(BTĐKT)-Mặc dù ngày càng nhiều ngành đào tạo cán bộ y tế đã mở ra nhưng thực tế Việt Nam nhân lực của ngành y vẫn thiếu cả lượng và chất. Tới đây, khi thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực y tế giai đoạn 2012 - 2020 sẽ là công cụ giải bài toán nhân lực y tế.
Thiếu cả lượng và chất
Thống kê các đơn vị đào tạo cho ngành khoa học sức khỏe, cho thấy, Việt Nam hiện có hơn 20 trường ĐH đào tạo nhân lực y tế với các chuyên ngành bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ... 35 trường CĐ y, dược đào tạo điều dưỡng, hộ sinh, dược sĩ..., cùng 44 trường trung cấp và 16 viện, bệnh viện đào tạo sau ĐH. mỗi năm nước ta đào tạo được 6.500 bác sĩ, 2.800 dược sĩ, 5.000 cử nhân điều dưỡng, kỹ thuật y học, y tế công cộng và 5.100 cán bộ y tế có trình độ sau đại học. Chỉ tính riêng số cán bộ y tế trình độ ĐH được đào tạo theo địa chỉ tăng liên tục: Năm 2008 có 1.775 người; năm 2009 là 2.305 người; năm 2010 là 3.617 người và năm 2012 là 3.642 người. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng thừa nhận: Chất lượng đào tạo nhân lực y tế còn nhiều bất cập. Sinh viên, học sinh ngành y ra trường chưa có khả năng làm việc độc lập, chất lượng sản phẩm đào tạo các trường cũng khác nhau...
Sinh viên ngành y cần phải được nâng cao trình độ.
Theo số liệu chung về nhân lực của hệ thống y tế hiện cả nước có khoảng 345.000 nhân viên y tế, trong đó số lượng bác sĩ là trên 55 nghìn người tương đương với tỷ lệ 16,1% tổng số nhân viên y tế và tương ứng với tỷ lệ 7,2 bác sĩ/ 1 vạn dân. Nhìn chung tỷ lệ nhân viện y tế trên vạn dân của Việt Nam cũng được xếp vào nhóm có tỷ lệ cao trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malayxia, Phillippines và tương đương với Indonexia.
Số lượng nhân viên y tế ở địa phương chiếm tỷ lệ: 78,6%; tuyến trung ương: 11,6% và y tế ngành: 9,7% của tổng số nhân viên y tế trên cả nước. Số nhân viên y tế có trình độ cao chủ yếu tập trung ở tuyến trung ương cụ thể: Số nhân viên có trình độ tiến sĩ y ở tuyến trung ương chiếm 70,1%; tiến sĩ dược chiếm 96,3%; thạc sĩ y chiếm 40,1%, thạc sĩ dược chiếm 62,7%, trình độ điều dưỡng - kỹ thuật viên - hộ sinh đại học chiếm 25,4%.
Về số lượng nhân viên y tế ở các bệnh viện đạt tỷ lệ thấp so với quy định chung về định mức biên chế. Tại các bệnh viện lớn, cũng chỉ đạt khoảng 60 - 70% như bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh với 1300 giường bệnh cần 296 bác sĩ, nhưng chỉ có 178 bác sĩ đạt 60%; bệnh viện Nhi đồng 1 số bác sĩ chỉ đạt 67% so với nhu cầu.
Trong khi đó, chất lượng của cán bộ y tế cũng chưa đạt trình độ. Cụ thể như năng lực quản lý của cán bộ lãnh đạo bệnh viện còn chưa đồng bộ, chủ yếu là đội ngũ bác sĩ và chưa qua đào tạo về công tác quản lý, lãnh đạo. Cán bộ y tế phân bổ không hợp lý giữa các tuyến, cán bộ có năng lực chuyên môn cao chủ yếu làm việc ở bệnh viện lớn và ở các thành phố lớn. Trình độ chuyên môn của tuyến dưới đặc biệt là tuyến huyện còn nhiều hạn chế, nhiều cơ sở không đủ bác sĩ, đặc biệt thiếu các bác sĩ chuyên khoa và bác sĩ có trình độ tay nghề cao, nhân lực y tế nhìn chung chưa đáp ứng về số lượng và chất lượng. Cán bộ được đào tạo có trình độ tay nghề cao không muốn về công tác tại tuyến dưới, hoặc từ tuyến dưới có xu hướng chuyển về làm việc tại các bệnh viện tuyến trên.
