Huyện Thới Lai xác định khai thác thế mạnh về nông nghiệp là khâu đột phá, là "đòn bẩy" trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Thực tế cho thấy, đây là một hướng đi đúng và mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, do tác động của những yếu tố chủ quan lẫn khách quan đã ảnh hưởng đến định hướng chung, làm trì hoãn tiến độ XDNTM trên địa bàn huyện…
Người dân xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai tham gia làm đường giao thông nông thôn.
* Khai thác lợi thế
Là huyện thuần nông, hội tụ những điều kiện để phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa, Thới Lai tập trung nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo thông qua việc phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML). Ông Nguyễn Văn Bé Ba, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thới Lai, cho biết: "Gắn XDNTM với việc nhân rộng mô hình CĐML, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người trồng lúa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Mô hình này không những giải quyết căn bản "đầu vào" lẫn "đầu ra", tiết giảm chi phí trong sản xuất lúa mà lợi nhuận thu được tăng từ 3-4,5 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống. Một khi thu nhập được cải thiện, việc huy động sức dân trong XDNTM không còn là vấn đề nan giải". Từ những hiệu quả mô hình CĐML ở xã Đông Bình và Trường Thành trong vụ đông xuân 2011-2012, Thới Lai đã nhân rộng được 7 CĐML với quy mô trên 2.340ha trong vụ hè thu 2012 và duy trì 7 mô hình, diện tích 2.330 ha ở vụ thu đông 2012.
Trên cơ sở bám sát Nghị quyết của Huyện ủy Thới Lai về xây dựng xã nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và định hướng chung về phát triển nông nghiệp, 12 xã chủ động đề ra kế hoạch chỉ đạo sát hợp với tình hình thực tế từng xã. Ông Huỳnh Kỳ Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã Thới Thạnh, cho biết: "Kinh tế hợp tác có vai trò quan trọng đối với XDNTM nên xã thường xuyên củng cố và nâng chất hoạt động của 33 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp. Qua đó tăng cường mối liên kết, nâng cao kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất cho nông dân trong việc giữ vững sản lượng và nâng cao chất lượng lúa hàng hóa. Xã đang triển khai xây dựng 2 CĐML tại 2 ấp Thới Bình A1 và ấp Thới Bình A, tổng diện tích là 105ha, với 149 hộ dân tham gia, dự kiến sẽ triển khai thực hiện vào đầu vụ đông xuân 2012-2013.
Theo ông Lý Văn Til, Chủ tịch UBND xã Định Môn, giao thông (tiêu chí số 2) và thủy lợi (tiêu chí số 3) không những có vai trò quan trọng trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp mà còn làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Do vậy, xã tập trung nạo vét các tuyến kinh kết hợp với làm giao thông nông thôn, từng bước khép kín hệ thống đê bao, phục vụ vận chuyển hàng hóa và chủ động trong sản xuất của nhân dân. "Hệ thống kênh rạch của xã khá chằng chịt, hằng năm huyện đầu tư kinh phí nạo vét các tuyến lớn, còn các tuyến nhỏ thì huy động nhân dân cùng tham gia thủy lợi nội đồng. Trong số 30 kênh thủy lợi của xã, hiện 24 tuyến có bờ bao vững chắc, đạt gần 70% tổng chiều dài, còn lại xã sẽ có kế hoạch nâng cấp, nạo vét trong thời gian tới. Đối với định hướng phát triển mô hình CĐML, xã sẽ tổ chức tập huấn để nông dân làm quen với công tác giống, từng bước tiến tới xã hội hóa công tác nhân giống".
