Những năm qua, với sự đầu tư không ngừng của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực vượt bậc của ngành Y tế tỉnh nhà, sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân đã có sự phát triển mạnh mẽ. Dù là địa phương khó khăn bậc nhất cả nước, nhưng trong khoảng 5 - 7 năm trở lại đây, Hà Giang có thể tự hào vì rất nhiều tiến bộ y học đã được ứng dụng vào thực tiễn khám, chữa bệnh, từng bước đem đến sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tiếp tục vượt lên khó khăn, ngành Y tế đang chuẩn bị cho những bước tiến mới với tầm nhìn bao quát và toàn diện, đáp ứng với thực tế phát triển ở địa phương.
Trao đổi với chúng tôi, Thầy thuốc Nhân dân, Giám đốc Sở Y tế Trần Đức Quý cho biết, phát huy thành quả và để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngành Y tế đã và đang xây dựng lộ trình phát triển phù hợp. Qua đó, phát triển chuyên sâu bằng việc xây dựng Khoa ung bướu, triển khai một số kỹ thuật chuyên khoa như tim mạch, nội tiết tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ngành cũng đang tích cực chuẩn bị lộ trình xây dựng Bệnh viện Sản nhi, Bệnh viện Mắt giai đoạn 2014 - 2015. Để thực hiện bước tiến đó, giai đoạn 2005 - 2011, toàn ngành đã có 553 cán bộ được cử đi đào tạo, trong đó đã có 9 cán bộ hoàn thành chuyên khoa cấp II, 2 thạc sỹ, 51 chuyên khoa cấp I, 166 bác sỹ, 7 dược sỹ đại học, 4 cử nhân điều dưỡng... Hiện tại cũng có 66 cán bộ đang được đào tạo sau đại học. Từ năm 2007 - 2009, thực hiện Đề án liên kết với các trường đạihọc, tỉnh ta đã cử đi đào tạo 282 bác sỹ và 15 dược sỹ tại các trường Đại học Y khoa Thái Nguyên, Thái Bình và Đại học Dược Hà Nội. Năm 2014, sẽ đón nhận khoảng 130 bác sỹ, dược sỹ đại học trở về từ Đề án đào tạo. Có thể nói, đây là nguồn lực chưa từng có ở Hà Giang, điều này sẽ là cơ sở vững chắc cho ngành Y tế phát triển mạnh hơn, đặc biệt là ở các chuyên khoa sâu.
Đáp ứng với nhu cầu thực tiễn, Đề án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh thành bệnh viện 500 giường bệnh đang được triển khai. Cuối năm 2012, Khoa Mổ và Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ được tiếp nhận cơ sở vật chất mới đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Cùng với đó, việc đầu tư các thiết bị y tế hiện đại bằng nguồn ngân sách Nhà nước, đặc biệt là việc xã hội hóa đầu tư nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ y học vào chẩn đoán, chữa bệnh đã và đang được đẩy mạnh. Điều này phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giảm bớt khó khăn cho các cơ sở y tế công. Hiện nay Hà Giang được coi là một trong những địa phương miền núi đi tiên phong trong việc đầu tư, ứng dụng được nhiều thiết bị y tế hiện đại, đắt tiền và nhiều phương pháp, kỹ thuật tiên tiến cũng được ứng dụng trong khám, chữa bệnh cho nhân dân. Thầy thuốc Trần Đức Quý cũng cho biết, phấn đấu đến năm 2015, Hà Giang sẽ xây dựng bệnh viện tư nhân. Từ đó, không chỉ huy động được nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực y tế mà còn góp phần giảm tải cho các bệnh viện công.
Đối với việc xây dựng, kiện toàn hệ thống cơ sở y tế, điểm đáng chú ý là ngành Y tế đang phấn đầu hết năm 2012, sẽ có 8 xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã theo Bộ tiêu chí mới với nhiều đòi hỏi khá khắt khe. Gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, ngành Y tế cũng tích cực phấn đầu từ nay đến năm 2015, sẽ có 50% số xã đạt chuẩn Quốc gia theo Bộ tiêu chí mới. Cùng với đó, ngành sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, phấn đấu giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 xuống dưới 15%, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên mỗi năm giảm từ 0,4 - 0,6%. Ngành cũng tích cực tham gia trong việc thành lập Trung tâm pháp y, bởi hiện nay toàn quốc chỉ còn 4 tỉnh, trong đó có Hà Giang chưa có Trung tâm pháp y... Ngành Y tế cũng đã và đang tích cực tham mưu cho tỉnh các biện pháp thu hút, giữ chân người có năng lực; tạo mọi điều kiện nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ y, bác sỹ, đặc biệt là chú trọng đào tạo bác sỹ các chuyên khoa sâu; chú trọng bổ nhiệm, đề bạt và quy hoạch cán bộ, giảm việc cơ cấu để đảm bảo chất lượng trong ngành đặc thù này. Với sự đầu tư không ngừng, môi trường, cơ hội phát huy tay nghề của đội ngũ y, bác sỹ cũng từng bước được cải thiện khi ngày càng có nhiều trang thiết bị y tế hiện đại để phát huy tay nghề tại các cơ sở y tế công và các cơ sở y tế tư nhân theo đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác đối ngoại, tiếp tục phối hợp với các bệnh viện, các chuyên gia y tế ở tuyến trên; tiếp nhận nguồn nhân lực, đào tạo, ứng dụng kỹ thuật tiến bộ y tế từ tuyến trên về địa phương theo tinh thần Đề án 1816; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng nhiều biện pháp y học mới về bệnh viên tuyến huyện như Bắc Quang và Yên Minh đã thực hiện được với kỹ thuật mổ nội soi...
Một trong những trọng tâm trong chiến lược phát triển của ngành Y tế được Thầy thuốc Nhân dân Trần Đức Quý nhấn mạnh đó là cùng với việc nâng cao trình độ chuyên môn, ngành chú trọng đẩy mạnh rèn luyện y đức cho đội ngũ y, bác sỹ. Gắn với đó là việc tiếp tục xây dựng các mô hình điển hình tiên tiến trong toàn ngành, đặc biệt là ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Qua đó, sẽ giao trách nhiệm cho lãnh đạo các đơn vị trong ngành phải chú trọng xây dựng các điển hình tiên tiến, thúc đẩy phong trào thi đua. Từ đó, cũng thúc đẩy chính vai trò và sự chủ động của lãnh đạo các đơn vị trong công việc của đơn vị mình.