Hà Giang: Đổi mới phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và nhân rộng gương điển hình tiên tiến

 9991 lượt xem
(BTĐKT)-Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang còn gặp nhiều khó khăn thách thức, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của các bộ, ngành, đoàn thể trung ương cùng với tinh thần thi đua yêu nước, phát huy nội lực, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, Hà Giang đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực đẩy mạnh kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Để đạt được những thành tựu trên chính là do có sự đóng góp tích cực của các phong trào thi đua yêu nước, của từng tập thể, từng cá nhân xuất sắc và các gương điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực. 

Sôi nổi các phong trào thi đua

Hưởng ứng các phong trào thi đua của UBND tỉnh, các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn đã có nhiều đổi mới trong hoạt động thi đua, tổ chức nhiều phong trào thi đua với tinh thần thi đua cao nhất, khắc phục mọi khó khăn, phát huy tính chủ động sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị, góp phần thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu thi đua của tỉnh. Nội dung thi đua được gắn kết với thực hiện các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đấu tranh phòng chống tham nhũng”…; hình thức thi đua được đổi mới, mở rộng: Thi đua theo chuyên đề, thi đua theo đợt, thi đua ngắn ngày, thi đua lập thành tích chào mừng ngày kỷ niệm, ngày truyền thống; khẩu hiệu thi đua sát thực, đi vào lòng người. 
 
Trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, Hà Giang đã tổ chức tốt các phong trào thi đua như: Phong trào xây dựng “Cánh đồng mẫu, cánh đồng thâm canh”, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phong trào thi đua làm kinh tế trang trại, phong trào nông dân sản xuất giỏi, phong trào xoá đói giảm nghèo, giúp nhau làm kinh tế và gần đây là phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào phát triển cây vụ đông. Kết quả từ các phong trào thi đua đó đã xuất hiện nhiều mô hình điểm, mô hình tiên tiến, nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giúp hàng ngàn hộ nông dân khác thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng. Thông qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương dám nghĩ, dám làm, vượt qua khó khăn vươn lên xây dựng kinh tế gia đình và giúp các hộ nghèo khác, tiêu biểu như: Ông Hoàng Thế Rụ - Yên Hà, Quang Bình; ông Cáo Sào Dỉ - Quyết Tiến, Quản Bạ; ông Phạm Quang Lân - Vĩnh Hảo, Bắc Quang; bà Giàng Thị Hoa - Pả Vi, Mèo Vạc; bà Hoàng Thị Va - Nà Chì, Xín Mần…
 
Tham gia phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, qua quá trình triển khai, nhiều cách làm hay, sáng tạo đã xuất hiện. Đó là xây dựng nông thôn mới với phương châm “Việc dễ làm trước, việc khó làm sau”, “Việc tốn ít tiền làm trước, việc tốn nhiều tiền làm sau”, “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; tạo ra phong trào tự đổi mới trong từng thôn bản, vận động các hộ gia đình thay đổi cách làm ăn, cách suy nghĩ, tìm ra cách hỗ trợ như: Nhận khoán, đổi công nhau; dựa vào sức dân, đặc thù vùng miền để tìm cách làm, cách áp dụng thực tiễn cho hướng đi mới ở nông thôn miền núi. Điển hình như: Xã Phương Thiện - TP Hà Giang, tổ chức triển khai rộng rãi mô hình chấm điểm trong xây dựng nông thôn mới đến 100% các thôn, bản, tạo được bầu không khí sôi nổi, phấn khởi và dân chủ trong quần chúng nhân dân đúng với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; xã Việt Lâm - Vị Xuyên, xã Thông Nguyên - Hoàng Su Phì tập trung thực hiện phát triển các mô hình kinh tế. Đặc biệt với tinh thần thi đua “Việc làng đất vàng cũng hiến” nhiều hộ gia đình đã tự nguyện hiến đất vườn, đất ruộng để xây dựng công trình phúc lợi tại địa phương. Tiêu biểu như các hộ gia đình: Ông Nguyễn Văn Y - thôn Tân Thành (Quang Minh, Bắc Quang) hiến 700m2 đất, ông Lý Chòi Quyền - Thôn Phìn Hồ (Thông Nguyên, Hoàng Su Phì) hiến trên 500 m2 đất để xây nhà văn hóa, ông Hoàng Văn Hồng - thôn Nà Ràng (Yên Phong, Bắc Mê) hiến 215m2 đất…
 
Bên cạnh đó, Hà Giang tiếp tục duy trì đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, phong trào thi đua “Dạy tốt- học tốt ”, phong trào thi đua “Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân” gắn với thực hiện các cuộc vận động của Đảng, của địa phương và của ngành, tạo không khí đổi mới trong thực hiện nếp sống mới, chấn chỉnh kỷ cương đạo đức, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Nhiều cách làm mới được tổ chức thực hiện như: Xã hội hóa công tác giáo dục, tăng cường mối liên kết giữa nhà trường - gia đình và học sinh; luân chuyển tăng cường bác sĩ về thôn bản; xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển làng nghề truyền thống... Nhiều tấm gương tiêu biểu được tập thể suy tôn, nêu gương học tập như: Thầy thuốc nhân dân Trần Đức Quý; cô giáo vùng cao Tải Thị Dỉ - Trường Mầm non Nà Chì, Xín Mần; học sinh giỏi toàn diện em Tạ Thị Thu Thảo - Trường THPT Chuyên; gương điển hình trong thực hiện mối đoàn kết cộng đồng xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư: ông Hầu Seo Phù - Nậm Ty, Hoàng Su Phì...
 
