Xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã: Khó hay dễ?

 6679 lượt xem
Ngày 22-9-2011, Bộ Y tế đã có Quyết định 3447/QĐ-BYT ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế cấp xã giai đoạn 2011-2020. Theo đó, mỗi xã, phường sẽ được đầu tư xây dựng chuẩn quốc gia về y tế với nhiều tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể. Qua thực tế xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2005-2010 và hoạt động của các trạm y tế xã hiện nay ở Bình Phước thì việc xây dựng chuẩn quốc gia còn rất nhiều bất cập. 

XÂY DỰNG TRẠM Y TẾ CHUẨN NHƯ THẾ NÀO?

Xây dựng xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân và góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Theo đó, mỗi xã, phường sẽ có ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân hoạt động thường xuyên, tối thiểu 6 tháng họp ban một lần. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và việc thực hiện các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được đưa vào nghị quyết của đảng bộ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của UBND xã. Mỗi trạm sẽ có bác sĩ làm việc thường xuyên hoặc định kỳ từ 3 ngày/tuần trở lên. Mỗi thôn, ấp đều có tối thiểu 1 nhân viên y tế. Trạm được xây dựng gần trục giao thông chính, hoặc ở trung tâm xã. Diện tích mặt bằng từ 60m2 trở lên đối với khu vực thành thị và từ 500m2 trở lên đối với khu vực nông thôn, miền núi; có nguồn nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh, vườn mẫu thuốc nam, nhà bếp...
 
Tiêm phòng cho trẻ tại Trạm Y tế phường Tân Xuân (TX. Đồng Xoài).
 
Theo ý kiến của một số lãnh đạo địa phương và trưởng trạm y tế xã thì việc đầu tư xây dựng trạm chuẩn phải bắt nguồn từ nhu cầu thực tế. Đầu tư nơi nào trước, khi nào và đầu tư cái gì đều phải tính toán kỹ. Tránh tình trạng trạm đẹp, khang trang nhưng không có bác sĩ, không có phương tiện khám và thuốc điều trị. Bác sĩ Hoàng Văn Lãm, Trạm trưởng Trạm y tế xã Tiến Hưng (TX. Đồng Xoài) cho biết: Trạm được đầu tư xây dựng năm 2006 và đến năm 2008, Tiến Hưng được công nhận chuẩn quốc gia về y tế xã. Trạm có 1 bác sĩ là trạm trưởng, có đủ nhân lực, trang thiết bị. Thế nhưng, từ khi bảo hiểm y tế (BHYT) đưa về tuyến huyện, tỉnh thì trung bình 1 tháng, trạm chỉ có khoảng 100 lượt người đến khám và điều trị các bệnh thông thường. Nhiều thiết bị, máy móc được cấp về không dùng đến như máy siêu âm, điện tim.... Bởi nếu có dùng cũng không được BHYT thanh toán. 
 
Bác sĩ Lãm cho rằng, đầu tư xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã thiếu đồng bộ sẽ gây lãng phí rất nhiều. Ví như, Trạm Y tế xã Tiến Hưng được đầu tư xây dựng từ năm 2006 nhưng đến năm 2011 mới được khoan giếng. Đến nay, máy vi tính để hằng tháng nhân viên y tế lập báo cáo, lưu trữ hồ sơ bệnh nhân vẫn chưa được đầu tư. Theo Trưởng phòng y tế thị xã Đồng Xoài Phạm Xuân Thiều, hiện 100% trạm y tế trên địa bàn chưa được trang bị máy vi tính. 
 
KHÓ HAY DỄ?
 
Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã có 10 tiêu chí với tổng số 100 điểm, được dùng để đánh giá các hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân của trạm y tế. Xã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế phải đạt từ 90 điểm trở lên, không có điểm liệt, số điểm trong mỗi tiêu chí phải đạt từ 50% số điểm trở lên của tiêu chí đó.
 
