Từ phong trào Làng mới ở Hàn Quốc nghĩ về xây dựng nông thôn mới ở Tiền Giang

 6666 lượt xem
Sau thời gian nghiên cứu thực tiễn, TS. Ngô Tấn Lực, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang đã viết báo cáo khoa học Từ Phong trào Làng mới (Saemaul Undong - SU) ở Hàn Quốc suy nghĩ về xây dựng nông thôn mới ở Tiền Giang. Dịp này, TS. Ngô Tấn Lực đã dành cho phóng viên cuộc trao đổi xoay quanh một số nội dung qua nghiên cứu về SU. 

- Phóng viên (PV): Từ nghiên cứu của Tiến sĩ, SU của Hàn Quốc chủ yếu tập trung vào những điểm nhấn nào?

- Tiến sĩ Ngô Tấn Lực:  SU lấy làng (tương đương ấp ở Việt Nam - NV) là đơn vị xây dựng phong trào. Trong thập niên 70 của thế kỷ trước, bình quân mỗi làng có 170 hộ gia đình với khoảng 500 người. Người dân tự lực và hợp lực là chính, Nhà nước chỉ hỗ trợ mang tính mở đầu và thưởng. Chính quyền Hàn Quốc thời đó nghĩ rằng "viện trợ của Chính phủ cũng là vô nghĩa nếu người dân không nghĩ cách tự giúp mình". 
 
Từng làng quy hoạch khu dân cư, được góp ý của dân làng (bầu ra một ban lãnh đạo, độc lập với chính quyền ở làng, trong đó có 1 nam, 1 nữ chỉ huy, những người này không hưởng một quyền lợi nào) và họ vần đổi công để thực thi, có một ít hỗ trợ của chính quyền tùy kết quả tranh đua giữa những hộ trong làng và làng này với làng kia. Chính phủ đưa ra thử nghiệm 10 dự án thí điểm, bao gồm nắn lại đường sá, làm lại mái nhà bếp và hàng rào, xây dựng giếng nước công cộng và khu giặt giũ công cộng... Với 30.000 làng, trung bình mỗi làng được cấp miễn phí 355 bao xi măng.
 
- PV: Từ SU của Hàn Quốc có thể giúp ích gì cho phong trào xây dựng nông thôn mới ở Tiền Giang nói riêng và của cả nước nói chung? 
 
- TS Ngô Tấn Lực: Hàn Quốc là bán đảo, 3 phía đều giáp biển, phần lớn diện tích là đồi núi hiểm trở, chỉ khoảng 22% (khoảng hơn 2 triệu ha) có thể canh tác, không có đồng bằng lớn như đồng bằng sông Cửu Long đủ nước tưới tiêu và đầy nắng. Đầu thập niên 1970, 80% người dân nông thôn Hàn Quốc vẫn phải sống trong nhà mái rạ tạm bợ và không có điện thắp sáng. Trong bối cảnh này, để đồng bộ công nghiệp hóa, ở nông thôn phong trào "Làng mới" ra đời và đã thành công rực rỡ. Từ đó, kinh tế Hàn Quốc phát triển với tốc độ phi thường. Đến giữa thập niên 1980, Hàn Quốc đã trở thành một trong những nước công nghiệp mới. Nếu cách đây 40 năm, tổng sản phẩm quốc nội của Hàn Quốc chỉ đứng ngang với các nước nghèo ở châu Phi và châu Á, đến năm 2010 tổng sản phẩm quốc nội của Hàn Quốc xếp thứ 10 trên thế giới.
 
Theo tôi, rất cần tham khảo Hàn Quốc về các ý tưởng trụ cột, mục tiêu và nguyên tắc của phong trào đó. Ba ý tưởng trụ cột: Chăm chỉ - Tự vượt khó khăn - Hợp tác; bốn mục tiêu chính: Tăng thu nhập cho nông dân, cải thiện môi trường sống, nâng cấp kết cấu hạ tầng, khuyến khích phát triển đời sống tinh thần và quan hệ xã hội ở nông thôn; ba nguyên tắc: Từ thấp đến cao, từ thí điểm trên diện hẹp đưa ra toàn quốc, từ nông nghiệp lan sang các lĩnh vực khác.
 