* Vẫn còn nhiều cái khó
Vốn là "nút thắt" lớn nhất trong XDNTM hiện nay. Theo tính toán, để được công nhận là xã nông thôn mới, 3 xã điểm: Thới Thạnh, Trường Xuân và Đông Bình của huyện cần có khoảng 1.420 tỉ đồng. "Nhu cầu vốn xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ XDNTM từ ngân sách còn hạn chế trong khi đời sống nhân dân còn gặp khó khăn nên huy động sức dân không hề đơn giản. Trước mắt, xã chỉ tập trung hoàn thành các tiêu chí không tốn kinh phí…" - Ông Lý Văn Til, Chủ tịch UBND xã Định Môn, bày tỏ. Thời gian qua, Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về XDNTM là căn cứ chỉ đạo, đánh giá kết quả thực hiện XDNTM của các xã. Tuy nhiên, đến nay tiến độ hoàn thành các tiêu chí của các xã còn chậm. Qua khảo sát, đánh giá thực trạng XDNTM, đến nay xã Trường Xuân đạt 12 tiêu chí; Thới Thạnh 10 tiêu chí; Đông Bình 9 tiêu chí; Xuân Thắng 7 tiêu chí; Đông Thuận, Trường Thành, Trường Xuân A 6 tiêu chí; Trường Xuân B, Trường Thắng 5 tiêu chí; Tân Thạnh, Thới Tân, Định Môn đạt 4 tiêu chí.
Với định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, huyện Thới Lai cần tập trung hoàn thiện hệ thống thủy lợi theo hướng kết hợp giao thông nội đồng làm tiền đề cho việc cơ giới hóa trong các khâu sản xuất. Đồng thời, ưu tiên nguồn vốn cho các dự án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn như: tổ hợp tác, hợp tác xã... Tuy nhiên, tiêu chí thủy lợi và giao thông một số xã vẫn chưa hoàn thành. Thời gian qua, hiệu quả mang lại từ mô hình CĐML không thể phủ nhận, nhưng cái khó nhất trong việc phát triển mô hình là doanh nghiệp chưa mạnh dạn hợp tác với nông dân. Hiện nay, địa phương chỉ mới thu hút doanh nghiệp bao tiêu "đầu ra" cho nông dân, còn đầu vào vẫn đang "bỏ ngỏ"…
Ông Huỳnh Kỳ Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã Thới Thạnh, đề xuất: Thực hiện XDNTM cần có sự kế thừa, lồng ghép các chương trình, dự án đang và sẽ triển khai trên địa bàn. Các công trình xây dựng phải trên cơ sở chỉnh trang, nâng cấp để giảm thiểu nguồn lực trong điều kiện kinh tế còn khó khăn. Bên cạnh đó, do đội ngũ cán bộ xã, ấp chưa có kinh nghiệm nên công tác XDNTM còn gặp khó khăn, nhất là trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện... Do đó, huyện cần phối hợp với thành phố thường xuyên mở các lớp tập huấn để đào tạo nhân lực nguồn phục vụ công tác XDNTM tại địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Danh, Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, nhìn nhận: XDNTM là nhiệm vụ hoàn toàn mới, chưa có mô hình điểm thành công, địa phương chủ yếu vẫn vừa làm, vừa tìm tòi, học hỏi. Do vậy, công tác tổ chức, điều hành có lúc, có nơi còn lúng túng. Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được và chưa được, Ban Chỉ đạo Thực hiện Chương trình XDNTM huyện Thới Lai sẽ tiếp tục kiểm tra tiến độ XDNTM tại 12/12 xã trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra, Ban Chỉ đạo huyện sẽ nghe các xã báo cáo kết quả thực hiện 20 tiêu chí theo Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về XDNTM; kiểm tra thực tế về khối lượng, các công trình… từ đó đưa ra giải pháp phù hợp khắc phục những thiếu sót, hạn chế trong quá trình chỉ đạo. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư, Nhà nước đóng vai trò định hướng, ban hành các chính sách, cơ chế hỗ trợ, đào tạo cán bộ và hướng dẫn thực hiện. Các hoạt động cụ thể do dân bàn bạc dân chủ để đưa ra quyết định, tham gia giám sát công tác tổ chức thực hiện...