Ý nghĩa của đợt thi đua cao điểm “Âm vang Điện Biên Phủ trên không” trong các hoạt động chào mừng kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”

 10905 lượt xem
(BTĐKT)-Thực hiện Quyết định số 1181/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổ chức các hoạt động kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã có văn bản hướng dẫn cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương tham mưu, tổ chức phát động đợt thi đua cao điểm chào mừng kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2012) với chủ đề “Âm vang Điện Biên Phủ trên không” từ ngày 19/11 đến ngày 28/12/2012, nhằm phát huy cao độ ý chí, tinh thần, nghị lực và tính tự chủ, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng, người lao động trong thực hiện nhiệm vụ chính trị trên các lĩnh vực công tác, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng năm 2012 và làm tiền đề cho việc triển khai, tổ chức phong trào thi đua quyết thắng năm 2013. 

Ngay sau khi Ban Tổ chức cấp Nhà nước triển khai nhiệm vụ, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã ban hành văn bản số 1837/BTĐKT-VIII ngày 01 tháng 10 năm 2012 hướng dẫn Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các Bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và các địa phương đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, gắn với thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2012. Ngày 12 tháng 11 năm 2012, theo chỉ đạo của Ban Tổ chức cấp Nhà nước, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tiếp tục xây dựng, ban hành hướng dẫn số 2067/BTĐKT-VIII về khen thưởng tổng kết các hoạt động chào mừng kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.  

Tại Hà Nội, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành kế hoạch về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng Sở, ngành, quận, huyện nhằm đạt kết quả đồng bộ trong các hoạt động, tập trung vào các nhóm hoạt động lớn: Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục truyền thống; văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tu bổ tôn tạo di tích; các hoạt động hội thảo, gặp mặt, giao lưu, đền ơn đáp nghĩa; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông phục vụ kỷ niệm… và chỉ đạo các cơ quan, bộ phận trực thuộc tổ chức thực hiện những nội dung công việc được giao. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố cũng ban hành Kế hoạch số 40/KH-MTHN về tổ chức các hoạt động kỷ niệm, triển khai tới hệ thống Mặt trận và các đoàn thể thành phố tổ chức đợt sinh hoạt chuyên đề về kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa, tham gia bảo vệ, tôn tạo các di tích trên địa bàn liên quan đến chiến thắng B.52.
 
Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng tổ chức lễ phát động thi đua cao điểm trong toàn quân với chủ đề "Âm vang Điện Biên Phủ trên không" vào ngày 12-11, tại Trung đoàn 921, Sư đoàn Không quân 371 (Quân chủng Phòng không - Không quân), nhằm động viên toàn lực lượng quân đội lập nhiều thành tích chào mừng kỷ niệm 40 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" và quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao năm 2012 gắn với chào mừng kỷ niệm 66 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2012), 68 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2012); tạo đột phá giải quyết dứt điểm khâu yếu, mặt yếu, làm chuyển biến thực sự tình hình cơ quan, đơn vị. Trong đó, với lực lượng quân đội tập trung thực hiện tốt "4 nhất, 1 không": Đó là sẵn sàng chiến đấu cao nhất; huấn luyện, diễn tập, lao động sản xuất, kinh doanh, tổng kết nhiệm vụ năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013 đạt chất lượng tốt nhất; chấp hành kỷ luật và duy trì chế độ chính quy nghiêm nhất; tham gia giúp dân, thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, chính sách hậu phương quân đội hiệu quả nhất và không để xảy ra vi phạm kỷ luật, mất an toàn trong mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị. 
 
Hưởng ứng lễ phát động, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã cụ thể hóa các nội dung cho phù hợp với đặc điểm, tình hình của đơn vị, xây dựng kế hoạch, xác định nội dung, chỉ tiêu, biện pháp và tổ chức thi đua cụ thể, sát với đặc điểm tình hình, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; nhiều đơn vị tổ chức phát động, ký kết giao ước thi đua trang trọng, mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, để lại dấu ấn tốt đẹp.
 
Từ ngày 12 đến 15-11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nam Định, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Công ty 75 - Binh Đoàn 15... đã phát động đợt thi đua cao điểm “Âm vang Điện biên phủ trên không”. Các đơn vị đã quán triệt đến mỗi cán bộ, chiến sĩ những nội dung thi đua sát với chương trình hành động, nhằm giáo dục cán bộ chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng về truyền thống, ý nghĩa của chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, xây dựng đơn vị nề nếp chính quy, không để xảy ra vi phạm kỷ luật, mất an toàn giao thông… Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và lời dạy của Bác Hồ đối với Bộ đội Biên phòng” gắn với cuộc vận động “Phát huy truyền thống, giữ vững kỷ cương, sống có tình thương, đề cao trách nhiệm”. Thực hiện nghiêm các đợt sinh hoạt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); phát huy hiệu quả phong trào “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”; tích cực tham gia củng cố cơ sở chính trị, quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng các công trình dân sinh, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chính sách hậu phương quân đội trên địa bàn biên giới.
 
