Được thành lập từ năm 2004 đến nay, hợp tác xã (HTX) chăn nuôi thủy sản Thanh Xuân (Thanh Lãng - Bình Xuyên – Vĩnh Phúc) đã khẳng định được mối liên kết chặt chẽ giữa các hộ thành viên tham gia. Ban đầu chỉ với 8 thành viên, nhưng đến nay số hội viên tham gia đã lên tới 22 người. HTX ngày càng lớn mạnh về quy mô, hiệu quả và tạo được vị thế trong việc nuôi trồng thủy sản tại địa phương.
Ông Nguyễn Việt Hòe, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi thủy sản Thanh Xuân chăm sóc cá giông.
Ông Nguyễn Việt Hòe, Chủ nhiệm HTX cho biết “Trước đây, khi chưa có HTX, nghề thủy sản bị bỏ ngỏ, không ai quan tâm quản lý, trong khi diện tích đầm ao tại địa phương khá nhiều. Các hộ nuôi cá chủ yếu nuôi theo phương thức quảng canh, sản xuất manh mún, tự phát, việc lựa chọn con giống chưa phù hợp, hiệu quả thấp”. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, HTX được thành lập với mục đích liên kết các hộ nông dân nuôi trồng thủy sản đứng trong một tập thể để sản xuất hàng hóa, giúp nhau phát triển kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về con giống, thức ăn, đối phó dịch bệnh, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Sau 7 năm hoạt động, hiện nay HTX có 73ha mặt nước nuôi trồng thủy sản bao gồm quỹ đất 2 và diễn tích mặt nước vùng giáp ranh. HTX chia ra mỗi xã viên quản lý một ao, đầm, hiện tại xã viên quản lý ít nhất là 1,3ha, nhiều nhất là 46ha. Trước khi vào mùa thả cá, HTX họp bàn, phổ biến và định hướng cho xã viên nên thả các loại cá gì phù hợp với nhu cầu thị trường, điều kiện thời tiết, đặc điểm riêng của từng ao, đầm. Đồng thời phổ biến kiến thức về cách chăm sóc từng loại cá cho phù hợp. Hàng năm HTX phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh mỗi năm mở khoảng 10 lớp tập huấn nuôi trồng thủy sản; tổ chức cho xã viên đi tham quan các mô hình chăn nuôi thủy sản, mô hình trang trại kết hợp có hiệu quả ở Vĩnh Yên, Tam Dương, Bình Xuyên… Năm 2011, HTX được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ 150 triệu đồng, mở 2 lớp tập huấn về quản lý và kế toán. Hướng sản xuất thủy sản của HTX Thủy sản Thanh Xuân là nuôi cá thịt. Các loại cá nuôi phổ biến là: Chim trắng, rô phi đơn tính, cá trôi, trắm cỏ, cá chép… Thức ăn chủ yếu cho cá là rơm rạ, cỏ, cám gạo, cám ngô và một số loại cám công nghiệp bổ sung. Mỗi năm HTX thả từ 5-6 tấn giống, cuối vụ cho thu hoạch từ 25-30 tấn cá thịt. Cứ mỗi đợt chuẩn bị thu hoạch cá, HTX tổ chức họp bàn và cử người đi tìm hiểu thị trường. Thu nhập từ nuôi cá, HTX thu về mỗi năm trên 1 tỷ đồng. Thu nhập của mỗi xã viên trung bình 50 triệu đồng/năm, gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Bên cạnh đó, cùng với diện tích mặt nước thả cá, các hộ còn xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn thịt, gà thịt, gà đẻ trứng, vịt siêu trứng trên khu đất bờ ao, đầm. Kết hợp với trồng các loại rau quả như mướp, bầu bí vừa làm mát mặt nước, tận dụng được phân gia súc, gia cầm cho cá ăn. Với mô hình này, các xã viên không chỉ thu nhập từ nuôi cá mà thu nhập từ các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi khác giúp thoát nghèo và trở lên khá, giàu.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Hòe khó khăn mà HTX chăn nuôi Thanh Xuân gặp phải là 100% sản phẩm thủy sản của HTX được bán cho các thương lái, phụ thuộc vào tư thương nên thường hay bị ép giá. Bên cạnh đó, HTX không có trụ sở riêng để hội họp, diện tích đất đào ao thả cá của các hội viên là đất đấu thầu 5 năm, thời gian hợp đồng quá ngắn, cũng khiến cho HTX không dám đầu tư nhiều để mở rộng sản xuất. Nguồn vốn hoạt động của HTX chủ yếu là vốn do các hội viên vay ngân hàng với lãi suất cao, không được ưu đãi cũng là một hạn chế cho sự phát triển của mô hình này. Trong thời gian tới, định hướng phát triển của HTX là cùng với duy trì các sản phẩm truyền thống, sẽ mở rộng thêm nuôi một số đặc sản như: Baba, cá sấu… Mong muốn của các hội viên HTX là được các cấp lãnh đạo quan tâm, giải quyết những khó khăn, phát triển ngành thủy sản địa phương, giúp người nông dân làm giàu trên mảnh đất quê hương.