Kinh tế tập thể ở Sóc Sơn: Nỗ lực vượt khó

 8713 lượt xem
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về kinh tế tập thể (KTTT) hoạt động khu vực HTX ở huyện Sóc Sơn đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đến năm 2015 thành lập mới 35-45 HTX, giải thể 5-7 HTX hoạt động kém, đưa giá trị sản xuất của khu vực KTTT tăng 7-10%/năm... thì vẫn là một thách thức lớn. 

Đến năm 2012, huyện Sóc Sơn có 96 HTX, trong đó 66 HTX nông nghiệp và 30 HTX phi nông nghiệp, với khoảng 2,2 vạn xã viên. Đội ngũ cán bộ chủ chốt của HTX có 516 người, nhưng số qua đào tạo trình độ trung cấp chỉ chiếm 17,6%; đại học và trên đại học 12,2%. Sắp xếp lại và chuyển đổi theo Luật, HTX NN ở Sóc Sơn rơi vào thực trạng yếu kém, hoạt động "được chăng hay chớ". Ông Dương Ngọc Oanh, Chủ tịch UBND xã Minh Phú nhận xét: HTX không còn quản lý vốn quỹ và đất đai như sân kho, trại chăn nuôi… vì vậy đã trở nên yếu thế, chỉ trông vào dịch vụ thủy lợi và điện. Tuy nhiên khi nông dân được miễn thủy lợi phí, đất đai manh mún không có nhu cầu dịch vụ, việc quản lý điện được giao lại cho công ty chuyên ngành thì HTX không còn vai trò đúng nghĩa. Phó Chủ tịch UBND huyện Ngô Đại Ngọc cho biết: ở Sóc Sơn có lúc tới 7/26 xã không còn HTX nông nghiệp, các khâu dịch vụ giao cho trưởng thôn đảm nhiệm. 

Trước thực trạng trên, Huyện ủy Sóc Sơn đã có chỉ thị và UBND huyện đã xây dựng kế hoạch về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT. Năm 2009, Sóc Sơn đã có quyết định kiện toàn lại Ban chỉ đạo KTTT. Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Văn Phong cho rằng: để khắc phục tồn tại và những hạn chế yếu kém của HTX, Huyện ủy đã đề ra các giải pháp cụ thể tạo được niềm tin của cán bộ, và xã viên. Huyện khuyến khích thành lập các HTX kiểu mới, kiên quyết giải thể các HTX yếu kém.
 
Hiện trong số 30 HTX phi NN ở Sóc Sơn có 8 HTX CN và TTCN, 15 HTX thương mại, quản lý chợ và các dịch vụ khác, 4 HTX vận tải, 1 HTX xây dựng và 2 HTX tín dụng. Trong số 66 HTX NN có 6 HTX theo mô hình toàn xã, còn lại là quy mô thôn và liên thôn; 15 HTX hoạt động theo mô hình đại diện hộ xã viên và 49 HTX thành lập mới theo các ngành nghề khác nhau như: rau, hoa, nấm… Các HTX mới thành lập có xu hướng tăng dần thay thế các HTX cũ, hình thức tổ chức gọn nhẹ, vốn góp của xã viên nhiều hơn, hoạt động có mục tiêu rõ ràng và hiệu quả hơn. Các HTX ra đời xuất phát từ nhu cầu hợp tác và do các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện và khả năng kinh tế đứng ra tập hợp và thành lập. Mô hình này thể hiện được tính tự nguyện, tự chịu trách nhiệm và cùng lợi ích nhưng vẫn tôn trọng sở hữu và quyền tự chủ của các hộ thành viên, tổ chức sản xuất gắn với thị trường. Một số HTX có quan hệ tốt với DN, cơ sở sản xuất giống trở thành đối tác trung gian tiêu thụ nông sản, hỗ trợ mua vật tư nông nghiệp. Một số HTX NN đã đầu tư máy cày, gặt đập liên hợp để làm dịch vụ cho nông dân, nhất là các địa phương đã thực hiện dồn điền đổi thửa. Nhiều xã đã cử cán bộ có năng lực vào Ban chủ nhiệm HTX, vận động thành lập các HTX mới, giúp các HTX thực hiện các dự án kinh tế trong và ngoài nước (như dự án rau hữu cơ do tổ chức ADDA của Đan Mạch tài trợ đã lập ra các tổ hợp tác và HTX rau hữu cơ Thanh Xuân, Đông Xuân và Xuân Giang). Số HTX mới đã chiếm 50% trong số HTX hiện có trên địa bàn. 
 
 
Ý kiến của bạn