25 năm tiêm chủng mở rộng: Những việc làm “thầm lặng”

 9652 lượt xem
(BTĐKT) -Ngày 19/12 tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị tổng kết 25 năm tiêm chủng mở rộng do Bộ Y tế tổ chức. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới dự. 

 Trải qua 25 năm thực hiện, ngành Y tế đã hoàn thành xuất sắc những mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình tiêm chủng mở rộng, thực hiện đầy đủ các mục tiêu cam kết quốc tế về tiêm chủng mở rộng. Hoạt động tiêm chủng mở rộng đã được triển khai ở 100% xã, phường trong cả nước, ngay cả ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đã thực hiện tiêm chủng miễn phí cho trẻ em và phụ nữ có thai 11 loại vắc-xin phòng bệnh. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi và tiêm vắc-xin uốn ván cho phụ nữ có thai liên tục được duy trì ở mức cao trên 90% qua nhiều năm. Việt Nam đã thực hiện thành công cam kết với cộng đồng quốc tế như: thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005, hiện đang tiến gần đến mục tiêu loại trừ bệnh sởi và khống chế bệnh viêm gan B. Nhằm bảo đảm nguồn vắc-xin phục vụ chương trình, Việt Nam đã tự sản xuất được 10 trong số 11 loại vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Để giữ vững thành quả đã đạt được trong 25 năm thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng, trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động và thực hiện các mục tiêu: Tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong việc vận động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, các tổ chức trong nước và nước ngoài, cộng đồng và người dân đối với Chương trình tiêm chủng mở rộng; xây dựng lộ trình bảo đảm tính bền vững của Chương trình từ nguồn ngân sách Nhà nước và địa phương cũng như từ chính sự đóng góp của người dân để tạo nguồn kinh phí ổn định cho Chương trình trong bối cảnh nguồn viện trợ quốc tế có xu hướng giảm dần; bảo đảm duy trì thường xuyên tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 90% trên quy mô huyện; tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực hệ thống giám sát dịch tễ và năng lực các phòng thí nghiệm chuẩn thức quốc gia; xây dựng kế hoạch và lộ trình để nâng cao và giữ vững tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ, bảo đảm chất lượng tiêm chủng cho đối tượng ở miền núi, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có nhiều di dân biến động.
 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại lễ tổng kết.
 
Phát biểu lại lễ tổng kết, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương những đóng góp của đội ngũ cán bộ y tế dự phòng, tiêm chủng mở rộng, đã không quản khó khăn, vất vả, ngày đêm tận tụy bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
 
Chủ tịch nước nhấn mạnh, phòng bệnh kém thì dịch bệnh sẽ phát triển, bệnh tật phát sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe gây tốn kém cho bản thân, gia đình và xã hội. Vì vậy, mặc dù “thầm lặng” hơn các hoạt động trực tiếp khám, chữa, điều trị cho người bệnh, nhưng ý nghĩa kinh tế - xã hội của hoạt động y tế dự phòng là rất lớn. Chủ tịch mong muốn ngành Y tế, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm làm tốt hơn nữa công tác y tế dự phòng; tuyên truyền, vận động sự tham gia tích cực, tự giác của các tầng lớp nhân dân; thực hiện tốt phương châm “phòng bệnh là chính”. 
 
K. T
 
 
Ý kiến của bạn