các sản phẩm trên chỉ ở mức từ 2-3 triệu đồng.
 
Anh Hát cho biết, hiện nay, trên thị trường các loại máy cày, máy gặt đập liên hoàn cỡ lớn có giá hàng trăm triệu đồng, nhiều nông dân không có điều kiện mua. Vì vậy, anh đang nghiên cứu sáng chế thêm máy gặt, máy cày có giá từ 15-20 triệu đồng để nông dân địa phương có thể áp dụng rộng rãi vào sản xuất.
 
 
Ý kiến của bạn