Phát triển y tế cơ sở tại thôn, bản

 8660 lượt xem
(BTĐKT)-Nhằm hỗ trợ người chăm sóc trẻ em: Cha mẹ, ông bà… có những thông tin để chăm sóc trẻ tại nhà như ăn uống, bú mẹ, xử lý khi trẻ bị bệnh… nhiều trạm y tế ở Bắc Giang đã thành lập các câu lạc bộ sức khỏe (CLBSK) ở các thôn, bản từ hơn chục năm nay. 

Dạy chăm sóc trẻ

Chị Phạm Thị Kha treo bức tranh lên bảng, rồi quay xuống hỏi các thành viên khác trong câu lạc bộ xem chủ đề của buổi sinh hoạt trước. Không cần chỉ định, chị Vũ Thị Sớm hăng hái phát biểu ngay. Buổi trước mọi người đã trao đổi về bệnh nhiễm giun ở trẻ. Chị Sớm đã nêu lại biểu hiện, cách phòng tránh của bệnh. Nghe chị Sớm trả lời xong, chị Kha nở nụ cười rất tươi, cùng với chị em bên dưới hào hứng vỗ tay cổ vũ cho chị Sớm. Sau đó, chị Kha bắt đầu vào bài giảng của ngày hôm nay, bài về bệnh tay chân miệng. Đó là nội dung của buổi sinh hoạt CLBSK thôn Vũ Trù Làng, xã Vũ Xá, huyện Lục Nam, Bắc Giang.
 
Còn tại thôn Hố Mua, xã Vũ Xá, buổi sinh hoạt của CLBSK thôn tháng 10 là xử lý rác thải. Chị Vũ Thị Tình, y tế thôn viết cách xử lý rác thải, ảnh hưởng của rác thải đối với môi trường lên bảng rồi bắt đầu phân tích cho chị em hiểu. Thôn Hố Mua chia làm 3 nhóm mỗi nhóm 4 - 5 người được phát tờ giấy A4 để trao đổi, thảo luận và ghi lại ý kiến lên trên giấy. Sau khi có kết quả, chị Tình sẽ phân tích, đưa ra những lí lẽ, dẫn chứng để các thành viên câu lạc bộ hiểu. Chị Tình chia sẻ: “Thành viên CLBSK chỉ có 14 người nhưng tùy từng hôm, từng nội dung truyền thông số người có thể tăng lên rất nhiều. Mọi người rất hăng hái tham gia, thảo luận sôi nổi”.
 
Chăm sóc sức khỏe người dân tại xã Sín Thầu, Mường Nhé, Điện Biên.
 
Chị Trần Thị Hường, chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Hố Mua tâm sự: Ban đầu, chị em rất ngại, không ai dám phát biểu vì sợ sai, sợ mọi người cười. Nhưng dần dần, mọi người đã tự tin hơn rất nhiều. Tôi thấy có những thay đổi tích cực của các ông bố, bà mẹ từ việc không coi trọng việc tiêm phòng bà mẹ, trẻ sơ sinh giờ họ đã ý thức được việc đó là quan trọng và cần thiết giúp trẻ phát triển bình thường.
 
“CLBSK thôn không bắt buộc mọi người tham gia mà thực hiện trên tinh thần tự nguyện. Chúng tôi động viên chị em cùng sinh hoạt để trao đổi, chia sẻ kiến thức về chăm sóc sức khỏe. Thông qua câu lạc bộ cũng giúp tính đoàn kết cộng đồng tăng lên. Dù chưa có điều kiện thay đổi hành vi ngay nhưng để cùng chia sẻ, thêm hiểu biết”, chị Hường nói thêm.
 
Anh Nguyễn Đình Tâm, thôn Hoàng Sơn, xã Vũ Xá, thường xuyên tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ cho rằng: “Đây là một hình thức hoạt động hay và có hiệu quả. Là đàn ông nên ban đầu tham gia câu lạc bộ tôi cũng rất ngại. Nhưng vợ tôi đi chợ xa, tôi ở nhà và phụ trách việc chăm con. Những kiến thức được học tại đây rất có ý nghĩa. Tôi đã biết cách phòng tránh các bệnh tay chân miệng cho cháu, biết cách dỗ cho cháu ăn nhanh và ngon, biết cách nấu các món đầy đủ chất dinh dưỡng cho con…”.
 
Các câu lạc bộ sức khỏe tại Bắc Giang giúp người dân có thêm kiến thức để chăm sóc trẻ tốt hơn.
 
