Gần 30 năm tận tụy với nghề, Y sĩ Hồ Hoài Sơn tâm sự: “Lúc nào cũng mong muốn những người mắc bệnh phong được điều trị, có được cuộc sống tốt hơn”.
Bắt đầu nhận công tác năm 1985, Y sĩ Hồ Hoài Sơn được phân công phụ trách chương trình phòng, chống phong. Anh nhớ lại: “Thời điểm đó chủ yếu là điều trị đơn hoá, chỉ dùng một loại thuốc nên hiệu quả thấp. Chủ yếu là để ngăn chặn tiến triển của bệnh”.
Y sĩ Hồ Hoài Sơn thăm khám cho bệnh nhân phong.
Năm 1988, những bệnh nhân phong huyện Thới Bình được áp dụng phương pháp đa hoá trị liệu. Do điều kiện khó khăn, lại là điểm nóng về bệnh phong nên huyện có 3 xã được áp dụng chiến dịch “vết dầu loang”. Y sĩ Sơn cho biết, có xã số ca mắc bệnh gần trăm người nên chỉ có thể ưu tiên điều trị tại 3 xã Tân Lộc, Tân Xuân và thị trấn Thới Bình.
Thời điểm ấy, bệnh phong vẫn là một nỗi khiếp sợ cho cộng đồng. Y sĩ Sơn kể: “Như ở Biện Triệu, nếu nói trái mướp, khoai môn trồng ở đó thì không ai dám mua. Hầu hết mọi người đều có thái độ không đúng về căn bệnh này”.
Chính người thầy thuốc trẻ không quản ngại công sức để gần gũi, động viên những người bệnh. Ở đâu có anh “Sơn cùi” (biệt danh mà anh cũng không biết được đặt từ lúc nào) ở nơi đó bệnh nhân phong lại cháy lên niềm tin vào cuộc sống. Khi công tác điều trị có nhiều thay đổi, thời gian điều trị được rút ngắn, bệnh nhân ngày càng có lòng tin, hợp tác điều trị.
Y sĩ Sơn bộc bạch: “Không ai dám tiếp xúc với bệnh nhân, vậy là chúng tôi đến nhà hỏi han, uống nước, trò chuyện và điều trị trực tiếp”. Chính những y, bác sĩ đã gầy dựng lòng tin, rồi dần thay đổi tâm lý của cộng đồng. Với chế độ đãi ngộ thấp, Y sĩ Sơn có lúc ăn cơm nhà, đi giăng câu bắt cá để có thể tiếp tục đồng hành cùng những bệnh nhân.
Anh tâm sự: “Điều khiến tôi ám ảnh nhất chính là những vết tổn thương của bệnh nhân phong. Nhiều người đến với chúng tôi như là hy vọng cuối cùng. Họ đau đớn, kiệt sức và có những suy nghĩ hết sức tiêu cực”.
Chuyện về bệnh phong tại Thới Bình miên man và đôi khi “cười ra nước mắt”. Y sĩ Sơn nói vui: “Hồi xưa, có cô học sinh rất sợ khi thấy bệnh phong. Đến nỗi đi ngang bằng xuồng chèo phải nín thở. Thế nhưng, sau này cô ấy lại lấy chồng là người bệnh phong. Điều rất mừng là cuộc sống của đôi vợ chồng này đến nay rất hạnh phúc và kinh tế ổn định”.
Đến hiện tại, cuộc sống của đa phần bệnh nhân chuyển biến rõ nét. Kết quả đó bắt nguồn từ sự quan tâm của các cấp, các ngành, của toàn xã hội. Chương trình cho nhà, xây giếng nước, cấp học bổng cho học sinh là con của người bệnh đi học… đã tiếp sức cho khát vọng vươn lên của bệnh nhân phong.
Y sĩ Sơn cho biết vì sao anh gắn bó với nhiệm vụ này mấy chục năm mà không hề chán: “Tôi tìm thấy niềm vui mỗi lần điều trị hết bệnh cho người dân”.
Với những cống hiến không mệt mỏi, Y sĩ Hồ Hoài Sơn nhận được 2 bằng khen của UBND tỉnh và bằng khen của Bộ Y tế. Không những làm tốt công việc ngoài xã hội mà cả trong gia đình, con cái của anh đều được học hành đến nơi đến chốn.
Anh chia sẻ: “Tôi mong muốn những bệnh nhân sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, giúp đỡ. Niềm vui của người bệnh chính là niềm vui lớn nhất của đời tôi ”.