Sau 3 năm thực hiện Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, dù bị tác động bởi nhiều yếu tố như thời tiết, sâu bệnh, kinh phí hạn chế… song có thể thấy chương trình đã thu được nhiều thành công, cả về diện tích, năng suất, giá trị, hiệu quả.
Những cánh đồng mẫu lớn
Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao Hà Nội giai đoạn 2010-2015 được thực hiện từ cuối năm 2010, với mục tiêu nâng cao giá trị trên 1ha canh tác, cung cấp gạo ngon cho thị trường Hà Nội, hướng tới xây dựng thương hiệu gạo Thủ đô. Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội (TTGCT) Nguyễn Bá Sướng cho biết, sau 3 năm triển khai, Hà Nội đã xây dựng 34 mô hình mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao, trung bình mỗi mô hình từ 100ha trở lên. Trung tâm đã triển khai tại 11 huyện ngoại thành với quy mô 10.670ha, thu hút 71.048 hộ tham gia sản xuất. Kết quả thu hoạch tại các HTX năng suất bình quân đạt 5,4 tấn/ha/vụ.
Năm đầu tiên 2010 triển khai tại 7 HTX với tổng diện tích 1.270ha, sản lượng đạt 6.858 tấn. Năm 2011, nhân rộng lên 13 HTX với 2.400ha, sản lượng đạt 13.680 tấn. Năm 2012, triển khai tại 31 HTX với 7.000ha, sản lượng đạt 37.102 tấn. Giá trị sản phẩm lúa hàng hóa trong 3 năm đạt 518,760 tỷ đồng; hiệu quả kinh tế đạt 195,261 tỷ đồng, tăng hơn so với lúa thường 120,680 tỷ đồng. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân cho rằng, đây là chương trình có tốc độ phát triển nhanh (mỗi năm diện tích tăng gấp đôi) đạt hiệu quả cao dẫn đầu các chương trình, đề án trọng điểm của nông nghiệp Hà Nội, trong 3 năm qua, quy mô tăng 116% so với kế hoạch. Đặc biệt, trong khi cả nước đang đi tìm những mô hình hiệu quả để xây dựng nông thôn mới (NTM) thì Hà Nội đã có những hướng đi tích cực trong chuyển dịch cơ cấu, tăng giá trị nông nghiệp để đạt tiêu chí NTM. Đời sống người trồng lúa được cải thiện, giá trị đất lúa được nâng cao. Thông qua chương trình, trung tâm đã tư vấn xúc tiến xây dựng hai nhãn hiệu gạo tập thể là Gạo Bồ Nâu cho HTX Thanh Văn, Thanh Oai và nhãn hiệu chứng nhận gạo Thủ đô. Đánh giá chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng, đây chính là những cánh đồng mẫu lớn mà Bộ đang yêu cầu các địa phương thực hiện. Hà Nội là địa phương xây dựng được những cánh đồng mẫu lớn đi tiên phong ở miền Bắc.
"Bốn nhà" đóng vai trò quyết định
Do đặc thù cơ chế và các thủ tục hành chính, dù kế hoạch sản xuất các năm được duyệt sớm, nhưng kinh phí hỗ trợ chương trình duyệt rất chậm. Đơn cử như vụ mùa năm 2012, cuối tháng 10 vẫn chưa được phê duyệt dự toán, gây khó khăn cho các HTX, nông dân, doanh nghiệp (DN) khi tham gia chương trình. Thực tế, Chương trình lúa hàng hóa được phê duyệt tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng, trong đó thành phố chỉ hỗ trợ 18%, còn lại là huy động các nguồn khác. Trung tâm đã năng động, sáng tạo triển khai liên kết "bốn nhà". Trung tâm đã liên kết mời các nhà khoa học với sự phối hợp của 5 viện, trường đại học và các trung tâm giống cây trồng, khuyến nông tham gia tư vấn, giúp đỡ và tập huấn cho cán bộ, nông dân. Trong mối liên kết "bốn nhà", mắt xích nhà nông và DN là quan trọng hàng đầu, nhà nước và nhà khoa học giữ vai trò hỗ trợ. Vì thế, việc đi tìm tiếng nói chung cho nhà nông và DN được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu để bảo đảm tính bền vững của liên kết bốn nhà. Những năm qua, trung tâm đã khâu nối DN với các HTX để tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ giống, phân bón… Hiện có 5 DN lớn tham gia cung ứng 693,55 tấn giống lúa như: Bắc thơm số 7, Nàng xuân, T10… cho các HTX tham gia sản xuất. Tiêu biểu là Xí nghiệp Giống cây trồng Thường Tín, CTCP Giống cây trồng trung ương, Công ty Giống cây trồng nông nghiệp Việt Nam... Có 7 DN tham gia cung ứng thuốc trừ sâu, phân bón với 10.510.000 tấn giá trị khoảng 4 tỷ đồng. Để nông dân tin tưởng phấn khởi tham gia mô hình, các DN đã giúp đỡ cho các HTX ứng trước giống, vật tư, phân bón... trước khi thành phố cấp hỗ trợ kinh phí.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt đã đánh giá, Chương trình lúa hàng hóa của Hà Nội đạt hiệu quả cao là thành công của bài toán liên kết, phối hợp "bốn nhà" chặt chẽ. Đây là mô hình nông nghiệp tiêu biểu của Hà Nội cần tổng kết, nhân rộng.
Mục tiêu năm 2013-2016, Hà Nội phát triển 103 vùng lúa hàng hóa chất lượng cao với quy mô 73.000-74.000 ha; sản lượng khoảng 394.200-399.600 tấn; đáp ứng 30-35% nhu cầu lương thực cho Hà Nội và xây dựng 4 nhãn hiệu, thương hiệu gạo Thủ đô.