Theo ông Phạm Hải Ninh, Trạm trưởng Trạm y tế xã Vũ Xã, hiện tại 6/12 thôn trong xã đã thành lập được CLBSK. Tại đây người dân trong thôn được gặp gỡ chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn khúc mắc trong vấn đề sức khỏe của bản thân và của cộng đồng. Những vấn đề này được đưa ra thảo luận và cùng nhau vạch ra phương án giải quyết với sự hỗ trợ của các cán bộ y tế huyện, xã, thôn. Với mục tiêu tập trung vào sự phát triển của trẻ nên hai nội dung chăm sóc trẻ nhỏ và phụ nữ có thai thường là những chủ đề chính trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ. Ngoài ra những nội dung sức khỏe khác mang tính thời sự cũng được đưa ra truyền thông kịp thời ví dụ như bệnh chân tay miệng, vấn đề môi trường… Những hoạt động của câu lạc bộ như hội thi dinh dưỡng thực phẩm sẵn có tại địa phương đã tạo cho người dân nơi đây có một sân chơi bổ ích. 
 
Đẩy mạnh y tế cơ sở
 
TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khẳng định, việc khám, chữa bệnh ban đầu tốt thì sẽ giảm áp lực cho tuyến trên. Ở các trạm y tế cần cung cấp cho người dân những kiến thức về phòng và phát hiện sớm, tuyên truyền, giáo dục để người dân nhận thức được những cách phòng tránh cơ bản nhất. Y tế cơ sở cũng là tuyến bảo đảm cho người dân dược chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp, góp phần thực hiện công bằng trong chăm sóc sức khỏe và bảo đảm an sinh xã hội để người dân có cuộc sống hạnh phúc.
 
Theo đại diện Bộ Y tế, Y tế cơ sở (YTCS) tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư, Bộ Y tế tổ chức đánh giá 10 năm thực hiện chỉ thị 06-CT/TW ngày 22/01/2002 của Ban Chấp hành Trung ương về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. 
 
Kết quả tổng kết cho thấy đến nay tỷ lệ TYT xã có bác sỹ đạt 72%, tỷ lệ TYT xã có NHS/YSSN đạt trên 95%, Tỷ lệ thôn bản có nhân viên y tế hoạt động đạt trên 86%, Khoảng 78,8% TYT xã đã thực hiện khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Hội nghị đã khẳng định y tế cơ sở là nền tảng của y tế Việt Nam, góp phần quan trọng trong những thành quả về chăm sóc sức khỏe của Việt Nam trong những năm qua do đó cần tiếp tục củng cố, hoàn thiện và ổn định mạng lưới YTCS; tăng đầu tư cho YTCS một cách toàn diện về nhân lực, cơ sở, trang thiết bị và kinh phí chi thường xuyên để đảm bảo cho YTCS có điều kiện để hoạt động nhằm góp phần để mọi người dân, trong đó có các đối tượng chính sách và người nghèo đều được chăm sóc sức khoẻ; từng bước đổi mới công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, tăng cường mở rộng dịch vụ y tế cho tuyến xã, thí điểm thực hiện quản lý một số bệnh mạn tính như hen, tăng huyết áp, đái đường tại cộng đồng, góp phần giảm tải cho tuyến trên.
 
Từ nguồn vốn đầu tư trái phiếu Chính phủ và hỗ trợ có mục tiêu từ nguồn NSNN, đến nay có trên 145 bệnh viện huyện, 46 phòng khám đa khoa khu vực đã hoàn thành đưa vào sử dụng.Các bệnh viện huyện còn lại cũng đã hoàn thành được một số hạng mục công trình như khu khám bệnh, nhà điều trị, khu xử lý chất thải, khu kỹ thuật…, mua sắm được một số trang thiết bị cần thiết theo quy định của Bộ Y tế cho các bệnh viện tuyến huyện như máy siêu âm, X-quang, máy thở, monitor, bàn mổ, các bộ dụng cụ mổ, máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học, giường, tủ, bàn, ghế…
 
Đối với tuyến xã, Bộ Y tế cũng đã trình Chính phủ đề án đầu tư cho y tế xã, y tế dự phòng huyện và được lồng ghép trong chương trình Xây dựng nông thôn mới, phát triển y tế nông thôn và chương trình kết hợp chính sách giữa Bộ Y tế và Ủy ban dân tộc (Bộ Y tế và UBDT đã ký Thảo thuận thực hiện), trong đó bao gồm một số chính sách ưu tiên đầu tư cho vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
 
Bảo An
 
 
Ý kiến của bạn