(BTĐKT)-Trong thời gian gần đây, những câu chuyện về bác sĩ nhận phong bì, có thái độ hạch sách với người dân bệnh nhân... đã giảm nhiều. Đó là một phần vì ngành y tế đang thực hiện “nói không với phong bì”, nâng cao y đức của các y, bác sĩ.
Những bác sĩ nói không với phong bì
Tại Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai từ nhiều năm nay, các bệnh nhân ít khi nghe thấy những câu chuyện về việc “lót tay” phong bì để các bác sĩ chữa bệnh tốt hơn. Mẹ chồng bị tràn dịch màng phổi, chị Nguyễn Hạnh Loan (Tiền Hải, Thái Bình) phải đi cùng và chăm sóc. Ở quê, họ hàng đều nhắc nhở lên bệnh viện, làm các xét nghiệm hoặc khám bệnh, nhờ cậy gì đưa phong bì cho y, bác sĩ thì mọi việc sẽ suôn sẻ. Thế nhưng, chị lại không có điều kiện để làm việc đó.
“Tôi mang phong bì vào cảm ơn bác sĩ và bị từ chối thẳng thừng. Bác sĩ còn bảo nếu gia đình có ý tốt, thì khi cụ khỏi hẳn bệnh, hãy mang quà tới giữa phòng có mọi người, bác sĩ cũng không từ chối. Nghe xong, mình cảm động lắm. Vì mình biết, giờ nhiều bác sĩ cũng khó tính lắm. Mẹ mình nằm ở phòng hồi sức cấp cứu, các y tá, bác sĩ chăm sóc rất chu đáo và tận tình mà không cần biết mẹ mình có quan hệ với ai hay không”, chị Loan kể.
Theo lãnh đạo Trung tâm chống độc, bệnh viện Bạch Mai, đội ngũ y bác sĩ ở đây đã thực hiện nghiêm túc với "nói không với phong bì" từ nhiều năm trước, tất nhiên, cũng có trường hợp ngoại lệ khi bệnh nhân bày tỏ sự trân trọng, cảm ơn. Nhiều người nhà bệnh nhân không đưa phong bì được thì tìm cách mua hoa quả, bánh kẹo đến cảm ơn.
Những bác sĩ mang tên Vân, Bảy, Đức, Hiền, Tâm, Hưng, Yến,… hay các hộ lý, y tá ở Khoa Nội Tiết và Đái tháo đường luôn được những bệnh nhân và người nhà yêu mến bởi họ là những người không nề hà chữa bệnh và nói không với phong bì. Bác Thật ở Văn Giang, Hưng Yên bị tiểu đường nặng và có biến chứng. Năm nào bác cũng vào bệnh viện vài lần.
“Điều ấn tượng nhất tôi cảm thấy ở khoa này đó là tình cảm, sự tận tâm của các y bác sĩ nơi đây. Khi tôi nhập viện, gia đình tôi rất yên tâm bởi việc các bác sĩ chủ động điều trị, không “hành” gia đình và kêu phải thế này, thế nọ. Người nhà tôi hỏi xin số điện thoại của bác sĩ để đến cảm ơn nhưng đều bị từ chối. Các bác sĩ biết mình có ý định cảm ơn thì đều nói ngay và rất nhiệt tình giúp đỡ, chữa trị. Ai ở đây cũng thích các bác sĩ, nhất là những bệnh nhân quê ở xa, điều kiện gia đình còn khó khăn”, bác Thật cho hay.
Bệnh viện Việt Đức là 1 trong 5 bệnh viện cam kết nói không với phong bì.
Từ cuối năm 2011, 5 bệnh viện lớn tại Hà Nội là Bạch Mai, Việt Đức, Phụ sản Trung Ương, bệnh viện K và E bắt đầu thực hiện quy tắc ứng xử nhằm nâng cao y đức của nhân viên y tế.
Công đoàn ngành y tế đã phát động phong trào thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế. Cán bộ, nhân viên y tế cần phải đạt 5 tiêu chí: Phải có lời chào thân thiện khi tiếp xúc với bệnh nhân, người nhà; Chỉ dẫn tận tình, cụ thể; Thăm khám, tư vấn chu đáo cho bệnh nhân; Nói không với phong bì; Tuyệt đối không trục lợi từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Không chỉ các bệnh viện ở Trung Ương, nhiều bệnh viện của các bộ, ngành, bệnh viện cấp tỉnh cũng thực hiện tốt văn hóa giao tiếp, nâng cao y đức của y, bác sĩ. Một điển hình nữa là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác giáo dục cán bộ, nhân viên nâng cao văn hoá giao tiếp ứng xử, nâng cao y đức. Được biết, hàng ngày trung bình mỗi bác sĩ phải khám tới 60-70 lượt bệnh nhân. Tuy nhiên, nhân viên y tế ở đây vẫn nhẹ nhàng chỉ dẫn, kê phiếu khám, tư vấn cho bệnh nhân và thân nhân người bệnh một cách nhiệt tình, cẩn thận.
