(Chinhphu.vn) - Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị tổng kết Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (Đề án 896), tại trụ sở Chính phủ sáng 23/4.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu kết luận Hội nghị - Ảnh: VGP/Lê Sơn
Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Đề án
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao những ý kiến sâu sắc được đúc rút từ thực tiễn, cơ sở, qua đó, cho chúng ta một cái nhìn sâu hơn, sát hơn, cụ thể hơn, toàn diện hơn về kết quả quá trình thực hiện Đề án 896.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp những kết quả đã đạt được của các bộ, ngành, địa phương đã làm khá tốt trên nhiều phương diện. Đáng ghi nhận là việc triển khai mô hình đưa công an chính quy về xã, bảo đảm thu thập, bổ sung, cập nhật thông tin dân cư hằng ngày ngay từ địa bàn cơ sở; việc xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ban, ngành sẵn sàng tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử; tổ chức quán triệt, nghiên cứu, đề xuất các nội dung thực hiện nghiêm Đề án; chủ động và làm tốt công tác phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương triển khai đầy đủ, chặt chẽ và hiệu quả các nội dung về phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành...
Đến nay, các nhiệm vụ của Đề án 896 đã hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra, quá trình triển khai thực hiện Đề án đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý dân cư, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số. Bộ Công an đã chủ động, tích cực tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhiều nội dung công việc phục vụ triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và nguồn vốn dự án; rà soát, cắt giảm từ các dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân trong giai đoạn 2018-2020 để bố trí một phần vốn cho dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bộ Công an cũng như Ban Chỉ đạo 896 địa phương đã chủ động, quyết liệt chỉ đạo công an các cấp hoàn thành việc thu thập thông tin, tiến hành quét phiếu thu thập thông tin dân cư và cấp số định danh cá nhân tại các địa phương. Các bộ, ngành đã hoàn thành kế hoạch, phương án thực hiện 19 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành.
Bên cạnh đó, Văn phòng Ban Chỉ đạo 896 đã xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án 896 tại các địa phương; tổng hợp tình hình, kết quả triển khai, kịp thời tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 896. Để có được thành tích nêu trên là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Chính phủ, nhất là đồng chí Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 896 các bộ, ngành, địa phương.
Ảnh: VGP/Lê Sơn
Bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, Phó Thủ tướng Thường trực cũng thẳng thắn nhìn nhận và đánh giá những tồn tại cần khắc phục. Đó là, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 896 vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nhất là những vấn đề có yếu tố chủ quan, cần phải sớm được khắc phục như trong báo cáo tổng kết Đề án và các ý kiến phát biểu đã đề cập.
“Việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm thực chất - yêu cầu này là trách nhiệm của các bộ trưởng, Chủ tịch UBND các địa phương phải chỉ đạo quyết liệt, phối hợp với Bộ Công an thực hiện có hiệu quả, vì nhân dân để phục vụ”, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ.
Đồng thời, việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế và dữ liệu giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế còn gặp nhiều khó khăn. Chưa có cơ chế thống nhất, hợp lý xử lý đối với các trường hợp dữ liệu công dân có sai lệch (sai thông tin giữa CMND/thẻ CCCD với hộ khẩu hoặc trong các giấy tờ này chỉ có thông tin về năm sinh mà không có thông tin về ngày, tháng sinh), dẫn đến gia tăng thủ tục hành chính không đáng có, gây sức ép cho người dân, khó bảo đảm chất lượng đăng ký hộ tịch.
Thực hiện tốt 7 nhiệm vụ trọng tâm
Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ: Năm 2021 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm tiếp tục đưa Đề án 896 vào thực tiễn để hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Để hoàn thành việc xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian tiếp theo, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt một số điểm trọng tâm sau đây:
Một là, Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện thực hiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, bảo đảm dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất, an ninh, an toàn dữ liệu, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”.