Thế nhưng nhiều tiêu chí rất khó thực hiện. Thứ nhất, có bác sĩ làm việc tại trạm là cần thiết. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh thiếu bác sĩ như hiện nay thì quy định mỗi trạm y tế phải có bác sĩ làm việc thường xuyên hoặc định kỳ 3 ngày/tuần trở lên là rất khó thực hiện. Bác sĩ Nguyễn Đồng Thông, Giám đốc Sở y tế cho rằng, không nhất thiết trạm nào cũng phải có bác sĩ làm việc thường xuyên mà có thể hợp đồng với bác sĩ làm việc 3 ngày/tuần. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng rất khó hợp đồng được với bác sĩ. Và nếu hợp đồng được thì cũng rất khó gắn trách nhiệm. Nếu trạm y tế không có bác sĩ, theo đánh giá của bộ tiêu chí sẽ bị trừ 2 điểm. 
 
Thứ hai, bộ tiêu chí quy định tỷ lệ người tham gia BHYT phải đạt từ 70% trở lên giai đoạn 2011-2015 và 80% trở lên giai đoạn 2016-2020. Đây là điều quá xa vời đối với một tỉnh như Bình Phước. Bởi sau gần 20 năm thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT và 3 năm Luật BHYT có hiệu lực, hiện mới chỉ có 46,03% số dân tham gia BHYT. Việc triển khai BHYT là của bảo hiểm xã hội và các ngành hữu quan. Trạm y tế chỉ là nơi khám chữa bệnh ban đầu thông qua BHYT. Không đạt tiêu chí này, các trạm y tế sẽ bị trừ 4 điểm. Ngoài ra, tiêu chí quy định về tỷ lệ sinh con thứ 3 cũng rất khó thực hiện...
 
Một số trạm y tế dù đã đạt chuẩn nhưng cơ sở hạ tầng đã bắt đầu xuống cấp, thiếu trang thiết bị khám, chữa bệnh... Kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên của trạm quá eo hẹp (12 triệu đồng/trạm/năm) nên nhiều trạm dù đã đạt chuẩn, song hiệu quả hoạt động chưa tương xứng. 
 
ĐÍCH ĐẾN CÒN XA
 
Kết thúc giai đoạn I thực hiện đề án chuẩn quốc gia về y tế xã (2005-2010), toàn tỉnh có 85/111 xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế, đạt tỷ lệ 76,6%. Trong 3 năm đầu thực hiện đề án, Bình Phước đã đầu tư 18,05 tỷ đồng về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị. 52 trạm y tế xã có cơ sở hạ tầng khang trang, sạch đẹp. Nhiều trang thiết bị, máy móc được bổ sung góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho các trạm y tế xã. Thực tế cho thấy, nhiều trạm y tế xã dù được đầu tư hàng tỷ đồng nhưng hiệu quả hoạt động chưa tương xứng, chủ yếu là các trạm y tế khu vực nội ô thị xã Đồng Xoài. Cá biệt có trạm có ngày không bệnh nhân nào đến khám. Đặc biệt, từ khi BHYT được chuyển về tuyến tỉnh, huyện, tỷ lệ người dân đến trạm khám chữa bệnh càng ít. Tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ vẫn thấp (45%). Một số trạm còn thiếu cán bộ phụ trách đông y, dược tá. Trình độ chuyên môn của cán bộ ở trạm y tế xã chưa đáp ứng yêu cầu. Một số nơi cán bộ y tế chưa biết cách sử dụng hoặc chưa sử dụng hiệu quả trang thiết bị hiện có. Nhiều trạm chưa có vườn thuốc nam hoặc nếu có cũng chưa đảm bảo theo quy định. Công tác phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh ở một số trạm chưa đạt yêu cầu... 
 
Từ thực tế trên, mục tiêu đến hết năm 2012, toàn tỉnh có ít nhất 50% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, năm 2015 là 70% và đến năm 2020 là 90% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế là rất khó, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã là cần thiết. Tuy nhiên, phải tùy từng vùng, từng địa phương, giai đoạn mà đầu tư. Việc xây dựng trạm chuẩn phải gắn với xây dựng nông thôn mới, đầu tư đồng bộ mới phát huy hiệu quả. 
 
 
Ý kiến của bạn