Theo bác sĩ Phạm Văn Tân, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh: “Giao tiếp, ứng xử với người bệnh và gia đình người bệnh, giữa các đồng nghiệp với nhau là một phần trong vấn đề điều trị. Bên cạnh làm tốt chuyên môn, các cán bộ, nhân viên ngành y tế đều phải học cách giao tiếp. Bệnh viện thường xuyên mời các giáo sư, bác sĩ của Bộ Y tế về giảng dạy y đức, kỹ năng giao tiếp ứng xử cho cán bộ, nhân viên, nên văn hoá giao tiếp của y, bác sĩ trong bệnh viện ngày càng nâng cao”.
Triển khai lâu dài
Mới đây, Bộ Y tế phối hợp với Công đoàn ngành y tế Việt Nam triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nâng cao y đức, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho các bệnh viện thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh. Các bệnh viện trực thuộc Bộ ở khu vực phía Nam ký cam kết thực hiện từ tháng 10/2012 đến 3/2013.
Đại diện Công đoàn ngành y tế Việt Nam cho biết sau một năm triển khai điểm về việc thực hiện Quy tắc ứng xử nâng cao y đức cho năm bệnh viện tuyến trung ương (Bạch Mai, Việt Đức, K, E và Phụ sản trung ương), kết quả cho thấy mức độ hài lòng của bệnh nhân đối với bệnh viện tăng đáng kể.
Một khảo sát tại bệnh viện Phụ sản trung ương thể hiện: 92% bệnh nhân hài lòng trong thời gian nằm điều trị tạibệnh viện; 87% nhân viên y tế không cáu gắt với người nhà bệnh nhân và bệnh nhân; 92% nhân viên y tế không có cử chỉ, lời nói biểu hiện gợi ý tiền, quà biếu; 96% bệnh nhân hài lòng về việc được nhân viên y tế đón tiếp nhiệt tình và niềm nở; 95% bệnh nhân hài lòng vì được giải thích đầy đủ về bệnh và phương pháp điều trị.
Tỉnh Hưng Yên cũng vừa tổ chức Hội nghị triển khai "Thực hiện Qui tắc ứng xử nâng cao y đức làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Trong đó, ngành y tế Hưng Yên yêu cầu các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm túc các qui định về Tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế cán bộ, viên chức y tế phải có đạo đức, nhân cách và lối sống lành mạnh, trong sáng của người thày thuốc; nghiêm túc thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Lương y như từ mẫu"; thực hiện khẩu hiệu "Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo".
Đồng thời, không được lạm dụng nghề nghiệp để thu lợi trong khi chăm sóc người bệnh như: ban ơn, gợi ý nhận tiền quà biếu; không cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, trì hoãn, thờ ơ, gây khó khăn với người bệnh. Mặt khác, niêm yết công khai các qui tắc đề nghị bệnh nhân và người nhà không đưa tiền, quà cho cán bộ nhân viên y tế trong quá trình khám chữa bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiền thừa nhận, vấn đề y đức trong các cơ sở y tế phổ biến ở những mặt: thái độ tiếp xúc với người bệnh, nhận phong bì, thầy thuốc được các hãng dược đưa tiền hoa hồng để kê toa thuốc, y đức kết hợp với chuyên môn.
Để nâng cao y đức cho các cán bộ ngành y, Bộ trưởng Bộ Y tế đề ra giải pháp lâu dài, đó là sự ủng hộ của nhân dân. Bà mong muốn người bệnh dứt khoát không đưa phong bì và giám sát, nếu nơi nào chứng kiến cảnh đưa phong bì đó thì chụp ảnh lại và ghi lại tên người điều dưỡng, bác sỹ, cán bộ y tế đó gửi cho Giám đốc bệnh viện và gửi cho Bộ Y tế.
“Tuy nhiên, y đức là vấn đề nhạy cảm. Công việc này không phải một sớm một chiều cho nên chúng tôi chưa bao giờ dám động vào phong trào nói không cả mà đây là cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác và sẽ phải kéo dài, chúng tôi cũng mong được sự ủng hộ của nhân dân. Chúng tôi cũng mong muốn các đồng nghiệp hãy vì hình ảnh của nghề nghiệp, danh dự, lòng tự trọng hãy thay đổi nhân cách, thay đổi hành vi, vấn đề về phong bì, vấn đề về thái độ để được nhân dân ghi nhận. Chúng tôi mong rằng người dân phát hiện và cương quyết không đưa phong bì cho cán bộ y tế khi đến khám bệnh ở cơ sở y tế. Chúng tôi nghĩ với nỗ lực của cả 2 bên, với sự tương tác của cả 2 bên thì trong tương lai hình ảnh của người cán bộ y tế sẽ được cải thiện và y đức sẽ tốt hơn”, bà Tiến khẳng định.
Với những cố gắng nỗ lực của công đoàn ngành y tế và ngành y tế các tỉnh, hi vọng vấn đề y đức đối với nhân viên y tế sẽ được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, những người bệnh và gia đình không cảm thấy nản lòng mỗi khi đến bệnh viện.
Bảo An