Điều chỉnh giá dịch vụ y tế: Tiền tăng, chất lượng tăng

 7831 lượt xem
(BTĐKT)-Người dân bắt đầu quen với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế của một số bệnh viện trong thời gian qua. Tuy nhiên, mong muốn vẫn là tăng giá tiền phải đi kèm với việc tăng chất lượng dịch vụ. 

Chất lượng tăng

Sau khi Thông tư số 04/2012/TTLT-BYT-BTC ban hành mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực, nhiều bệnh viện cơ sở y tế, khám chữa bệnh đã tiến hành tăng phí. 
 
Đi khám bệnh tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng, Hà Nội) ông Bùi Ngọc Phiếm (624 Minh Khai) cho hay, mức phí khám chữa bệnh có tăng nhưng không đáng kể. Quan trọng là chất lượng khám chữa bệnh, sự nhiệt tình và thái độ niềm nở của cán bộ y bác sĩ sẽ giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn. Cũng theo ông Phiếm, lần đi khám này của ông, giá viện phí chỉ tăng so với những lần trước chừng vài chục nghìn đồng.
 
Theo Thông tư 04, giá khám bệnh có tăng lên: Bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng I giá khám bệnh là 20.000 đồng/lượt; bệnh viện hạng II: 15.000 đồng; bệnh viện hạng III: 10.000 đồng; bệnh viện hạng IV, bệnh viện chưa được phân hạng, phòng khám đa khoa khu vực: 7.000 đồng và trạm y tế xã, phường, thị trấn: 5.000 đồng. Cùng đó, giá ngày giường bệnh cũng được điều chỉnh tăng lên.
 
Về giá các dịch vụ, kỹ thuật y tế tại Thông tư số 14 năm 1995 quy định khung giá của 352 dịch vụ chiếu, chụp, chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật, thủ thuật. Sau khi rà soát, liên bộ tiến hành điều chỉnh giá của 330 dịch vụ, trong đó bỏ 130 dịch vụ lạc hậu hiện nay các cơ sở y tế không còn triển khai và tăng giá 227 dịch vụ. Trong số này có 5 dịch vụ giảm so với mức tối đa tại Thông tư 14; 181/277 dịch vụ (chiếm 64%) có mức điều chỉnh dưới 5 lần và  94 dịch vụ (khoảng 34%) có mức điều chỉnh từ 5 lần trở lên.
 
Đợt điều chỉnh khung giá viện phí này Bộ Y tế cũng bổ sung giá của hơn 80 dịch vụ y tế do chưa có giá thu nhằm đảm bảo quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT.  Khung giá viện phí trên mới chỉ tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí trực tiếp cần thiết để thực hiện dịch vụ (thuốc, dịch truyền, máu, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế, hóa chất; chi phí về điện, nước, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường, khử khuẩn…). Các chi phí khấu hao tài sản cố định, tiền lương, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị có giá trị lớn chưa được tính vào mức giá này.
 
Hi vọng việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
 
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, việc tăng giá viện phí sẽ có lợi cho cả bệnh viện và người bệnh BHYT (mức giá mới sẽ được quỹ BHYT thanh toán), chấm dứt tình trạng “phụ phí”. Với mức giá cũ (đã quá lạc hậu), người bệnh phải tự bỏ tiền túi ra để bù vào phần chênh lệch giá. Trong khi đó, các bệnh viện có thêm nguồn thu để bù đắp chi phí vận hành, hoạt động, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. 
 
Ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế cho biết, qua tổng hợp báo cáo nhanh của một số địa phương, việc thực hiện tăng giá dịch vụ y tế đã đạt được một số kết quả tích cực như số lượng người đi khám bệnh, điều trị không giảm nhưng công tác khám bệnh đã có chuyển biến, thời gian chờ đợi khám bệnh đã giảm, tinh thần, thái độ phục vụ tốt hơn, chất lượng dịch vụ từng bước chuyển biến…
 
Nhiều bệnh viện đã sử dụng nguồn thu, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, huy động xã hội hóa để cải tạo, nâng cấp khu vực khám bệnh, tăng buồng khám, sửa chữa các buồng bệnh, tăng giường bệnh để nâng cao khả năng phục vụ. Nhiều bệnh viện thực hiện khám bệnh từ 5-6 giờ sáng, cả thứ 7, chủ nhật để đáp ứng nhu cầu bệnh nhân.
 
