Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn ngày 19-11 hằng năm làm ngày Thế giới Phòng chống bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD). Đó cũng là cách WHO làm cho xã hội phải lưu ý đến căn bệnh này, một loại bệnh đang ngày càng trở nên phổ biến, là gánh nặng cho gia đình và cả xã hội.
COPD là căn bệnh phát triển liên tục, tấn công vào tất cả các cơ quan thuộc hệ hô hấp của con người. Nguyên nhân chính làm căn bệnh này phát triển chủ yếu là do hút thuốc lá chủ động và cả thụ động; ngoài ra còn do ô nhiễm môi trường sống, bụi bặm và cả rác thải công nghiệp…
WHO cảnh báo COPD hiện là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ tư, ngang hàng với HIV/AIDS, chỉ sau bệnh lý tim mạch, tai biến mạch máu não và ung thư. Trên toàn thế giới có khoảng 600 triệu người mắc COPD, dự đoán trong thập kỷ này, số người mắc bệnh này sẽ tăng 3 đến 4 lần.
Điều đáng nói là COPD thường không được chẩn đoán ở giai đoạn đầu. Kể cả bác sĩ lẫn bệnh nhân đều không chú ý đúng mức đến hiện tượng ở những người hút thuốc như ho mãn tính, nhiều đờm, khó thở khi làm nặng, vận động nhiều. Vì vậy, đa số những trường hợp phát hiện bệnh thường đã ở giai đoạn muộn, biến chứng nặng và tỉ lệ tử vong cao.
Thực tế COPD là căn bệnh rất nghiêm trọng cần phải được phát hiện và điều trị ngay ở giai đoạn đầu nhưng hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Việc ngăn ngừa và điều trị bệnh chủ yếu dựa vào việc cai thuốc lá hẳn, đồng thời phải được chẩn đoán phát hiện sớm, kết hợp với các phương pháp vật lý trị liệu để phục hồi chức năng.