Sứ giả của yêu thương

 9657 lượt xem
Lâu nay ở các bệnh viện thường thấy cảnh một số người nấu cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Họ làm không cần tên tuổi, họ làm bởi tiếng lòng yêu thương thúc giục… Họ, trong mắt bệnh nhân là những những sứ giả của yêu thương… 

Trong lúc tôi ngồi viết bài này, có rất nhiều bệnh nhân đang bắt đầu ngày mới, một buổi sáng quen thuộc của người bệnh nghèo: Thức dậy chưa kịp súc miệng, rửa mặt, cầm ngay cái bát để nếu còn đi được thì tranh thủ đi ra cổng, nếu không đi được thì nhờ một người nào đó cùng phòng, khỏe hơn mình ra lấy giùm ít cháo… Tình thương. Cháo “tình thương”, sao nghe cứ nằng nặng, bùi ngùi...

Thời gian gần đây, dường như mỗi sáng, ở trước cổng hoặc trong các hành lang bệnh viện, thường có một vài người đẩy chiếc xe lăn, chở thùng cháo to tướng, vừa đi vừa rao: “Cháo đây bà con ơi! Mời ra nhận cháo!”. Ban đầu ngờ ngợ, dần dà thành quen, người cho cháo và người nhận cháo cứ không hẹn mà đến, đúng giờ, đúng buổi, mang cháo về giường bệnh. Đỡ được khoản tiền mua thức ăn buổi sáng, hy vọng dư ra chút tiền dành cho việc chữa bệnh.

Ở Bệnh viện Đa khoa Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam, mỗi sáng, người ta nhìn thấy một người phụ nữ trạc 50 tuổi, gương mặt phúc hậu đẩy chiếc xe chở thùng cháo đến trước cổng bệnh viện, im lặng chờ mọi người ra lấy cháo. Chị lặng lẽ múc từng bát cháo cho bệnh nhân, đến khi thùng cháo rỗng không thì dùng tay áo quệt mồ hôi, cười mỉm một mình rồi lặng lẽ đẩy xe ra về. Ai hỏi thăm tên tuổi, chị cũng nhất định không cho. Chị chỉ cung cấp thông tin duy nhất: “Tôi đến đây mỗi sáng, vào lúc 5 giờ 30 với thùng cháo, nó chứa khoảng 500 bát cháo thịt bò, lành tính, người bệnh ăn vào sẽ không gây hại, chóng khỏe. Và khi nấu cháo, tôi luôn cầu nguyện cho những bệnh nhân được mạnh khỏe, mau chóng lành bệnh, trở về nhà với gia đình. Vậy thôi!”.

Ở Bệnh viện Đa khoa huyện Quế Sơn, cũng giống như trường hợp vừa kể, nhưng không đều đặn, một phụ nữ Phật tử mặc áo lam cùng mấy người bạn đẩy xe cháo đến cổng bệnh viện, những người bạn vào từng phòng mời các bệnh nhân ra nhận cháo miễn phí. Dường như nhóm bạn đi mời này tuyệt đối không nhắc đến những chữ như: Từ thiện, tình thương, cứu nghèo… Họ chỉ mời ra nhận cháo miễn phí. Khi chúng tôi hỏi họ tại sao tránh những chữ kia và phải kèm theo chữ “miễn phí” thì người phụ nữ mặc áo lam nói: “Chúng tôi không muốn để bất kỳ một ấn tượng nào làm người bệnh nghĩ rằng do mình nghèo mà phải nhận cháo, chúng tôi muốn mọi người thấy rằng trước cái bệnh, bữa cháo cầm hơi, mọi người đều bình đẳng. Nhưng chúng tôi phải tuyên bố rằng nó miễn phí, vì như vậy, những người ít tiền hoặc không có tiền mới dám ra nhận cháo. Hỏi thế nào các chị cũng không cho biết tên. Các chị bảo rằng cứ nhớ là các chị luôn thấy vui khi nấu cháo, mang đến bệnh viện cho bệnh nhân, không có gì khác”.

Tại Bệnh viện Bắc Trà My, dù trời nắng hay những lúc lạnh lẽo, mưa gió, vẫn thấy có một phụ nữ đẩy chiếc xe chở thùng cháo đến trước cổng bệnh viện và phát cho mọi người. Chúng tôi hỏi thăm, chị cũng chỉ trả lời câu duy nhất: “Mỗi tháng tôi đến đây 4 lần. Vì tôi không quyên đủ tiền, tôi cũng nghèo như mọi người, tôi nhịn ăn sáng, xin thêm tiền của những người từ tâm mà nấu cháo mang đến cho bệnh nhân. Ở bệnh viện này nhiều người nghèo lắm, vừa mang cháo đến đã thấy họ ngồi đợi sẵn rồi, cứ thế, tôi múc cháo, chừng 20 phút là xong. Trước khi đưa cháo đi, tôi thường múc một bát ăn để biết cháo ngon dở thế nào và cũng để ấm bụng mà đẩy xe…”. Trả lời xong, chị mỉm cười, cho tôi chụp mấy bức hình, dặn tôi nhớ gửi hình tặng chị nhưng tuyệt đối không đăng báo. Ở Bệnh viện Duy Xuyên, cụ bà tên Thụy, năm nay 79 tuổi, không con cái, điều trị bệnh thấp khớp nói: “Tiền viện phí thì tôi không lo, có bảo hiểm rồi. Nhưng mỗi sáng, nếu không có cái cô cho cháo tình thương, chắc tôi nhịn đói mà nằm thôi, vì ăn sáng thì tốn tiền, thôi để trưa ăn luôn. Cô đó tốt bụng lắm, biết tôi không đi được, bưng cháo đến tận giường cho tôi…”. Nói đến đây, bà cụ ứa nước mắt. Cụ bà khác, tên Hoàng Thị Thi, 80 tuổi khi nghe hỏi ăn cháo mỗi buổi sáng có thấy chán không, cụ trả lời: “Thấy ngon nữa là khác, vì mình nghèo, hồi ở nhà ăn toàn cháo trắng mỗi sáng, giờ nằm bệnh viện, được ăn cháo thịt, ngon lắm. 

Còn nhiều mảnh đời khốn khó, trông chờ vào những bữa cháo tình thương ở các bệnh viện. Không riêng gì các bệnh viện ở Quảng Nam, dường như các bệnh viện trên đất nước này đều cần những nồi cháo tình thương như thế. Và đôi khi, giữa cuộc sống bộn bề, bận rộn này, có những khoảng lặng ở những góc sân bệnh viện, có những người lấy bữa cháo tình thương làm niềm vui cho mình và cho đời.

 
 
Ý kiến của bạn