Ngoài ra, số thu viện phí và BHYT tăng thêm làm góp phần tăng khả năng cân đối thu, chi của nhiều bệnh viện, góp phần thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị.
 
Tăng cường kiểm tra
 
Thực tế, việc tăng giá viện phí mới được tiến hành một thời gian ngắn nhưng đã có những kết quả khích lệ bước đầu. Tuy nhiên, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương chưa công bố điều chỉnh giá dịch vụ y tế, cần có lộ trình thực hiện phù hợp theo hướng lùi thời hạn áp dụng nhằm giảm bớt một phần áp lực chi phí của người dân, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát.
 
Đảm bảo sức khỏe bản thân, người bệnh cần hưởng ứng và ủng hộ biện pháp điều chỉnh giá bệnh viện.
 
Vì vậy, theo ông Nguyễn Nam Liên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay còn 18 tỉnh, 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế và một số bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I thuộc các Bộ, ngành khác chưa thực hiện điều chỉnh giá. Các địa phương, đơn vị này sẽ giãn tiến độ thực hiện sang quý I/2013. Bộ Y tế đã đề nghị các tỉnh chưa thực hiện điều chỉnh cân nhắc thời điểm thực hiện cho phù hợp, có thể thực hiện rải ra trong khoảng tháng 1, tháng 2 và tháng 3 của năm 2013.
 
Cụ thể: 15 tỉnh gồm: Tuyên Quang, Bắc Kạn, Điện Biên, Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Thuận, Đắk Lăk, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh đã hoàn thành việc xây dựng và thẩm định, sẽ trình HĐND vào kỳ họp cuối năm 2012, dự kiến bắt đầu thực hiện vào quý I/2013. 3 tỉnh là Bình Dương, Tiền Giang, Quảng Ngãi đã được phê duyệt phương án điều chỉnh giá, bắt đầu thực hiện vào tháng 1/2013.
 
Đối với Sở Y tế Đà Nẵng, theo Bác sĩ Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng thì hiện nay tại Đà Nẵng mới chỉ có Bệnh viện C do Bộ Y tế quản lý đã thực hiện giá viện phí mới. Còn lại các bệnh viện khác đều chưa điều chỉnh viện phí. Dựa trên sự phù hợp với tình hình kinh tế xã hội, tỷ lệ dân số tham gia BHYT, khả năng cân đối quỹ bảo hiểm xã hội tại địa phương, thành phố Đà Nẵng dự kiến trình HĐND khung giá từ 70 – 77% theo khung giá của Thông tư 04 (tùy theo hạng bệnh viện từ hạng I , hạng II, hạng III). Khung giá này dự kiến sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2013.
 
Một số tỉnh Quảng Trị, Điện Biên, Hải Phòng... dự kiến sẽ thu viện phí mới từ quý I/2013 với mức giá từ khoảng 70-75% khung giá của Bộ Y tế.
 
Bà Đặng Thị Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nam Định chia sẻ, tất cả7 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh và 11 bệnh viện đa khoa tuyến huyện vẫn thu viện phí theo giá cũ mà chưa thực hiện điều chỉnh. Do người dân chủ yếu làm nghề nông nghiệp, thu nhập thấp nên tỉnh cũng dự kiến chỉ tăng từ 60-70% theo khung của Bộ Y tế.
 
Theo Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trung tuần tháng 12/2012, cơ quan này sẽ tiến hành kiểm tra tình trạng sử dụng các dịch vụ tại 21 cơ sở khám chữa bệnh vừa tăng giá viện phí mới. Cục quản lý khám chữa bệnh sẽ tập trung vào một số các dịch vụ, tình trạng thu tiền viện phí, dụng cụ khám bệnh, điều hòa nhiệt độ, quạt điện, quần áo người bệnh, dịch vụ kỹ thuật cao, số buồng,  giường nằm có còn tình trạng ghép người bệnh, gây nên quá tải BV hay không... tình trạng nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh…
 
Ngoài ra, Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra việc sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, chỉ định xét nghiệm, chỉ định kỹ thuật, kiểm tra việc kê đơn thuốc, phòng ngừa và giảm thiểu các tai biến, sai sót chuyên môn... Nếu phát hiện tình trạng các cơ sở khám chữa bệnh lạm dụng dịch vụ mà thu tiền của người bệnh cao, Cục quản lý khám chữa bệnh xử lý và yêu cầu điều chỉnh giá loại hình dịch vụ này về mức giá cũ, đại diện Cục quản lý khám chữa bệnh cho hay.
 
Bảo An
 
 
Ý kiến của bạn