Khám chữa bệnh chất lượng cao góp phần giảm tải bệnh viện

 9227 lượt xem
(BTĐKT)-Mở phòng khám dịch vụ chất lượng cao, thu số tiền lớn đáp ứng nhu cầu của một bộ phận dân cư là cách nhiều bệnh viện công đang thực hiện nhằm giảm tải bệnh viện. 

Thuận tiện

Tại khoa Khám và Điều trị tự nguyện A (KĐTTNA), bệnh viện Nhi Trung ương mới đầu giờ sáng số lượng bệnh nhân đã vượt con số 100. Cả tầng 1 của phòng khám rộng gần 1.000m2 kín mít người nhà bệnh nhân. Tuy nhiên, bằng cách sắp xếp hợp lý, các bệnh nhân không phải chờ lâu để được khám. Người nhà khám bệnh ở đây có thể đặt lịch hẹn trước sẽ được giảm giá 190 nghìn đồng (580 nghìn xuống còn 390 nghìn đồng). Nếu bệnh nhân có nhu cầu khám chỉ định các bác sĩ chuyên khoa có học hàm, học vị như tiến sĩ, phó giáo sư (từ giám đốc bệnh viện đến các trưởng, phó khoa chuyên ngành) đều có thể được đáp ứng với giá tiền khám theo quy định của khoa.
 
Tương tự, tại bệnh viện Phụ sản Trung ương, phòng khám 56, Hai Bà Trưng nằm trong khuôn viên của bệnh viện cũng đang thực hiện việc khám bệnh theo yêu cầu. Bệnh nhân có thể gọi điện trước đặt lịch khám, lựa chọn bác sĩ… Tuy nhiên, mức giá khám chữa bệnh ở đây tương đối cao so với bên ngoài và trong viện. Đơn cử như khám thai, khám phụ khoa 200.000 đồng; siêu âm 2D 100.000 đồng… Bà Bùi Hồng Thơm (Tiền Hải, Thái Bình) đi siêu âm theo định kỳ cho biết: Năm ngoái, tôi bị ung thư vòi trứng và đã chữa được. Hiện tại phải đi siêu âm định kỳ 3 tháng/ lần. Tuy nhiên, tôi lựa chọn khám dịch vụ vì nhanh hơn rất nhiều. Nếu khám theo bảo hiểm y tế trong bệnh viện chờ cả ngày chưa xong.
 
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng mở mô hình dịch vụ phòng khám chuyên khoa Nhi chất lượng cao với sự tham gia của các bác sĩ Trưởng/phó khoa nhiều kinh nghiệm đang làm việc tại bệnh viện. Với mô hình này. Bệnh nhân sẽ được khám theo yêu cầu, theo lịch hẹn, được tiếp đón, khám chữa bệnh, điều trị, phát thuốc và thông báo kết quả xét nghiệm nhanh nhất. Ngoài ra bệnh nhân còn được Dược sĩ tư vấn về nguyên tắc sử dụng thuốc, tác dụng lợi hay hại của thuốc. Hồ sơ bệnh án của bệnh nhân sẽ được lưu trữ và bác sĩ sẽ trả lời cho bệnh nhân nếu bệnh nhân có thắc mắc sau này. Giá tiền một lần khám là 250.000 đồng/lần khám không bao gồm tiền xét nghiệm, thuốc…
 
PGS. TS Nguyễn Thanh Liêm - GĐ BV Nhi Trung ương cho biết, khoa Điều trị tự nguyện A đã góp phần nhỏ trong công tác giảm tải bệnh viện và là nguồn thu để tăng thêm thu nhập cho bệnh viện. Cụ thể, viện phí ở khoa Điều trị tự nguyện A tuy có hơi đắt, nhưng được xây dựng dựa vào tiêu chí của BV quốc tế ở Hà Nội và TP HCM (chỉ bằng 2/3 giá ở các BV quốc tế) và tương đương với giá BV tư nhân có trang bị trang thiết bị y tế hiện đại. Nghĩa là một ngày điều trị tại khoa Điều trị tự nguyện A, mỗi BN phải chi trả 2 triệu đồng/ giường bệnh (phòng). Còn các chi phí xét nghiệm, thuốc và thủ thuật… sẽ được tính riêng (theo hóa đơn). Như vậy, hầu hết BN điều trị từ 3 - 5 ngày tại khoa, riêng tiền giường nằm đã mất chục triệu đồng.
 
