Cẩn thận với côn trùng

 6174 lượt xem
(BTĐKT)-Kiến ba khoang, bọ xít hút máu người, thậm chí cả chuột đang đe dọa tới sức khỏe và tính mạng của người dân. 

Từ côn trùng cho tới loài gặm nhấm

Đầu tháng 11, nhà anh Nguyễn Văn Hiệu ở chung cư Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội xuất hiện kiến ba khoang đốt cậu con trai 3 tuổi, gây ngứa và vết đốt loét to… Tình trạng này cũng xảy ra ở ngõ 264 Ngọc Thụy, Gia Lâm. Chị Tú sống ở đây cho biết, sau khi ngủ dậy thấy mắt bị hai nốt sưng phồng rộp, ngứa khó chịu. Mỗi lần đốt vết thương rất lâu lành và sưng ngứa rát nhiều. 
 
Trước đó, vào khoảng tháng 9, tại Thủ đô Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế đã xuất hiện kiến ba khoang khiến người dân vô cùng lo lắng. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng chống sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng tỉnh Thừa Thiên - Huế, ở khu chung cư Hương Sơn đã có 127 người dân bị kiến ba khoang đốt, trong đó có nhiều người bị kiến đốt lần thứ ba.
 
Hồi cuối tháng 9, chị Lưu Thị Huệ, sống tại khu đô thị Linh Đàm, Hoàng Mai đã bị bọ xít hút máu người cắn. Đến nay, những vết cắn trở thành những vết sẹo nhỏ li ti trên cánh tay, đùi gối. Nhớ lại thời điểm đó, chị Huệ cho hay: tối hôm đó đang nằm đọc sách, mình thấy ngứa và đau rát. Sợ quá, mình vội ngồi dậy, bỏ chiếu ra thì thấy mấy con bọ xít đang bò trong các dát giường. Những vết cắn đó bị sưng tấy và đau mất cả tuần mới khỏi. May khi mình phát hiện ra bọ xít đã ra hiệu thuốc mua thuốc bôi nên cũng không bị sốt.
 
Từ đầu năm đến nay, bọ xít hút máu người xuất hiện khá rầm rộ trên nhiều địa bàn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quy Nhơn, Đà Nẵng... Tại Quy Nhơn, người dân liên tục phát hiện cả ổ bọ xít ẩn nấp dưới nền nhà và tủ quần áo. Tại Hà Nội, ngày 3/9/2012, người dân cũng phát hiện khá nhiều bọ xít hút máu tại nhà A8/12 ngõ 2 đường Phạm Văn Đồng, thuộc tổ 3 Đồng Xá, Mai Dịch, Cầu Giấy…
 
Ngoài các loại côn trùng, thời gian gần đây, loài gặm nhấm như chuột cũng đang hoành hành và gây nguy hiểm cho người dân. Cách đây mấy ngày, anh Nguyễn Trung K. (34 tuổi, Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) bị chuột cắn và phải nhập viện vì sốt. Anh Kiên kể: Nhà có nhiều chuột, tôi mua bẫy về để bắt chuột. Khi chuột bị vướng bẫy, tôi gỡ ra thì bị nó cắn vào tay phải. Vết cắn sâu, chảy nhiều máu. Sau đó tôi sợ nên phải đi tiêm phòng. 3 ngày sau khi bị chuột cắn, vết cắn sưng lên, người bị sốt nóng, lạnh nên phải vào viện điều trị.
 
Tại thời điểm này, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận 3 bệnh nhân bị chuột cắn, có dấu hiệu sốt. Còn ở Thành phố Hồ Chí Minh một bệnh nhân 55 tuổi đã bị chuột cắn. Sau đó bệnh nhân bị giảm tiểu cầu, ho, sốt cao kéo dài, viêm phổi, có nổi mẩn đỏ qua da. Tiếp đó, bệnh nhân có dấu hiệu suy thận và sức khỏe yếu dần. Nguyên nhân được chuẩn đoán là bệnh nhân bị nhiễm Hanta Virus lây bệnh từ chuột.
 
Chuột cắn có khả năng gây nhiều mầm bệnh. (Ảnh: Bệnh nhân nhập viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương bị bệnh Sodoku do chuột cắn).

