Bắc Giang: 133 làng, bản, tổ dân phố được đề nghị công nhận đạt danh hiệu văn hoá cấp tỉnh

 8625 lượt xem
Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) tỉnh Bắc Giang vừa tổ chức hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo phong trào năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013. 

Năm 2012, phong trào TDĐKXDĐSVH tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành và sự ủng hộ của nhân dân. BCĐ phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh và các ngành thành viên đã nỗ lực chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện có hiệu quả phong trào theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng và đạt kết quả tích cực trên các lĩnh vực, góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. 

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến. Các phong trào xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, phát triển văn nghệ quần chúng; xây dựng làng, bản, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”… được triển khai sâu rộng. Kết quả, toàn tỉnh có 340.494 hộ gia đình văn hóa đạt 83,1% (tăng 1,9% so với năm 2011). 
 
Tại hội nghị, các thành viên Ban chỉ đạo tỉnh đã thống nhất đề nghị công nhận 133 làng, bản, tổ dân phố văn hóa cấp tỉnh năm 2012; 221 cơ quan, 705 đơn vị và 99 doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 14 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 5 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
 
Tuy nhiên, việc đăng ký danh hiệu văn hóa tại một số địa phương có biểu hiện hình thức, chạy theo thành tích, số lượng. Tình trạng sinh con thứ ba, tổ chức đám cưới, tang, chúc thọ còn rườm rà, tốn kém, lãng phí và có biểu hiện phô trương ở một số nơi. Tình hình tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp, tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên, thanh niên có xu hướng tăng… 
 
Phát huy kết quả đạt được, năm 2013 Phong trào TDĐKXDĐSVH tiếp tục đẩy mạnh theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn hóa công sở, văn minh đô thị và trong việc cưới, việc tang, lễ hội. 
 
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình; vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện phong trào, góp phần thiết thực xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ. 
 
Phấn đấu 82% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, trong đó có 15% gia đình văn hóa ở nông thôn đạt kinh tế phát triển khá từ sản xuất nông nghiệp hàng hóa; 60% làng, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, trong đó có 15% làng văn hóa đạt chuẩn về cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn mới; 70% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 15% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 10% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị…
 
 
Ý kiến của bạn