Xã Thượng Giáp (Nà Hang, Tuyên Quang) cách trung tâm huyện lỵ trên 70 km, giao thông không thuận lợi, là cản trở lớn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế của nhân dân. Tuy nhiên, đội ngũ y, bác sỹ của Trạm Y tế xã đã không ngừng nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần đưa dịch vụ y tế đến với đông đảo người dân.
Xã Thượng Giáp có 397 hộ đồng bào Tày, Dao, Mông, Hoa, Kinh với gần 2.000 nhân khẩu. Trạm Y tế xã được đầu tư xây dựng từ năm 2007 bằng nguồn vốn Chương trình 135 với đầy đủ các phòng chức năng, gồm phòng điều trị, phòng đẻ, phòng hậu sản, phòng truyền thông, phòng khám bệnh… được trang cấp một số trang thiết bị thiết yếu như máy sấy dụng cụ y tế, bộ khám ngũ quan, máy đo huyết áp và 1 bộ máy vi tính để quản lý hồ sơ bệnh án.
Tiêm chủng cho trẻ tại Trạm Y tế xã Thượng Giáp (Nà Hang).
Bác sỹ Nguyễn Đức Nghinh, Trưởng Trạm Y tế xã cho biết, trạm hiện có 1 bác sỹ, 3 y sỹ và 1 cán bộ phụ trách dân số. Trung bình mỗi tháng, trạm khám và điều trị cho khoảng 600 lượt bệnh nhân… Các cán bộ trạm thực hiện tốt 12 điều y đức, tận tình đón tiếp, thăm khám cho bệnh nhân, được nhân dân tin tưởng, quý trọng. Hiệu quả hoạt động của trạm đã góp phần giảm sức ép cho y tế tuyến trên. Tất cả bệnh nhân đến trạm đều được chẩn đoán, điều trị kịp thời, những trường hợp bệnh nặng, ngoài khả năng chữa trị của trạm đều được chuyển tuyến trên đúng quy định nên không có bệnh nhân tử vong tại trạm.
Trạm chú trọng phát triển mạng lưới y tế ở 6/6 thôn bản của xã. Do đó, triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu y tế quốc gia về công tác phòng, chống sốt rét, chống lao, bướu cổ, sốt xuất huyết, tiêm chủng mở rộng… trên địa bàn xã tương đối có hiệu quả. Bên cạnh đó, nhờ làm tốt công tác truyền thông, giám sát dịch bệnh ngay tại thôn, bản nên từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã không xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm và chưa có trường hợp nào sinh con thứ ba.
Anh Nguyễn Văn Páo, dân tộc Tày, ở thôn Bản Cưởm có vợ là chị Triệu Thị Hiên vừa sinh con tại trạm. Trong niềm vui "Mẹ tròn con vuông", anh Páo nói: Lúc đầu vợ anh kêu đau lắm, bác sỹ động viên, rất may cuộc trở dạ của vợ thuận lợi. Buổi anh đưa vợ con về nhà, bác sỹ còn dặn dò rất chu đáo về việc cho con bú sữa mẹ liên tục trong 6 tháng, hướng dẫn chế độ chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh... thật là yên tâm.
Còn chị Sùng Thị Mán, dân tộc Mông, ở thôn Bản Búng, xã Yên Thổ, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) được đưa đến Trạm Y tế xã Thượng Giáp điều trị vì suy nhiệt cơ thể do làm việc quá sức. Hôm đầu nhìn chị xanh xao vàng vọt, nhờ được truyền dịch, điều trị tích cực, giờ da dẻ đã hồng hào, tâm tưởng phấn khởi hẳn lên. Chị bảo, nhờ bác sỹ cả đấy, cứ ở nhà đoán già đoán non chắc là "tùa" (chết) rồi...
Hiệu quả hoạt động của Trạm Y tế xã Thượng Giáp đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.