Cẩn trọng
 
Theo một chuyên gia côn trùng học thực nghiệm, thực chất nhiều loại côn trùng đang phát triển bất thường. Từ tháng 7 đến tháng 9 là thời kỳ sinh sản của bọ xít hút máu người. Một năm, bọ xít chỉ cần hút máu từ 1 - 3 lần là có thể sống sót suốt vòng đời và chủ yếu nhằm vào đối tượng trẻ nhỏ. Nếu bị bọ xít hút máu nhiều lần có thể mắc bệnh, thậm chí dẫn đến tử vong.
 
Còn đối với kiến ba khoan, ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho hay, có thể do điều kiện môi trường thuận lợi nên kiến ba khoang có xu thế xuất hiện gia tăng. Đặc biệt, trong các tháng 9, 10, 11 là thời kỳ sinh sản của loại côn trùng này. Vì thế nó đã xuất hiện với mật độ nhiều hơn, đặc biệt những khu tập thể ngoại ô, gần cánh đồng.
 
Tiến sĩ Phạm Thị Khoa, khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung ương cho biết, “Kiến ba khoang rất khó diệt, những loại thuốc xịt côn trùng thông thường không có tác dụng. Để phòng tránh kiến ba khoang, gia đình nên dùng lưới chống muỗi, côn trùng, quanh nhà có thể đặt các cây đuổi côn trùng như sả, dạ hương… Vệ sinh xung quanh khu dân cư, phát quang bụi cây, cỏ dại quanh nhà. Trước khi ngủ cần quét lại nhà để sạch nền nhà và mắc màn ngủ tránh côn trùng có điều kiện tiếp xúc. Riêng ở khu khu chung cư nên bố trí hệ thống đèn hợp lý, chỗ xa nhà nên bố trí ánh đèn mạnh để thu hút côn trùng, càng đến gần nhà thì dùng ánh sáng dịu, đỏ, vàng”.
 
Khi bị kiến ba khoang đốt, rửa sạch vết đốt với xà phòng, sau đó có thể bôi bằng hồ nước, các thuốc có chứa corticoid chỉ định cho các loại côn trùng đốt… Lưu ý, không được chà xát làm vây bẩn độc tố của chúng ra vùng da nhiều nơi vì độc tố của chúng có thể gây tổn thương da lan tỏa.
 
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, nếu người dân bị bọ xít hút máu người đốt nên rửa ngay vết đốt bằng xà phòng. Tuyệt đối không gãi tại vết đốt để tránh gây xước và viêm nhiễm; đồng thời đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị chống dị ứng và chống viêm nhiễm. 
 
Trong khi đó, đối với ba trường hợp bệnh nhân bị chuột cắn phải nhập viện. Ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, các bệnh nhân bị bệnh Sodoku. Cụ thể, các bệnh nhân bị chuột cắn và bị nhiễm soắn khuẩn từ chuột. Khoảng 4 - 5 ngày chỗ cắn sẽ bị sưng nề, xuất hiện hạch đỏ ở gần khu vực vết cắn. Tiếp sau đó bệnh nhân bị sốt, đau người, toàn thân nổi phát ban. Ba bệnh nhân ở đây đã được điều trị khỏi bằng kháng sinh và đã xuất viện.
 
Tuy nhiên, theo ông Hà, trong những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể có các dấu hiệu của hệ thống thần kinh: Đau đầu, ảo giác, mê sảng dẫn đến hôn mê.  Nếu bệnh nhân không được điều trị, bệnh kéo dài thường 1 đến 2 tháng và gây ra tỷ lệ tử vong khoảng 6 đến 10%.
 
Còn đối với trường hợp bệnh nhân bị nhiễm Hanta Virus do chuột cắn sẽ có các biểu hiện như bệnh nhân bị sốt xuất huyết dẫn đến suy thận hoặc hội chứng hô hấp do virus Hanta gây ra có thể khiến suy hô hấp và tổn thương phổi.
 
Bác sĩ Hà khuyến cáo, chuột là loại động vật gặm nhấm, khi mang mầm bệnh nguy cơ lây truyền rất cao. Không chỉ khi bị cắn mà ngay cả nước tiểu, phân của chuột thải ra ngoài cũng khiến người bị lây bệnh. Một số bệnh liên quan đến chuột có nguy cơ tử vong cao và chưa có thuốc đặc trị như Hanta Virus. Vì thế, khi diệt chuột người dân phải chú ý cẩn thận. Nếu người dân bắt chuột trực tiếp thì phải có găng tay, sau đó cho chuột vào túi nilong và tiến hành chôn lấp. Tránh tình trạng bị chuột cắn vào tay hoặc bị nước đái, phân chuột dính vào người.
 
Linh Giang
 
 
Ý kiến của bạn