Những nữ giáo viên vượt khó trồng người

 7936 lượt xem
Sáng 9-11, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân gặp mặt, biểu dương 128 nữ nhà giáo tiêu biểu đang công tác tại vùng biên giới, hải đảo, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân biểu dương những đóng góp to lớn của 128 nữ nhà giáo đang công tác tại biên giới hải đảo, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên mọi miền Tổ quốc.

Theo Phó Thủ tướng, các cô giáo chính là những tấm gương tiêu biểu cho tinh thần vượt khó của ngành giáo dục cả nước.

Đồng thời, Phó Thủ tướng mong muốn mỗi thầy cô giáo chính là một chiến sĩ trên mặt trận trồng người, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục - đào tạo của nước nhà.
 
Vượt khó trồng người
 
Cảm động trước những câu chuyện của các nữ giáo viên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bộc bạch: “Một số cô giáo đã bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình. Tôi chắc các cô ở đây mới chỉ nói 1/10 sự thật thôi, nói cái được thì nhiều còn hi sinh chịu đựng thì nói rất ít”.
 
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã tặng bằng khen cho 128 nữ giáo viên tiêu biểu đang công tác tại biên giới hải đảo, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên mọi miền Tổ quốc.
 
Đó là câu chuyện của cô giáo Hà Thị Hằng, Trường THPT Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên về những năm tháng vừa vào nghề còn rất thiếu thốn, đói nghèo, cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc. Điều kiện giảng dạy và học tập là nhà tranh, rách nát.
 
Học sinh hầu hết đều ở xa trường, có em từ nhà tới trường khoảng hơn 20km, với điều kiện sinh hoạt hết sức kham khổ. Ngoài mấy bơ gạo cùng khoai sắn và một ít rau nhà, gần như rất ít khi cô có nổi tiền mua mắm, mỡ, mì chính, đặc biệt thịt cá không bao giờ có trong bữa ăn.
 
Còn cô giáo Sái Thị Hạnh, Trường Tiểu học Yên Lâm I (Yên Lâm, Hàn Yên, Tuyên Quang) với đã có 34 năm công tác giảng dạy. Vẹn nguyên trong kí ức không thể quên những ngày đầu tiên gây trường, mở lớp
 
“Làm sao quên được những tháng ngày nhà tạm giáo rét, rồi cả những đêm đông lạnh lẽo, nhưng trang giáo án hiện lên dưới ánh đèn tù mù”- Cô Hạnh chia sẻ.
 
Đó còn là câu chuyện cảm động của nữ nhà giáo Nguyễn Thanh Thêm, Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), đã làm đơn tình nguyện xin lãnh đạo Phòng GD&ĐT về Đất Mũi mở trường mẫu giáo.
 
Khi đó, cô giáo Thêm về xóm Mũi dạy học với hai bàn tay trắng, xin chính quyền xã 23 mét vuông mở phòng học., Sau đó vận động được 24 trẻ tới lớp, cô mừng phát khóc.
 
“Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 10 đến tháng 12, thủy triều dâng ngập lớp học đem theo lớp phù sa kèm các loại rác trôi nổi bập bềnh, đầy những con rắn nước và một số côn trùng.
Phải chờ cho nước rút, tôi mới nhanh chóng quét dọn, lau chùi. chờ khô bàn ghế cô trò mới học được. Do địa hình kênh rạch chằng chịt, giao thông đi lại chủ yếu bằng đường thủy, khó khăn, nên đèn thắp sáng không có, tôi phải thắp bằng đèn dầu để soạn bài trong khi gió biển cứ ào ào thổi”- cô Thêm chia sẻ.
 
Bộ GD&ĐT cho biết, ngành giáo dục và đào tạo hiện nay có khoảng 1,3 triệu nhà giáo, trong đó khoảng 800.000 nữ nhà giáo và quản lý giáo dục. Có hơn 150.000 nữ nhà giáo đang làm nhiệm vụ tại vùng núi cao, biên giới, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn, nơi các cô đang làm nhiệm vụ kéo dài từ Lũng Cú (Hà Giang) đến Đất Mũi (Cà Mau), Phú Quốc, Thổ Chu (Kiên Giang), trải rộng từ ngã ba biên giới Việt, Lào, Campuchia đến Hoàng Sa, Trường Sa.
 
 
Ý kiến của bạn