Sư đoàn 302 (Quân khu 7) tổ chức mít tinh kỷ niệm 40 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" và tổng kết phong trào thi đua "Âm vang Điện Biên Phủ trên không" với nội dung "4 nhất, 1 không". Mặc dù thời gian triển khai chỉ hơn 01 tháng nhưng trong thực hiện, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã chú trọng phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, sĩ quan, đảng viên. Trong đợt thi đua, cán bộ, chiến sĩ chấp hành nghiêm kỷ luật, kết quả huấn luyện 100% khoa mục khá, giỏi. Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ đã xây dựng được 32 công trình phục vụ sinh hoạt học tập của bộ đội; Học viện Kỹ thuật Quân sự đã tổ chức chương trình giao lưu với các nhân chứng đã trực tiếp chứng kiến và tham gia chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử cuối năm 1972 với chủ đề "Âm vang Điện Biên Phủ trên không"….. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai phát động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật chào mừng 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
 
Tại thành phố Hà Nội đã tổ chức đợt thi đua cao điểm của quân và dân Thủ đô Hà Nội chào mừng 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Triển khai các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trưng bày, triển lãm bảo bàng, tu bổ, khôi phục di tích lịch sử như: Tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “40 năm Điện Biên Phủ trên không - Bản hùng ca thời đại”; tổ chức vận động sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật, biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền về Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Tổ chức cầu truyền hình trực tiếp “Bản hùng ca Hà Nội”; phối hợp với Quân chủng Phòng không - Không quân khảo sát, tiến hành tu bổ, nâng cấp các di tích nơi máy bay B.52 rơi, đưa vào phục vụ khách thăm quan; phối hợp với Bảo tàng Chiến thắng B.52 tổ chức trưng bày gần 1.000 hiện vật triển lãm tuyên truyền về sự kiện; chuẩn bị hàng nghìn phần quà tặng cựu chiến binh và các gia đình chính sách. Tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, gặp mặt nhân chứng lịch sử, giao lưu cho học sinh, sinh viên tại các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, lồng ghép trong các nội dung sinh hoạt Đoàn, Hội, Đội về Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
 
Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành  phố miền Trung, phía Nam đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm gắn với tuyên truyền sâu rộng về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên chiến trường miền Nam, góp phần chia lửa với quân và dân miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Trong đó Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh đã chủ trì, phối hợp với Đài truyền hình thành phố Hà Nội, VTV2 Đài truyền hình Việt Nam tổ chức 02 điểm cầu chương trình giao lưu “Huyền thoại Hà Nội - Điện Biên phủ trên không”, đây là chương trình có sự đầu tư công phu và có ý nghĩa tuyên truyền giáo dục tốt; phối hợp với Quân chủng Phòng không - Không quân xây dựng kịch bản chương trình “Hà Nội 12 ngày đêm, chuyện bây giờ mới kể”.
 
Các tỉnh, thành phố miền Bắc (nhất là những địa phương trực tiếp tham gia chiến đấu 12 ngày đêm) đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền trực quan trên các tuyến chính và các khu trung tâm; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao; tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử liên quan tới chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ trên không. Tiêu biểu: Thành phố Hải Phòng phối hợp với Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không”; Đài truyền hình tỉnh Thái Nguyên chủ động sản xuất bộ phim tài liệu “Đất thép với 40 năm Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên phủ trên không”.
 
Các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, mở các chuyên trang, chuyên mục, xây dựng và phát sóng các phim tài liệu về 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Kịp thời phản ánh hoạt động và kết quả, gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong đợt thi đua cao điểm, góp phần cổ vũ, động viên, thúc đẩy phong trào hành động cách mạng trong cơ quan, đơn vị.
 
Có thể nói rằng, đợt thi đua cao điểm "Âm vang Điện Biên Phủ trên không" là một trong những hoạt động trọng điểm của phong trào thi đua Quyết thắng của toàn quân trong năm 2012; cũng là đợt hoạt động cao điểm, trọng tâm trong các phong trào thi đua yêu nước của quân và dân Thủ đô Hà Nội và cả nước trong những tháng cuối năm 2012, đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai rất chủ động, bài bản, thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân và sự tham gia tích cực của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trong quân đội. Thông qua đợt thi đua cao điểm đã tạo khí thế thi đua sôi nổi, phấn khởi trong các địa phương và các cơ quan, đơn vị, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị năm 2012. Qua đó, góp phần tiếp tục giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc, của Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí cách mạng tiến công, trí thông minh, lòng dũng cảm, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 
 
Ý kiến của bạn