Người lái đò miễn phí chở học sinh qua sông

 9060 lượt xem
Chục năm nay, bất kể trời mưa hay trời nắng, mùa hè hay những ngày đông mưa phùn gió bấc trong cái rét cắt da cắt thịt, người ta vẫn thấy ông ngày ngày cần mẫn chở đò đưa các em học sinh và những người dân có việc qua sông sang bờ một cách an toàn. 

 Điều đặc biệt là từng ấy năm làm nghề chở đò cũng là từng ấy năm ông không nhận tiền công của bất kỳ một em học sinh hay hành khách nào vì trong suy nghĩ thật bình dị của ông: “Chỉ cần các em được ngày ngày vui vẻ đến trường và học tập làm sao cho thật tốt, khách đi đường an toàn là tôi vui rồi”.

Người lái đò đặc biệt ấy là ông Trần Văn Khương, sinh năm 1960, ở làng Lô Đông, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng).
 
Nhiều năm nay, ông Trần Văn Khương cần mẫn chở đò miễn phí đưa học sinh qua sông để đến trường.
 
Làng Lô Đông thuộc xã Vĩnh Phong có 130 hộ gia đình với 450 nhân khẩu do địa hình tự nhiên bị chia cắt bởi dòng sông Hóa giáp danh với xã An Khê (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) nên từ nhiều năm nay việc đi lại của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, đối với các em học sinh, nếu như muốn đến được trường trong trung tâm xã thì nhiệm vụ đầu tiên của các em là phải qua được khúc sông này. Để khắc phục những khó khăn, trước kia chính quyền địa phương cũng đã mua sắm phương tiện và cắt cử người làm nhiệm vụ chở đò, nhưng rồi cũng chỉ được một thời gian, lần lượt những chủ đò đều xin nghỉ vì công việc phải thức khuya dậy sớm, mưa nắng mệt nhọc mà tiền công cán thì chẳng đủ mưu sinh. Trước tình trạng này, địa phương lại tiếp tục tìm người kế nhiệm nhưng thời gian vẫn cứ qua đi mà các phương án kiếm tìm vẫn chìm trong bế tắc.
 
"Sau nhiều đêm trăn trở bàn đi tính lại với vợ tôi quyết định nghỉ việc lái tàu chở cát đá trên sông để về nhà xin “ứng cử”, biết làm như vậy gia đình sẽ khó khăn, nhiều người cho rằng tôi khùng khi lại làm cái việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng vì tôi thương tụi nhỏ của làng mình, các em phải chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn trong xã trên con đường đi tìm con chữ”, ông Khương tâm sự.
 
Thấm thoắt đã gần chục năm qua cũng là ngần ấy năm ông Khương gắn bó với công việc lái đò của mình. Như thường lệ, một ngày làm việc của ông được bắt đầu theo một công thức dù mưa dầm hay gió rét, ông phải dậy từ 4 giờ sáng, đây là thời gian chủ yếu để chở những người làm nghề buôn bán của làng, thời gian kế đó đến người nông dân với tay cày tay cuốc qua sông đi làm đồng và khoảng 6h30 là các em học sinh cắp sách tới trường rồi đến 11h trưa lại chở các em khi sáng đi học về. Đối với các em đi học buổi chiều thì thời gian các em đến trường là 12h30 và khi về là 5h30 chiều.
 
“Còn khi khi nào thì đến lượt anh được nghỉ ngơi?” - tôi hỏi và ông Khương cười cho biết: “Thời gian nghỉ nghơi của tôi là khi hành khách cuối cùng đã sang tới bờ chú ạ, buổi tối tôi vẫn thường đợi để đưa các cháu đi học thêm về sau đó mới yên tâm nghỉ được, thực tình nhiều khi bị ốm mệt hay những khi ngoài trời thì giá lạnh đang nằm cuộn tròn trong chăn ấm thấy có người gọi đò là ngại lắm nhưng biết làm sao, có lúc khó khăn như thế này người ta mới cần nhờ tới mình mà mình bỏ mặc sao đành. Nghĩ vậy rồi tôi tiếp tục làm”.
 
Có mặt trên sông khi trời đã về trưa, trước mắt chúng tôi từng tốp em nhỏ với áo trắng khăn quàng đỏ tung bay. Các em đang chuyện trò cười đùa vui vẻ ra về trong khi đó ở phía dưới cùng là ông lái đó dáng người nhỏ nhắn với nước da sạm đen vì nắng gió vẫn đang chăm chú cầm vững tay lái để đưa con đò cập bến một cách an toàn. Đôi khi những nụ cười rạng rỡ tinh nghịch khiến người lái đò cũng bật cười theo. Những tiếng cười giòn cùng vang vọng tan vào sông nước.
 
Tâm sự với chúng tôi khi vừa sang bờ để về nhà, em Nguyễn Văn Huy - học sinh lớp 8A Trường THCS Vĩnh Long cho biết: “Ở đây, tất cả chúng em đều rất yêu quý và biết ơn bác Khương, nhờ có bác mà chúng em được đến trường một cách đầy đủ và an toàn. Bác thường nhắc nhở chúng em phải ngồi cẩn thận mỗi khi qua sông và đi học thì phải biết giúp đỡ nhau cùng học tập thật tốt để cha mẹ và thầy cô vui lòng”.
 
Làm nghề chở đò đưa khách sang sông đã nhiều năm nay nhưng điều đặc biệt là ông Khương không hề đòi hỏi tiền công hay thu tiền lệ phí của những người qua đây và cũng không có một nguồn trợ cấp nào từ chính quyền địa phương. Ông chỉ nhận khi nó xuất phát từ tấm lòng tự nguyện của hành khách muốn cùng được chia sẻ, đóng góp thêm một vài nghìn giúp đỡ ông một phần vào việc mua xăng dầu và tiền tu sửa lại phương tiện để phục vụ lại chính việc đi lại của mình. Quanh năm gắn bó với bến sông này nên đối với việc gia đình, ông Khương cũng chẳng có thời gian giúp đỡ được gia đình nhiều, mọi việc đều phải nhờ đến bàn tay của bà Hiền - vợ ông. Cảm thông với công việc của chồng, một mình bà ngày ngày đảm đương làm lụng với hơn một mẫu trồng lúa, rồi việc nuôi lợn gà, trồng tre bát độ…
 
Nhận xét về công việc cũng như những đóng góp của ông Khương đối với người dân địa phương, ông Đoàn Văn Liệu - Chủ tịch xã Vĩnh Long cho biết: “Trong sự phát triển kinh tế văn hóa của làng Lô Đông nói riêng cúng như đối với xã Vĩnh Long nói chung có một phần đóng góp không nhỏ của anh Khương, đó là một con người luôn luôn hết mình về công việc. Những gì anh đã làm đã cống hiến cho quê hương tuy thầm nặng nhưng thật cao đẹp”.
 
 
Ý kiến của bạn