Ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng năm 2013

 13989 lượt xem
Ngày 22 tháng 12 năm 2012 tại Hà Nội, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng năm 2013 và đánh giá tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị. 

Sau khi nghe Báo cáo tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2012, báo cáo đánh giá một năm thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và phát biểu tham luận của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát biểu ý kiến đánh giá kết quả thực hiện công tác thi đua, khen thưởng năm 2012 và chỉ đạo nội dung công tác thi đua, khen thưởng năm 2013 như sau:

Năm 2012 trong điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước còn nhiều khó khăn, song thực hiện lời dạy của Bác “Càng khó khăn thì càng phải thi đua” công tác thi đua, khen thưởng trong năm vừa qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vượt qua khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012. Các phong trào thi đua được phát động và triển khai rộng khắp đã được đông đảo nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia, góp phần động viên sức mạnh của toàn dân và của cả hệ thống chính trị vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã thực sự đi vào cuộc sống,  được các cấp, các ngành và nhân dân nhiệt tình ủng hộ, tích cực tham gia, tạo khí thế thi đua sôi nổi góp phần làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Nhiều địa phương đã có những cách làm hay, huy động được mọi nguồn lực tham gia vào triển khai, thực hiện phong trào. Công tác tuyên truyền, biểu dương các điển hình tiên tiến được đẩy mạnh, thông qua nhiều hoạt động thiết thực như các phương tiện truyền thông mở các chuyên mục, phóng sự tuyên truyền gương người tốt, việc tốt; lãnh đạo Đảng, Nhà nước tổ chức gặp mặt, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trên tất cả các lĩnh vực…; qua đó, các điển hình tiên tiến  được tôn vinh và nêu gương học tập, tạo được sự lan tỏa trong xã hội. Chất lượng khen thưởng được nâng lên, bảo đảm việc khen thưởng chặt chẽ, chính xác, kịp thời và hướng đến người lao động trực tiếp. Trong năm 2012, tỷ lệ khen thưởng cho người trực tiếp lao động, sản xuất cao hơn nhiều so với các năm trước (trên 50% các tỉnh, thành phố có tỷ lệ khen thưởng cho người lao động trực tiếp cao). Bộ máy tổ chức và cán bộ thi đua, khen thưởng được kiện toàn và đi vào ổn định; cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng đã chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng có hiệu quả, thiết thực hơn.  
 
Tóm lại, năm 2012 với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành nên đã huy động được cả hệ thống chính trị trong việc tổ chức, triển khai các phong trào thi đua; làm tốt công tác tuyên truyền, nhân rộng gương điển hình tiên tiến; thực hiện dân chủ trong bình xét thi đua; khen thưởng kịp thời và hướng đến người lao động trực tiếp; tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành trong triển khai, thực hiện công tác thi đua, khen thưởng; quan tâm đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, công tác thi đua, khen thưởng trong năm qua vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục, như: một số phong trào thi đua còn mang tính hình thức do đó không phát huy được hiệu quả của phong trào; trong khen thưởng còn tình trạng nể nang và vẫn còn có nơi khen nhiều cho cán bộ lãnh đạo, quản lý; một số tập thể, cá nhân được khen thưởng nhưng tính nêu gương, lan tỏa chưa cao; công tác phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, chưa quan tâm tới việc bồi dưỡng và tạo điều kiện để các điển hình phát huy tác dụng.  
 
Về nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng năm 2013, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương chỉ đạo: Năm 2013 là năm bản lề thực hiện kế hoạch 5 năm (2011-2015) theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, kỷ niệm 65 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2013), cũng là năm sẽ còn có nhiều khó khăn, thách thức đối với sự phát triển của đất nước. Hơn lúc nào hết, tất cả các cấp, các ngành cần đoàn kết tạo sức mạnh tổng hợp, phát huy nội lực, tập trung sức mạnh hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2013. Vì vậy, chủ đề của phong trào thi đua năm 2013 là “Đồng thuận cao, thi đua giỏi, về đích sớm”. Để đạt được mục tiêu trên, công tác thi đua, khen thưởng cần tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau đây:
 
1. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức, tư tưởng của các cấp ủy đảng, chính quyền, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức từ Trung ương đến địa phương trong triển khai, thực hiện công tác thi đua, khen thưởng. 
 
2. Tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong các cấp, các ngành, trước hết là trong đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng và toàn thể nhân dân theo tinh thần thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “người người thi đua, ngành ngành thi đua”. 
 
3. Chú trọng phát động các phong trào thi đua một cách thiết thực, hiệu quả; không nên cùng lúc phát động nhiều phong trào thi đua mà cần chọn phong trào mang tính trọng tâm, trọng điểm để phát động và tránh tính hình thức. Đối với phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” các cấp, các ngành cần tổ chức thực hiện có hiệu quả, tăng cường giao lưu học hỏi và trao đổi kinh nghiệm; tập trung nguồn lực, nhân rộng cách làm hay, các điển hình tiên tiến và đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cả nước, góp phần xây dựng nông thôn ngày càng phát triển.  
 
4. Nâng cao hơn nữa chất lượng khen thưởng để khắc phục tình trạng khen thưởng tràn lan; thực hiện dân chủ trong bình xét các danh hiệu thi đua; chú trọng khen thưởng cho các đơn vị cơ sở nhỏ, người lao động trực tiếp và phát hiện điển hình tiên tiến thông qua các phong trào thi đua để khen thưởng kịp thời. 
 
5. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, biểu dương các gương điển hình tiên tiến; tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành trong biểu dương, khen thưởng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; các cơ quan thông tin đại chúng cần tăng thời lượng tuyên truyền, biểu dương gương người tốt, việc tốt nhằm tạo sự lan tỏa trong cộng đồng và xã hội. 
 
6. Củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp. Lãnh đạo các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa tới việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ thi đua, khen thưởng thông qua việc giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao tinh thần trách nhiệm và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. 
 
7. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện công tác thi đua, khen thưởng tại các bộ, ngành, địa phương; trên cơ sở đó nắm sát hơn tình hình phong trào và việc tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng, phát hiện những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc để có biện pháp trong chỉ đạo, đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. 
 
Trên đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng năm 2013./. 
 
 
Ý kiến của bạn