Bảo hiểm y tế: Hỗ trợ gia đình người bệnh

 6805 lượt xem
(BTĐKT) - Số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) càng ngày càng tăng. Tuy nhiên để lợi ích của BHYT đi vào cuộc sống, cần cả một quá trình từ việc thay đổi chính sách, tuyên truyền, cho tới nâng cao nhận thức của người dân. 

Giảm 80% chi phí bệnh 

Ngồi tại hành lang bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nghỉ tạm thời, khuôn mặt chị Lê Thị Thái (Tiên Lữ, Hưng Yên) đã sọp đi vì trông chồng bị bệnh. 1 tuần nay, một mình chị trông nom, chăm sóc chồng. Chị Thái kể: Chồng mình bị viêm màng não mủ do liên cầu lợn nên phải cấp cứu trên này. Mỗi ngày tiền thuốc mất gần 5 triệu đồng, tiền giường hồi sức cấp cứu cũng hơn 300.000 đồng nên mọi người thân phải ở nhà lo vay mượn tiền. 
 
“Hôm vào bệnh viện, bác sĩ hỏi có BHYT hay không? Tôi trả lời không vì gia đình làm ruộng chưa có điều kiện mua. Nghe xong bác sĩ chẹp miệng, thế thì tốn rồi. Tôi lo lắm, biết thế mua lấy cái thẻ BHYT nhưng cũng chẳng khi nào thấy ốm đau phải đi viện. Giờ mới thấm thía, tốn lắm nhưng phải cứu chồng đã”, chị Thái buồn bã nói.
 
Hoàn cảnh như gia đình chị Thái không phải hiếm. Rất nhiều bệnh nhân phải vào viện nhưng không có BHYT nên phải chi trả một số tiền lớn. Đơn cử như phải sử dụng những loại thuốc vận mạch, hỗ trợ tim... đều đắt tiền, 2-3 triệu đồng/tháng. Bệnh nhân lọc máu mất 20 triệu đồng và phải lọc trong nhiều ngày. Những bệnh như uốn ván bị nặng, sốc nhiễm khuẩn, chi phí cả đợt điều trị phải mất 100 triệu đồng. Nếu có BHYT sẽ giảm được 80% tiền viện phí, và chỉ phải đóng 20 triệu đồng. Từ tháng 8, giá điều chỉnh của hơn 400 dịch vụ được áp dụng tại nhiều bệnh viện và địa phương. Vì thế, số lượng người không có BHYT sẽ chịu thiệt thòi nhiều hơn.
 
Bảo hiểm y tế đã hỗ trợ số tiền viện phí cho nhiều bệnh nhân.
 
Ôm cô con gái xinh xắn trong lòng, khuôn mặt chị Bùi Thúy Loan, công nhân ở khu công nghiệp Nam Thăng Long rạng rỡ bởi một phần ca vượt cạn của chị tốn không nhiều và được hỗ trợ bởi BHYT.
 
“Hai vợ chồng làm công nhân ở khu công nghiệp Nam Thăng Long, lương chỉ được 6 triệu đồng/tháng nên cuộc sống cũng khó khăn. Chuẩn bị cho kế hoạch sinh con, tôi tiết kiệm được 5 triệu đồng. Tuy nhiên, giai đoạn sắp sinh, đi khám, các bác sĩ bảo tôi bị tràng hoa quấn cổ và có khi phải mổ nên khiến vợ chồng rất lo lắng. Tìm hiểu qua, một số gói mổ phải mất tới hàng chục triệu đồng lại làm tôi càng sợ hơn. Đến hôm cấp cứu lên bệnh viện Phụ sản Trung ương, may mắn tôi lại sinh thường. Lúc thanh toán viện phí hết có mấy trăm nghìn đồng. Vì tôi có BHYT hỗ trợ nên tiết kiệm được khoản tiền mua sữa cho con ăn”, chị Loan nhớ lại.
 
Theo Vụ BHYT, Bộ Y tế sau khi Luật BHYT đi vào cuộc sống, số người tham gia BHYT đã tăng nhanh, tính đến tháng 10/2012, cả nước đã có trên 57 triệu người tham gia, tăng 8 triệu người so với năm 2010, tăng 13 triệu người so với năm 2009. Năm 2012, ước số người tham gia BHYT là 59,164 triệu người, tăng hơn 2 triệu người so với năm 2011, tỷ lệ bao phủ khoảng 65% dân số; 2.453 cơ sở KCB đã ký hợp đồng khám chữa bệnh (KCB) cho người có thẻ BHYT, tăng 6% so với năm 2010. 
 
Người tham gia BHYT được tiếp cận dịch vụ tất cả các tuyến y tế theo nhu cầu chăm sóc sức khoẻ và bệnh tật với 20% người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến xã và tương đương; 61% tại bệnh viện huyện và tương đương; còn lại gần 19% đăng ký tại các cơ sở tuyến tỉnh và Trung ương. Năm 2011 đã có 114 triệu lượt người đi khám, chữa bệnh BHYT (8,9 triệu người điều trị nội trú và 105,5 triệu người điều trị ngoại trú) với tần suất KCB bình quân 2,02 lần/người/năm.
 