Cũng theo kết quả của Dự án nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác giáo dục nhân lực y tế tại Việt Nam của trường Đại học Y tế công cộng chỉ ra rằng cán bộ y tế phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở thành thị, vùng kinh tế phát triển với tỷ lệ 60% bác sỹ tập trung ở thành thị trong khi dân số thành thị chỉ chiếm 28,4% dân số cả nước. Tỷ lệ Trạm y tế xã có bác sỹ cao nhất ở vùng Bắc Trung bộ, đồng bằng sông Cửu Long (trên 96%), thấp nhất ở trung du và miền núi phía Bắc (chỉ 32,4%), tỉnh có tỷ lệ thấp nhất là Lai Châu 3,3%. Trung bình cả nước có 10,4 điều dưỡng/10.000 dân số; chất lượng yếu, chủ yếu là trình độ sơ cấp, trung cấp; phân bố không đều. Số lượng cán bộ y tế dự phòng ở tuyến tỉnh chỉ bằng 2/3 nhu cầu và tuyến huyện chỉ bằng 1/2 nhu cầu... Qua đó cho thấy, nhân lực y tế nước ta đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng (khoảng 25% có trình độ đại học trở lên); phân bố không đồng đều, nhất là ở các tuyến khám chữa bệnh ban đầu, các vùng khó khăn, nông thôn và các lĩnh vực y tế dự phòng, chuyên khoa lao, tâm thần...
2015: 12 bác sỹ/10.000 dân
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành y tế, thời gian qua ngành y tế đã triển khai nhiều loại mô hình đào tạo, phương thức đào tạo. Tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập đều tăng qui mô đào tạo, bên cạnh đó là các cơ sở đào tạo ngoài công lập cũng tham gia vào công tác đào tạo nhân lực y tế trình độ trung cấp, cao đẳng và cử nhân. Cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đang đối mặt với các thách thức về nhân lực y tế bị thiếu hụt, mất cân đối về cơ cấu và phân bố vùng miền...
Đội ngũ y, bác sĩ trẻ cần có chuyên môn cao và làm việc độc lập.
Vì vậy, ngành y tế đã xây dựng và thực hiện đề án "Quy hoạch phát triển nhân lực y tế giai đoạn 2012 - 2020" tập trung vào việc phát triển nhân lực y tế đủ về số lượng, chất lượng, cơ cấu và phân bố hợp lý, đồng thời nâng cao năng lực quản lý điều hành nhân lực y tế; xây dựng chế độ, chính sách môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ hợp lý cho nhân lực y tế, đặc biệt là ở các vùng miền núi, khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và một số lĩnh vực kém có sức hút nguồn nhân lực. Ước tính nhu cầu nhân lực y tế đến năm 2015, Việt Nam cần tới 444.500 người, với số thực trạng hiện nay cần bổ sung là 14.252 nhân lực. Trong đó bác sỹ là 29.500; dược sỹ là 15.550 và điều dưỡng (đại học và Trung cấp) là 57.270.
Theo Quy hoạch phát triển nhân lực y tế giai đoạn 2012 - 2020, sẽ có 8 bác sĩ/10.000 dân vào năm 2015 và 12 bác sĩ/10.000 dân vào năm 2020; 1,5 dược sĩ đại học/10.000 dân vào năm 2015 và 2 dược sĩ đại học/10.000 dân năm 2020; 20 điều dưỡng từ trung cấp trở lên/10.000 dân vào năm 2015 và 25 điều dưỡng/10.000 dân vào năm 2020. Tổng cộng ngành y tế sẽ phấn đấu có 52 nhân viên y tế (tất cả các chuyên ngành)/10.000 dân. Đồng thời thành lập 2 đại học Khoa học sức khoẻ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở trường đại học Y Hà Nội và đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh...
Ngay tại Thủ đô Hà Nội, nơi tập trung nhiều bệnh viện trung ương, bộ ngành cũng đã thực hiện Quy hoạch y tế Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020. Trong giai đoạn này, Hà Nội sẽ xây mới 25 bệnh viện công lập, với tổng số 8.850 giường bệnh, ngoài ra còn xây mới 1 bệnh viện y học cổ truyền; 3 bệnh viện cấp cứu; 9 trạm cấp cứu vệ tinh. Chỉ tính riêng nguồn nhân lực để đáp ứng cho 25 bệnh viện, ngành y tế còn thiếu tới 4.000 bác sỹ, 1.000 dược sỹ. Tổng số cán bộ nhân viên y tế còn thiếu là 18.000 người. Đồng thời, để thu hút nhân lực y tế, đặc biệt là bác sỹ cho các bệnh viện ngoại thành. Sở đã có các đề án đào tạo nhân lực cho ngành y tế tại các trường TƯ đóng trên địa bàn và đang xin cơ chế hỗ trợ cho sinh viên các trường Đại học Y về công tác tại Hà Nội; đề xuất tuyển dụng bác sỹ cho ngành y tế Hà Nội không cần phải có hộ khẩu Hà Nội; bác sỹ làm việc ở ngoại thành không cần qua thi tuyển, được hỗ trợ kinh phí đi lại, chỗ ăn ở...
Phương Thanh