Theo Văn phòng Điều phối thuộc Ban chỉ đạo (BCĐ) xây dựng NTM tỉnh Tây Ninh cho biết, trong thời gian qua có nhiều ý kiến đề xuất với BCĐ Trung ương về việc sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia để phù hợp hơn với điều kiện thực tế ở các địa phương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung 5 tiêu chí: Thu nhập, cơ cấu lao động, chợ nông thôn, giáo dục và y tế.
Về tiêu chí thu nhập (tiêu chí 10), theo Bộ tiêu chí quốc gia tính chung cả nước thì xã NTM phải có thu nhập bình quân đầu người đạt 1,4 lần mức bình quân cả tỉnh và vùng Đông Nam bộ phải đạt 1,5 lần mức bình quân cả nước. Riêng ở Tây Ninh, qua khảo sát thực tế hầu như tất cả các xã nông thôn đều gặp khó khăn về tiêu chí này. Bởi vì thực tế mức thu nhập của xã nông thôn không thể cao bằng mức thu nhập của người dân thành thị, do đó thu nhập bình quân cũng luôn thấp hơn mức bình quân chung cả tỉnh. Với thực trạng như hiện nay, xã nông thôn muốn đạt bằng mức bình quân chung cả tỉnh đã là khó đừng nói chi đến việc phải đạt gấp 1,5 lần. Từ thực trạng như vậy, BCĐ xây dựng NTM Tây Ninh cùng nhiều địa phương khác trong cả nước đề xuất Trung ương điều chỉnh tiêu chí thu nhập để việc thực hiện khả thi hơn. Theo Bộ NN&PTNT thì tiêu chí thu nhập hợp lý nhất là định mức theo con số tuyệt đối bằng tiền và Bộ đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người xã NTM chung cả nước ở mức cụ thể là 22 triệu đồng/năm, riêng vùng Đông Nam bộ là 24 triệu đồng/năm. Với chỉ tiêu này, các địa phương phấn đấu dễ đạt hơn.
Về tiêu chí cơ cấu lao động (tiêu chí 12), theo Bộ tiêu chí quốc gia, vùng Đông Nam bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng phải đạt tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp từ 20% tổng số lao động trong độ tuổi làm việc trở xuống. Theo thống kê, trong tổng số lao động toàn tỉnh hiện nay vào khoảng hơn 610.000 người thì có đến gần 300.000 lao động lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp- chiếm tỷ lệ đến gần 50% tổng số lao động. Từ con số tỷ lệ gần 50%, muốn giảm xuống còn dưới 20% tổng số lao động trong toàn tỉnh trong vòng 5, 10 năm thì rất khó khăn. Nhiều tỉnh khác cũng có thực trạng tương tự. Bộ NN&PTNT cũng thống nhất với Tây Ninh và các tỉnh khác về thực trạng khó khăn theo mức quy định của tiêu chí này và đề xuất sửa đổi tiêu chí “Cơ cấu lao động” thành “Tỷ lệ lao động có việc làm” với định mức vùng Đông Nam bộ là 85% lao động có việc làm thường xuyên trên tổng số lao động toàn tỉnh.
Về tiêu chí chợ nông thôn (tiêu chí 7), theo Bộ tiêu chí quốc gia quy định thì phải là chợ đạt chuẩn của Bộ Xây dựng. Theo thống kê của Sở Công thương, hiện toàn tỉnh có hơn 100 ngôi chợ các loại, trong đó ở khu vực nông thôn có đến 86 ngôi chợ. Thực tế trên địa bàn tỉnh có gần 10 xã có đến 2 chợ, nhưng cũng có đến 15 xã chưa có chợ. Đồng thời qua khảo sát hầu hết các chợ nông thôn đều không đạt chuẩn của Bộ Xây dựng dù đang hoạt động bình thường. Muốn thực hiện đạt tiêu chí về chợ nông thôn, cần có nguồn vốn đầu tư rất lớn để đầu tư nâng cấp và xây dựng chợ mới cho các xã chưa có chợ- dù thực tế là không cần thiết. Để hạn chế khó khăn này, Bộ NN&PTNT thống nhất điều chỉnh chỉ tiêu “Chợ đạt chuẩn của Bộ Xây dựng” thành “Chợ theo quy hoạch, đạt chuẩn theo quy định”. Tiêu chí này được hiểu là xây dựng chợ phải theo quy hoạch và không phải tất cả các xã đều phải có chợ nếu không cần thiết.
Tiêu chí 14 về giáo dục, theo Bộ tiêu chí quốc gia, có 3 chỉ tiêu là: Đạt phổ cập giáo dục trung học; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học và tỷ lệ lao động qua đào tạo. Trong đó, chỉ tiêu phải đạt phổ cập giáo dục trung học là quá cao, nên qua đề xuất của các tỉnh, Bộ NN&PTNT đề nghị sửa “Phổ cập giáo dục trung học” thành “Phổ cập giáo dục trung học cơ sở” nhằm phù hợp với Luật Giáo dục về phổ cập trung học cơ sở.
Riêng đối với tiêu chí 15 về Y tế thì có 1 trong 2 chỉ tiêu được đề xuất sửa đổi tên gọi và mức đạt chuẩn tăng lên. Cụ thể là chỉ tiêu “Tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế” theo Bộ tiêu chí quốc gia quy định cả nước là 30% và vùng Đông Nam bộ đạt từ 40% trên tổng dân số, được đề xuất sửa thành “Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế” với mức đạt chuẩn được nâng lên- cả nước và vùng Đông Nam bộ đạt từ 70% trên tổng dân số. Sở dĩ tiêu chí này được đề xuất tăng là do thực tế số đối tượng được ngân sách Nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế ngày càng tăng cao.