Tăng dịch vụ người hưởng thụ vẫn có lợi
 
Tuy nhiên, cũng theo Vụ BHYT, trong quá trình thực hiện Luật BHYT đang gặp một số bất cập như là chưa đạt được mục tiêu số lượng người tham gia BHYT trong đó có cả các nhóm đối tượng phải tham gia BHYT theo lộ trình quy định nhưng không tha gia đầy đủ. Đồng thời, người dân chỉ tham gia khi mắc bệnh mạn tính, có chi phí chữa trị cao; người dân thiếu thông tin về BHYT và không biết mua BHYT ở đâu.
 
Đặc biệt, người dân chưa mặn mà với BHYT bởi chất lượng KCB nhìn chung còn chưa đáp ứng KCB của nhân dân, nhất là tuyến cơ sở và các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa do điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chuyên môn còn hạn chế. 
 
Toàn dân nên mua bảo hiểm y tế.
 
Trong khi đó, thời gian vừa qua một loạt các dịch vụ áp dụng ở bệnh viện tăng so với trước khiến cho nhiều người dân lo lắng khả năng chi trả của BHYT.
 
Khẳng định vai trò của BHYT, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tăng giá dịch vụ không ảnh hưởng đến những người đã thụ hưởng, mà những người đã thụ hưởng bảo hiểm y tế có lợi hơn, trong đó thành phần là những người làm công ăn lương; những người nghèo; đối tượng chính sách; trẻ em dưới 6 tuổi, người dân tộc thiểu số ở những vùng khó khăn, gần đây nữa là những người cận nghèo Chính phủ trong năm nay đã ra quyết định hỗ trợ thêm 70% cho người cận nghèo và rất nhiều tỉnh đã hỗ trợ để mua luôn 100% cho người cận nghèo.
 
Trong khi đó theo đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), BHYT cần được phát triển theo cả chiều rộng, chiều sâu và cơ chế tài chính bền vững. Đăng ký theo hộ gia đình cho các nhóm do nhà nước hỗ trợ và khối lao động chính thức là rất quan trọng. Cần phải có các chiến lược truyền thông hiệu quả hơn, phù hợp hơn với các nhóm mục tiêu, các khoản đồng chi trả từ tiền túi người dân cần đơn giản, dễ hiểu dể theo dõi và có hình thức phạt đối với việc không tuân thủ. Đặc biệt đại diện WHO nhấn mạnh, để đảm bảo tài chính bền vững của chính sách này, bên cạnh tăng chi từ ngân sách nhà nước, cần gia tăng hơn nữa giá trị số tiền đã chi thông qua kiểm soát, quản lý chi phí thuốc hợp lý, không chi trả cho những thuốc không có lợi cho điều trị.
 
Cấp ngành chính quyền cần vào cuộc
 
Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020. Theo đó, sẽ phấn đấu đến năm 2020, trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế.
 
Trong đó, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần xác định rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tăng cường lãnh đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, để cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ vai trò, ý nghĩa của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong hệ thống an sinh xã hội; quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. 
 
Đồng thời, có chính sách khuyến khích người dân, nhất là người có thu nhập dưới mức trung bình tham gia bảo hiểm y tế. Nâng cao hiệu quả sử dụng bảo hiểm y tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, các hộ nghèo. Sớm ban hành Chiến lược phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến năm 2020. Từng bước thực hiện nguyên tắc “đóng – hưởng”, gắn với việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu ở một số lĩnh vực, ngành nghề nhất định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 
Mở rộng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia các loại hình bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện cho nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức; bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, nông dân, học sinh, sinh viên, đồng bào ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng núi. Áp dụng thêm các loại bảo hiểm xã hội mới phù hợp với nhu cầu nhân dân. Thí điểm chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung.
 
Nghị quyết cũng nhấn mạnh, đa dạng sản phẩm dịch vụ bảo hiểm y tế phù hợp với các tầng lớp trong xã hội, điều chỉnh các mức phí, mức hưởng đi đôi với phát triển các dịch vụ y tế chất lượng cao. Có chính sách khuyến khích người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện thường xuyên dài hạn, hạn chế tình trạng người bị ốm đau mới mua bảo hiểm y tế. Quy định mức thanh toán bảo hiểm y tế theo hướng vừa bảo đảm quyền lợi của người tham gia bao hiểm, vừa bảo đảm cân đối quỹ theo nguyên tắc “đóng - hưởng”.
 
Thực hiện minh bạch, công khai và tăng cường quản lý các hoạt động khám, chữa bệnh để hạn chế, ngăn chặn tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế, lạm dụng kỹ thuật cao, thuốc bệnh đắt tiền.
 
 

Phạm vi được hưởng BHYT

 

Người tham gia BHYT đi KCB sẽ được hưởng như sau: 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng là sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan CMKT đang công tác trong lực lượng CAND; người có công cách mạng (CM); Trẻ em dưới 6 tuổi; trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương tối thiểu và khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã.

95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng: Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn. 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng khác.

 

Khi sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn, được thanh toán trong phạm vi được hưởng như sau: 100% chi phí đối với: Trẻ em dưới 6 tuổi; người hoạt động CM trước 1945; người hoạt động CM từ 01/01/1945 đến 19/8/1945; bà mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh khi điều trị vết thương, thương tật tái phát; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan đang công tác trong lực lượng CAND nhưng không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật; người có công CM nhưng không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật.

95% chi phí nhưng không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật; đối với: Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn. Các đối tượng khác được thanh toán 80% chi phí nhưng không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật.

 

 
 
Bảo An
 
 

 

 
Ý kiến của bạn