Như vậy tính đến thời điểm hết tháng 10 thì 6 xã, phường đầu tiên của Quảng Ninh trong lộ trình về đích nông thôn mới năm nay đã đạt từ 63-80% tiêu chí. Các tiêu chí, chỉ tiêu chưa đạt tập trung vào giao thông, thuỷ lợi, cơ sở vật chất văn hoá (trường học, trung tâm văn hoá, thể thao xã), chợ theo quy hoạch, môi trường, thu nhập. Thời gian còn lại của năm 2012 không nhiều, do đó, để đạt được kế hoạch 6 xã cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới cần sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của các địa phương, ngành.
Vóc dáng xã nông thôn mới
Như đồng chí Trần Đại Đắc, Chủ tịch UBND xã Kim Sơn (Đông Triều) phấn khởi khoe thì Kim Sơn đã tìm được chìa khoá mở “núi vàng” từ xây dựng nông thôn mới. 17/19 tiêu chí đã cơ bản hoàn thành đang giúp Kim Sơn có được một vóc dáng của xã văn minh, hiện đại từ bờ kênh, ruộng lúa đến con đường. Kết quả nhìn thấy rõ nhất ở cả 6 xã, phường này trong hơn 1 năm nỗ lực phấn đấu vừa qua, đó là bộ mặt nông thôn đã thay đổi rất nhiều, đường làng, ngõ xóm ra đến cánh đồng được nâng cấp phục vụ đi lại thuận tiện tạo điều kiện phát triển sản xuất. Vệ sinh môi trường được cải thiện, các hoạt động văn hoá thể thao được tổ chức thường xuyên góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Trên 29,3 tỷ đồng ngân sách tỉnh đã được dành cho 6 xã, phường này đầu tư xây dựng trường mầm non, công trình thuỷ lợi, đường giao thông, nhà văn hoá, hạ tầng vùng sản xuất, trụ sở làm việc UBND xã... Không chỉ có sự đổi thay về cơ sở hạ tầng mà nhận thức của cán bộ thực hiện Chương trình và người dân đã chuyển biến rõ nét. Quan điểm Chương trình xây dựng NTM là một chương trình của Nhà nước đầu tư, dẫn đến tư tưởng trông chờ ỷ lại đến nay không còn nữa, người dân đã xác định được vai trò chủ thể nên đã tình nguyện đóng góp về đất đai, nhân công, kinh phí và huy động các nguồn lực khác góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất. Chất lượng, vai trò và niềm tin của nhân dân vào các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở ngày một nâng cao. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Dù chặng đường thực hiện chưa dài nhưng với kết quả đạt được của 6 xã, phường đầu tiên này có thể thấy chính từ việc xác định rõ lộ trình về đích được thống nhất từ xã tới tỉnh, các xã cơ bản có nền tảng điều kiện (đều đạt từ 47-68% bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới) để tập trung chỉ đạo thực hiện về đích trong 2012. Từ sự chủ động nên công tác lập đề án và quy hoạch đã được triển khai sớm (2011) tạo tiền đề để triển khai các bước về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, ổn định dân cư. Chủ trương, đồ án quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới của 6 xã cùng việc thực hiện pháp lệnh dân chủ ở cơ sở về công khai hoá chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, các khoản đóng góp của nhân dân được thực hiện đồng bộ tạo nên sự thống nhất trong đảng bộ, chính quyền và nhân dân để đạt mục tiêu về đích trong năm 2012. Và cũng chính sự thống nhất trong công tác điều hành, phân bổ nguồn lực ngân sách cùng các biện pháp hỗ trợ về vật liệu xây dựng đã phát huy hiệu quả tạo điều kiện cho các xã chủ động xây dựng kế hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, thuỷ lợi và phát triển sản xuất làm tăng các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới.
Những trở ngại trong chặng cuối
Trở ngại lớn nhất trong chặng đường cuối này chính là nguồn lực để tập trung hoàn thành dứt điểm các nội dung đầu tư của xã nông thôn mới. Như ở TX Quảng Yên do trong quá trình thực hiện từ xã lên phường nên việc phân bổ nguồn lực cho 5 phường về đích chưa có sự tập trung. Năm 2012 phường Yên Giang mới được bố trí 900 triệu đồng; Hà An 1,9 tỷ đồng; Phong Cốc 5 tỷ đồng; Cộng Hoà 5,450 tỷ đồng; Nam Hoà 4,3 tỷ đồng trong kế hoạch vốn nông thôn mới năm 2012 của tỉnh giao. Phân bổ ngân sách còn thấp nên các tiêu chí về cơ sở hạ tầng trong danh mục Nhà nước phải đầu tư như giao thông, thuỷ lợi, cơ sở vật chất văn hoá, chợ chưa đạt. Trong thời gian qua do ảnh hưởng của tình hình suy giảm kinh tế chung các doanh nghiệp trên địa bàn cũng như đời sống nhân dân gặp không ít khó khăn nên mức đóng góp vào chương trình thấp. Thị trường bất động sản đóng băng nên việc huy động vốn từ nguồn cấp quyền sử dụng đất ở các địa phương rất hạn chế. Các mô hình sản xuất, nuôi trồng ở địa phương đa phần có quy mô nhỏ gắn với nơi ở nên khó kiểm soát dịch bệnh, khó triển khai hầm Bioga và ảnh hưởng tới việc đảm bảo vệ sinh môi trường.
Đồng chí Trương Công Ngàn, Trưởng Ban Xây dựng Nông thôn mới tỉnh cho biết: Để vượt qua những chướng ngại vật trong chặng cuối này cần có sự nghiên cứu, tính toán cân đối đủ khoảng 95,4 tỷ đồng cho 6 xã để thanh toán khối lượng hoàn thành năm 2012 và có nguồn lực cho các dự án đang ở bước chuẩn bị đầu tư. Cần tiếp tục có sự điều chỉnh, sửa đổi cơ chế chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia chương trình góp phần xây dựng và duy trì thương hiệu sản phẩm, tạo chuỗi liên kết bền vững 4 nhà. Sản phẩm nông nghiệp cần được đưa vào danh mục được thế chấp huy động vốn ngân hàng để phát triển sản xuất. Thực hiện cơ chế hỗ trợ vật liệu để các địa phương tiếp tục các hạng mục đầu tư đường giao thông thôn, ngõ xóm, đường nội đồng, kênh mương thuỷ lợi loại 3 nhằm phát huy sự đóng góp của nhân dân và giảm đầu tư của nhà nước, đi liền là ban hành thiết kế mẫu đối với công trình kỹ thuật đơn giản, quy định về quản lý và sử dụng kinh phí đối với các công trình nhà nước hỗ trợ dưới 50%. Tập trung hướng dẫn và phân bổ vốn phát triển sản xuất cho các xã để triển khai các dự án phát triển sản xuất nâng cao mức sống cho nhân dân, tạo chuyển biến rõ nét về vùng sản xuất hàng hoá và chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong các xã nông thôn mới.
Thời gian không còn nhiều, đường về đích nông thôn mới của 6 xã, phường đầu tiên cũng đang được đẩy nhanh. Vì vậy những chướng ngại vật cuối cùng cần sớm có giải pháp để vượt qua để Quảng Ninh có những nhân tố điển hình đầu tiên trong chương trình xây dựng nông thôn mới.