- PV: Từ thực tiễn nêu trên Tiến sĩ có những đề xuất gì cho việc xây dựng nông thôn mới ở Tiền Giang?
 
- TS Ngô Tấn Lực: Bước đầu tôi có ý tưởng như sau: Phải dựa vào sức dân là chính. Phải làm cho người nông dân thấy đây là phong trào vì lợi ích của họ, của mỗi nhà, của mỗi người trong xã. Tỉnh đã chọn một số xã thí điểm. Mỗi huyện, ngoài xã điểm của tỉnh, nên chọn 1-2 xã điểm khác (thi đua với xã điểm của tỉnh). Mỗi xã (dù là điểm hay không) chọn 1 ấp làm điểm. Trên cơ sở quy hoạch mỗi huyện, quy hoạch từng xã điểm (chi tiết tới ấp, nhất là cụm dân cư, đường sá, đường điện, ống nước, công trình công cộng) và thiết kế nhiều mô hình nhà kiểu mẫu cho từng hộ chọn (theo các tiêu chí quy định) phù hợp trên mảnh đất đang ở của mình, không để đất hoang, đìa hoang. Dân được góp ý và tổ chức vần đổi công theo tinh thần thi đua trong xóm, ấp, nhà nhà với nhau.
 
Trên cơ sở huy hoạch huyện và xã điểm, kêu gọi đầu tư vào xã đó: bến xe, trạm xe bus, nhà máy nước, bệnh viện, rạp chiếu phim, nhà máy chế biến, siêu thị, bưu điện, ngân hàng,... có chính sách cho vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi. Từ đây, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa ở nông thôn.
 
Tổng kết cánh đồng mẫu ở nhiều địa phương hiện nay đang có nhiều cách làm hay để nhân rộng. Nghiên cứu thêm cách sau: Thành lập công ty cổ phần, cổ đông là nông dân, góp vốn từ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài. Căn cứ vào Luật Đất đai (sửa đổi), thí điểm tích tụ ruộng đất để xây dựng "cánh đồng lớn" bằng cách cho nông dân góp "đất ruộng cổ phần" (góp bằng diện tích đất ruộng, chia thành nhiều cổ phần); bắt đầu từ sự tự nguyện của một số hộ có ruộng giáp ranh nhau (để được cánh đồng khoảng vài chục ha) rồi mở rộng dần ra bằng cách kết nạp cổ đông mới có ruộng giáp ranh hoặc sáp nhập nhiều công ty lại, ra cả cánh đồng lớn hơn... Đồng thời, kiến nghị Trung ương phải có lớp tập huấn cho cán bộ các cấp về xây dựng nông thôn mới. Trường đại học có trách nhiệm đào tạo ngành "Phát triển nông thôn" để liên tục bổ sung cán bộ cho các xã,...
 
- PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ.
 
6 bài học được rút ra từ phong trào SU

Theo các chuyên gia Hàn Quốc, 6 bài học được rút ra từ phong trào SU là: Phát huy nội lực của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; phát triển sản xuất để tăng thu nhập cho nông dân; đào tạo cán bộ phát triển nông thôn; phát huy dân chủ để phát triển nông thôn; phát triển kinh tế hợp tác từ phát triển cộng đồng; phát triển và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường bằng sức mạnh toàn dân.

Hàn Quốc với những hoàn cảnh đặc thù đã tìm ra cách làm mới, đó chính là phong trào SU và đã thành công rực rỡ. Hàn Quốc là một đất nước hiếm hoi trên thế giới, thu nhập bình quân của người làm nông nghiệp cao hơn thu nhập bình quân người sống ở đô thị mà không cần trợ giá của Chính phủ trong thời gian ngắn (khoảng 10 năm) sau đó. Phong trào SU của Hàn Quốc hiện nay đã nâng lên tầm cao mới, gọi là New Saemaul Undong - (NSU). Chúng thâm nhập vào tất cả lĩnh vực đời sống hiện đại, cả ở nông thôn lẫn thành thị của Hàn Quốc. Hơn thế nữa, đã lan rộng ra nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia thuộc châu Phi và châu Á...
 
 
Ý kiến của bạn