BV đang xây dựng khoa theo mô hình kiểu mẫu về thái độ phục vụ. Đây là khoa duy nhất trong viện ngày nào cũng được Ban Giám đốc đi thăm các buồng. Các bác sĩ được làm việc tại đây đều là bác sĩ nội trú (ít nhất từ thạc sĩ trở lên). Điều dưỡng phải có kinh nghiệm 3 - 5 năm và có kiến thức chuyên sâu về nhi khoa. Tuy nhiên nhiều phụ huynh cho rằng chất lượng phục vụ của đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng chưa tương xứng với số tiền họ phải chi trả.
 
Đẩy mạnh xã hội hóa y tế?
 
Theo lãnh đạo bệnh viện Nhi Trung ương, đến nay trung bình Khoa KĐTTNA khám và điều trị trung bình gần 150 bệnh nhân/ngày, những ngày cao điểm lên đến hơn 200 bệnh nhân. Trong vòng 6 tháng đầu năm 2012, Khoa đã khám được tổng số 25.256 lượt bệnh nhân, điều trị gần 2.000 bệnh nhân nội trú, hơn 3.200 bệnh nhân ngoại trú và dịch vụ. 
 
Hiện nay Khoa KĐTTNA có 12 bác sĩ, trong đó 1 bác sĩ có trình độ tiến sĩ, 10 thạc sĩ và 1 đang học cao học. Khoa có 51 điều dưỡng gồm có 1 thạc sĩ, 5 đại học, 3 cao đẳng và hiện có 2 điều dưỡng đang học điều dưỡng chuyên khoa, 8 điều dưỡng học đại học và 90% điều dưỡng đã tốt nghiệp chuyên khoa nhi. Khoa có 38 giường nội trú, 20 giường ngoại trú, 1 phòng mổ, 10 phòng khám, 1 phòng xét nghiệm, 1 phòng siêu âm. Khoa là nơi đầu tiên kết hợp với Viện Nghiên cứu sức khỏe trẻ em (giám sát, đánh giá) xây dựng mô hình chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân với việc nâng cao năng lực chuyên môn cho bác sĩ và điều dưỡng như tổ chức các lớp học cho bác sĩ về các chuyên khoa sâu, lớp học nâng cao kỹ năng chuyên môn và giao tiếp cho điều dưỡng và tổ chức thi tay nghề cho điều dưỡng nhắm đến mục tiêu đạt 100% sự hài lòng của người bệnh.
 
Được biết, 80% doanh thu của khoa được chuyển lên Viện để thực hiện các công tác nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, nghiên cứu khoa học… Ví dụ như cách đây 3 năm, cả Viện Nhi Trung ương mới chỉ có 3 chiếc máy thở ôxy. Đến nay đã trang bị được 100 máy. Chúng tôi đã tiến hành đầu tư và mở rộng từ 4 phòng khám ban đầu, đến nay có 10 phòng khám các chuyên khoa và một phòng mổ đầy đủ tiện nghi.
 
Giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là điều người dân mong muốn nhất.
 
Năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển công tác xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2011 đến 2020”. Tiếp đó, năm 2011 Bộ Y tế phê duyệt “Đề án phát triển nghề công tác xã hội trong lĩnh vực y tế” với mục tiêu mang lại môi trường khám chữa bệnh thân thiện và hiệu quả. Theo đại diện Bộ Y tế, nhờ cơ chế tự chủ tài chính, xã hội hóa y tế với việc ra đời các khoa khám bệnh theo yêu cầu, khám “dịch vụ”, “tự nguyện” giúp người bệnh có khả năng tiếp cận được với các dịch vụ tốt hơn, được lựa chọn bác sĩ, tránh phiền hà, giảm thời gian chờ đợi và đặc biệt là không phải đưa "phí ngầm", "phong bì". 
 
Sau hai năm rốt ráo triển khai, công tác xã hội trong ngành y tế đã xuất hiện tại một số bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Bước đầu hoạt động này đã góp phần cung cấp các thông tin theo yêu cầu của bệnh nhân và thân nhân người bệnh; kết nối bệnh nhân với các dịch vụ trong và ngoài bệnh viện; hỗ trợ sinh hoạt vận động đối với những bệnh nhân khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em; kêu gọi cộng đồng giúp đỡ cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn…
 

Đang xây dựng đề án bác sỹ gia đình

Theo Bộ Y tế, đề án bác sỹ gia đình đang được Bộ xây dựng với mục đích nhằm giảm quá tải bệnh viện. Theo kết quả khảo sát, có tới 80% số người bệnh sau khi khám chữa bệnh tại phòng khám bác sỹ gia đình đã khỏi bệnh, góp phần giảm tải bệnh viện. Theo dự thảo, Đề án phát triển mô hình bác sỹ gia đình sẽ được xây dựng thí điểm tại một số thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cần Thơ.

 
 
Thanh Phương
 
 
Ý kiến của bạn