Công nhân viên chức lao động tỉnh Quảng Ngãi là lực lượng đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước và không ngừng trưởng thành về mọi mặt, đóng góp nhiều thành tích vào sự phát triển chung của tỉnh, nổi bật là phong trào thi đua "Lao động sáng tạo".
5 năm qua phong trào thi đua "Lao động sáng tạo" đã có chiều sâu và hàng trăm sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống. Các sáng kiến này được hình thành, phát triển bởi sự tìm tòi, sáng tạo và những kinh nghiệm đúc rút trong công việc của CNVCLĐ sau khi áp dụng đã góp phần tăng trưởng kinh tế cho đơn vị, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Kỹ sư Nguyễn Văn Thiên (C.ty CP Cơ khí và xây lắp An Ngãi) với máy sản xuất gạch block.
Đóng góp vào thành quả ấy phải kể đến đội ngũ kỹ sư, công nhân Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Đến nay các kỹ sư, công nhân người Việt đang làm việc tại nhà máy đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ, thay thế các chuyên gia nước ngoài. Đây là minh chứng rõ nét cho tinh thần lao động sáng tạo, trí tuệ, bản lĩnh của đội ngũ công nhân, lao động Quảng Ngãi trong thời kỳ mới.
Qua thực tiễn tinh thần hăng say lao động sáng tạo trong công nhân được khẳng định. Trong điều kiện khó khăn, phong trào này càng có điều kiện để phát huy. Những năm trước do ô nhiễm môi trường, các nhà máy sản xuất, chế biến tinh bột mỳ ở Quảng Ngãi đứng trước nguy cơ phải đóng cửa. Trong lúc khó khăn đó kỹ sư Lê Ngọc Hinh và các công nhân đang làm việc tại Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi đã nghiên cứu, ứng dụng thành công giải pháp đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo cơ chế phát triển sạch, mùi hôi thối bốc ra từ tinh bột mỳ, tình trạng ô nhiễm môi trường được khắc phục, toàn bộ số nước thải đều được thu hồi làm nhiên liệu đốt lò thay thế cho việc đốt than, đã góp phần làm giảm thải ô nhiễm môi trường.
Ở Công ty cổ phần Bao bì Việt Phú, sáng kiến cải tiến hệ thống tuần hoàn máy nước kéo sợi từ đối lưu cưỡng bức sang đối lưu tự nhiên, không sử dụng máy mô tơ bơm nước, loại bỏ chi phí bảo dưỡng, mỗi tháng tiết kiệm trên 300.000 đồng tiền điện; sáng kiến cải tiến hệ thống mở miệng bao từ một phía sang hai phía đã chấm dứt việc cắt thủ công, tăng năng suất lao động; sáng kiến thay đổi công nghệ mực dầu sang mực nước, mỗi năm làm lợi cho Công ty hàng chục triệu đồng.
Hay như ở Công ty cổ phần Môi trường đô thị Quảng Ngãi, tổ kỹ thuật vận hành hệ thống đèn chiếu sáng công cộng có sáng kiến lắp đặt hệ thống tiết giảm điện năng, hạ điện thế từ 220V xuống 190V, nhưng vẫn đảm bảo ánh sáng. Sáng kiến thay đổi hệ thống đèn báo tín hiệu giao thông từ đèn sợi đốt sang đèn led bằng cách cải tiến bộ vi mạch, sáng chế bộ điều khiển và lắp đặt đồng hồ đóng điện tự động ở 100 tủ, cải tiến hệ thống đồng hồ chiếu sáng bằng cách thay đổi các pha để kéo dài tuổi thọ cho thiết bị, tiết kiệm điện. Hay như ở ngành giáo dục, các em học sinh phổ thông xưa nay vẫn xem môn địa lí là môn học phụ nên ít dành thời gian nghiên cứu, học tập.
Trăn trở với nghề, cô giáo Trần Thị Lệ Thanh (Trường THPT Trần Kỳ Phong - Bình Sơn) đã tích cực sưu tầm tài liệu, tranh, ảnh, băng đĩa, cập nhật thông tin, bổ sung kiến thức môn địa và quyết tâm đổi mới phương pháp dạy học. Để áp dụng có hiệu quả phương pháp dạy học mới, cô giáo Lệ Thanh học thêm vi tính, tham gia các buổi tập huấn về soạn giảng giáo án điện tử, nghiên cứu tài liệu về ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Nhờ đó cô giáo Lệ Thanh đã tạo được cho học sinh sự hứng thú, say mê trong học tập.
Tuy nhiên do điều kiện của trường còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn cơ sở vật chất (toàn trường chỉ có một phòng dạy đèn chiếu dành cho môn tin học), cô giáo Lệ Thanh nảy ra sáng kiến về một máy chiếu di động. Đó là một cái thùng gỗ có gắn bánh xe bên trong đựng CPU, đèn chiếu, một phông trắng và mấy cục nam châm để gắn phông vào bảng. Với chiếc "xe đẩy" lưu động này, tất cả học sinh của trường đều tiếp cận được với phương pháp dạy học mới có ứng dụng công nghệ thông tin. Môn địa đã thật sự được làm "mới" và trở thành "điểm sáng" của trường khi học sinh liên tiếp đạt được các giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp Quốc gia...
Những thành quả trong phong trào thi đua "Lao động sáng tạo", sáng kiến cải tiến kỹ thuật của CNVCLĐ còn được ghi nhận qua Hội thi sáng tạo kỹ thuật do Trung ương và tỉnh tổ chức. Phần lớn các tác giả đoạt giải là CNVCLĐ. Nhiều tác giả đã thể hiện sự nỗ lực sáng tạo, bám sát nhu cầu sản xuất của địa phương, đơn vị, giải quyết bài toán kỹ thuật, đặt kỳ vọng cao vào mục đích ứng dụng phục vụ sản xuất và đời sống.