Phong trào thi đua Quyết thắng được đẩy mạnh với khẩu hiệu “Luyện giỏi – rèn nghiêm”, với các đợt thi đua đột kích thực sự là đòn bẩy thúc đẩy các hoạt động nâng cao trình độ và sức chiến đấu, xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; lực lượng công an nhân dân phát huy tốt phong trào “Vì an ninh Tổ quốc”, phong trào  “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với phong trào “Học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân”, với khẩu hiệu “Mỗi ngày làm một việc tốt vì nhân dân”, tăng cường bám nắm cơ sở, xây dựng thế trận an ninh vững chắc, chủ động phòng ngừa và kiên quyết tấn công trấn áp tội phạm, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Trong thực hiện phong trào thi đua của lực lượng vũ trang đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo như: Sáng kiến “Thử nến điện” của Ban Xe máy - Phòng Kỹ thuật, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh; mô hình “Dân vận khéo” của lực lượng công an; mô hình “Xây dựng thôn văn hoá quốc phòng” của xã Ma Lé, huyện Đồng Văn; các mô hình “Tiếng mõ an ninh”, “Chiếc gậy an toàn” trong thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”... cùng nhiều gương điển hình cá nhân như: Trung tá Lê Văn Thắng - Trưởng Ban xe máy, Phòng Kỹ thuật, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh; Thượng úy Phan Anh Toản - Trợ lý kế hoạch tổng hợp, Phòng Trinh sát, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Thượng úy Giàng Mí Xá - Công an huyện Đồng Văn; ông Nguyễn Văn Quynh - Trưởng Ban bảo vệ dân phố phường Nguyễn Trãi, TP Hà Giang… 
 
Đẩy mạnh xây dựng, biểu dương và nhân rộng gương điển hình tiên tiến
 
Điển hình tiên tiến là một trong những nhân tố quan trọng, làm nòng cốt cho các phong trào thi đua. Phong trào thi đua mà không có điển hình tiên tiến thì phong trào đó không có sức sống và ngược lại, có điển hình tiên tiến mà không có phong trào thi đua thì những điển hình đó cũng không có cơ hội được tôn vinh, nhân rộng để mọi người biết và học tập. Chính vì vậy, công tác phát hiện, bồi dưỡng xây dựng gương điển hình tiên tiến đã được lãnh đạo các cấp, các ngành  trên địa bàn tỉnh Hà Giang quan tâm, kịp thời động viên biểu dương khen thưởng và nhân rộng các nhân tố mới thông qua các hoạt động như: Nêu gương học tập trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức hội nghị biểu dương gương điển hình, tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm giữa các đơn vị trong khối thi đua. Đồng thời thực hiện tốt thẩm quyền khen thưởng như: Gửi thư khen, quyết định khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng. Liên đoàn Lao động tỉnh duy trì tổ chức Hội nghị Lao động giỏi trong công chức, viên chức, lao dộng giai đoạn 5 năm/lần, Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội nghị biểu dương nông dân sản xuất giỏi; Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày hội biểu dương gương sáng trong giảng dạy và học tập; Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng kế hoạch lựa chọn đơn vị điểm, phát hiện và bồi dưỡng các điển hình tiên tiến, chú trọng vào những đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lao động, sản xuất, công tác ở những nơi khó khăn, phức tạp, vùng sâu, vùng xa, biên giới… Mới đây, ngày 16/11/2012, tỉnh Hà Giang đã long trọng tổ chức Hội nghị biểu dương gương điển hình tiên tiến tỉnh Hà Giang lần thứ nhất giai đoạn 2007 - 2012. Đây là hội nghị rất quan trọng, diễn ra trong thời điểm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đang thi đua nước rút sớm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 đã đề ra. 
 
Với tinh thần “Đoàn kết, đổi mới, trách nhiệm, hiệu quả ”, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao của các cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự phối hợp thực hiện của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể cùng với sự hưởng ứng của mọi tầng lớp nhân dân, phong trào thi đua và công tác khen thưởng trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã có nhiều đổi mới, nhận thức của lãnh đạo địa phương, đơn vị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới đã có bước chuyển biến. Mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi cá nhân lãnh đạo và mọi tầng lớp cán bộ, nhân dân đã nêu cao trách nhiệm của mình trong công tác lãnh chỉ đạo cũng như tham gia thực hiện các phong trào thi đua. Công tác phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng gương điển hình được quan tâm chú trọng, ảnh hưởng tích cực đến kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang. 
 
Có thể nói, sức mạnh của việc đổi mới phong trào thi đua và công tác biểu dương khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến đã trở thành động lực góp phần vào việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng và trật tự an toàn xã hội của Hà Giang trong những năm qua./.
 
Thanh Hương
 

Cột cờ Lũng Cú - Hà Giang, điểm cực Bắc của Việt Nam.
 
 
Ý kiến của bạn