Sẽ bán bảo hiểm y tế theo hộ gia đình?

 6101 lượt xem
Bán Bảo hiểm y tế (BHYT) theo hộ gia đình là ý kiến đề xuất của nhiều chuyên gia sau 3 năm thực hiện Luật BHYT nhằm đạt được độ bao phủ BHYT toàn dân. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, sau 3 năm thực hiện Luật BHYT chất lượng khám chữa bệnh rõ ràng chưa đáp ứng được nhu cầu người dân, thủ tục khám chữa bệnh quá lâu, thủ tục thanh toán quá phiền hà, người bệnh còn phàn nàn về thái độ của cán bộ y tế tại những bệnh viện xảy ra tình trạng quá tải trầm trọng...  Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết thêm: việc đảm bảo quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế còn nhiều bất cập. Người bệnh vẫn phải chịu cảnh quá tải tại các bệnh viện, đặc biệt tại các bệnh viện tuyến Trung ương như chờ đợi lâu khi khám, nằm ghép... Chất lượng thuốc, điều trị, dịch vụ kỹ thuật y tế còn nhiều hạn chế, nhất là tại các cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, người có thẻ vẫn phải tự trả khá nhiều từ tiền túi cho các chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi được hưởng. Việc quy định cùng chi trả chi phí khám bệnh không có giới hạn mức chi trả tối đa ảnh hưởng rất lớn đến khả năng chi trả của người bệnh, nhất là người mắc bệnh nặng, có chi phí lớn như ung thư, phẫu thuật tim mạch, ghép tạng, chạy thận… Trong khi nhiều nước trên thế giới áp dụng mức cùng chi trả theo nhiều mức độ và có giới hạn mức chi trả tối đa cho mỗi đợt điều trị, giúp giảm phần tự chi trả từ tiền túi người bệnh.

Theo nhiều chuyên gia, đã đến lúc cần phải sửa đổi một số điều của Luật BHYT để phù hợp với hoàn cảnh mới, nhằm đạt được mục tiêu toàn dân tham gia BHYT vào năm 2014. Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT ( Bộ Y tế) cho biết, nếu chỉ có người ốm hoặc có nguy cơ ốm đau mới mua BHYT thì tính nhân văn, ý nghĩa chia sẻ rủi ro của BHYT không còn . Khi đó, chỉ có người ốm chia sẻ với người ốm, tính bền vững của quỹ BHYT bị đe dọa. Trong khi đó, những rủi ro về sức khỏe luôn đến bất ngờ, đó là lý do có rất nhiều người hoàn cảnh khó khăn phải chịu cảnh khốn đốn vì không có tiền chữa trị khi không may bị bệnh tật. Các cơ quan thực hiện BHYT đều ý thức được điều này và đã triển khai rất nhiều nhóm giải pháp trong thời gian qua, từ tăng hỗ trợ cho nhóm cận nghèo, hộ làm nông-lâm-ngư nghiệp, tăng các dịch vụ trong danh mục được hưởng BHYT, tăng viện phí… nhằm thu hút các đối tượng còn lại cùng tham gia BHYT, tuy nhiên mức tăng rất chậm. Tuy nhiên,muốn công tác này có hiệu quả, Luật BHYT cần quy định chặt chẽ, chẳng hạn các gia đình muốn được hỗ trợ mức đóng thì phải tham gia đầy đủ cho toàn bộ thành viên trong hộ gia đình đó. Kinh nghiệm tại nhiều nước trên thế giới và khu vực cho thấy, họ đã đạt được độ bao phủ BHYT toàn dân khi thực hiện chủ trương này.
 
Từ những hạn chế qua quá trình thực hiện, Bộ Y tế đề xuất 11 nội dung cần sửa đổi, bổ sung của Luật BHYT với mục đích nhằm tăng tỷ lệ tham gia để đảm bảo lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Nguyên tắc là tăng quyền lợi tối đa, hạn chế thấp nhất sự chi trả từ tiền túi của người bệnh; đồng thời tăng cường chất lượng dịch vụ y tế để người dân được tiếp cận nhiều hơn, không phải tìm đến dịch vụ ngoài quyền lợi của mình...
 
 
Ý kiến của bạn