Trong đó, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan; đẩy nhanh quá trình kết nối với các bộ, ngành, địa phương góp phần quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, hướng tới xây dựng kinh tế số, xã hội số. Hoàn thành, mở rộng việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định để chia sẻ cho các bộ, ngành, địa phương khai thác, sử dụng trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính (về xác thực thông tin người dùng, hỗ trợ cung cấp, kiểm tra thông tin công dân).
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án - Ảnh: VGP/Lê Sơn
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong thực hiện các thủ tục liên quan đến quản lý dân cư, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công của Bộ Công an. Tăng cường mạnh mẽ kết nối, liên thông, tương tác và cung cấp các dịch vụ công một cách có hiệu quả giữa Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan quản lý hành chính các cấp; tổ chức chính trị, xã hội liên quan.
Hai là, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương tiếp tục tích cực “đồng hành” cùng với Bộ Công an trong quá trình triển khai 2 dự án, bảo đảm sự đồng bộ, kết nối trong xây dựng Chính phủ điện tử. Cụ thể:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính có kế hoạch bố trí vốn trung hạn cho việc thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử do Bộ Tư pháp đang thực hiện; Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử, trình Chính phủ xem xét ban hành trong quý II năm 2021 để tạo hành lang pháp lý cho vấn đề danh tính số.
Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để phổ cập danh tính số cho mọi người dân, tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế số, xã hội số. Có trách nhiệm phối hợp, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị các điều kiện, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn ứng dụng công nghệ thông tin để bảo đảm kết nối liên thông giữa các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, bảo đảm thống nhất và phục vụ kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xác định hộ tịch đối với các trường hợp đặc biệt.
Các bộ, ngành bám sát tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dể ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý của bộ, ngành mình; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các giao dịch dân sự, kinh tế. Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, triển khai các ứng dụng để tích hợp vào chíp điện tử trên thẻ căn cước công dân, góp phần thực hiện quản lý ngành, lĩnh vực được phân công.
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án - Ảnh: VGP/Lê Sơn
Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an xây dựng phí, lệ phí khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm hiệu quả tái đầu tư, duy tu bảo dưỡng và khai thác dữ liệu.
Các bộ, ngành, địa phương bảo đảm các điều kiện, các tiêu chuẩn ứng dụng công nghệ thông tin để bảo đảm kết nối liên thông giữa các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đẩy mạnh làm việc trên môi trường mạng; chú trọng công tác đào tạo, nâng cao năng lực công nghệ thông tin, trang bị kỹ năng số cần thiết cho cán bộ, nhân viên thích ứng với môi trường mạng để vận hành, phát triển các hệ thông, phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Thúc đẩy quản trị điện tử với sự trợ giúp của công nghệ thông tin nhằm tăng cường hiệu quả, chất lượng, phạm vi hoạt động của Chính phủ điện tử.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 2 đang cung cấp để đề xuất phương án nâng cấp dịch vụ công lên mức độ 3,4 phù hợp với điều kiện và khả năng đáp ứng trong thực tiễn.
Bốn là, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công bảo đảm tốt công tác tra cứu, theo dõi, tổng hợp báo cáo về tiến độ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo thời gian thực; đáp ứng yêu cầu kết nối, tích hợp, chia sẻ, lưu trữ dữ liệu; giải pháp xác thực, an toàn thông tin; đồng bộ trạng thái tiến độ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.
Năm là, tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, thông qua việc hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể được đề ra tại Kế hoạch hàng năm của các bộ, ngành, địa phương.
Sáu là, tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành để hoàn thiện phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư trong thời gian tới.
Bảy là, trên cơ sở ý kiến phát biểu tại Hội nghị hôm nay, Bộ Công an (Văn phòng Ban Chỉ đạo 896) nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện và ký phát hành báo cáo tổng kết Đề án 896 giai đoạn 2013-2020 theo quy định, đồng thời chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương xử lý khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế; báo cáo Thủ tướng Chính phủ nếu vượt thẩm quyền.
Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án 896 ở bộ, ngành, địa phương.
Lê Sơn
http://baochinhphu.vn/Thoi-su/De-an-896-Thuc-hien-tot-7-nhiem-vu-trong-tam-trong-thoi-gian-toi/429059.vgp