An Ninh (Tiền Hải) là vùng quê có bề dày truyền thống yêu nước và cách mạng. Nhiều địa danh, con người đã được ghi vào lịch sử của địa phương và đất nước. Phát huy truyền thống vẻ vang đó, Đảng bộ xã An Ninh tiếp tục lãnh đạo nhân dân vững bước đi lên trong sự nghiệp CNH, HĐH và xây dựng nông thôn mới, thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp đề ra.
Chỉnh trang đồng ruộng tại An Ninh theo chương trình xây dựng nông thôn mới.
Từ 3 làng: Trình Nhất, Trình Nhì và Trình Trung, ngày nay An Ninh chia thành 5 thôn, với hơn 2.000 hộ, 7.600 nhân khẩu. Đảng bộ cũng ngày càng phát triển, hiện nay có 309 đảng viên, sinh hoạt tại 8 chi bộ (5 thôn, 3 trường học). Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, những năm gần đây, An Ninh vẫn là một trong số xã đi đầu nhiều phong trào của huyện. Năm 2012 mặc dù có nhiều khó khăn, thử thách đặt ra nhưng Đảng bộ An Ninh vẫn vững vàng chèo lái, đưa phong trào đi lên. Về kinh tế, tổng giá trị sản xuất toàn xã đạt 156 tỷ đồng, bằng 106% so với kế hoạch cả năm; các thành phần kinh tế phát triển đồng đều, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 46 tỷ đồng, giữ tốc độ tăng trưởng trên 7%, chiếm tỷ trọng 29,5%; CN - TTCN đạt 49 tỷ đồng, chiếm 31,4%; thương mại - dịch vụ đạt 61 tỷ đồng, chiếm 39,1%. Thu nhập bình quân đầu người là một trong số xã cao nhất huyện, đạt 20,76 triệu đồng/người/năm.
Cùng với lãnh đạo phát triển kinh tế, Đảng bộ xã còn chú trọng lãnh đạo phát triển văn hóa - xã hội. Hai trường tiểu học và THCS đang phấn đấu để sớm đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. 4/5 thôn đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa. Các chế độ của Nhà nước đối với đối tượng chính sách được thực hiện nghiêm túc, công tác an ninh - quốc phòng vẫn giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền được Đảng bộ chú trọng thường xuyên. Đặc biệt, trong đợt học tập, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Đảng bộ An Ninh tổ chức thực hiện rất nghiêm túc, sau kiểm điểm đã xử lý kỷ luật 4 đảng viên (1 cách chức, 1 cảnh cáo, 2 khiển trách). Là 1 trong 8 xã được tỉnh chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, các tầng lớp nhân dân trong xã phấn khởi đón nhận chủ trương của Đảng và Nhà nước một cách tự giác. Chính vì vậy, nhiều việc quan trọng như các quy hoạch khu trung tâm, vùng sản xuất, giao thông thủy lợi nội đồng... được nhân dân đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia đóng góp ý kiến. Ba năm qua, An Ninh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong đó, khu trung tâm xã đã xây dựng được 7 công trình với tổng số vốn 12,873 tỷ đồng (vốn đối ứng của địa phương đạt 9,828 tỷ đồng, vốn tỉnh hỗ trợ 3,045 tỷ đồng).
Nhân dân An Ninh, trong đó đảng viên và gia đình đảng viên gương mẫu đi đầu trong việc hiến đất làm đường giao thông, thủy lợi. Nhiều gia đình cán bộ, đảng viên phối hợp với chính quyền kêu gọi con em làm ăn ngoài địa phương hướng về quê hương đóng góp tiền, của xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới. Từ kinh nghiệm lãnh đạo và vận động quần chúng qua nhiều thời kỳ cách mạng, Đảng bộ An Ninh đã tạo sự đồng thuận trong nhân dân thực hiện dồn điền đổi thửa. Đến nay công việc khó khăn này đã hoàn thành tốt đẹp tạo điều kiện cho toàn xã chỉnh trang ruộng đồng, chuẩn bị sản xuất vụ xuân 2013 thuận lợi.
Cũng đến thời điểm này, An Ninh đã đạt 14/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2012, Đảng bộ An Ninh đã đúc rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là tư tưởng trong Đảng phải luôn thống nhất. Việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” phải luôn được duy trì, coi là kim chỉ nam về công tác tư tưởng, làm cho đảng viên luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, gương mẫu và vận động quần chúng vượt qua khó khăn. Công tác tổ chức của Đảng phải được kiện toàn và chặt chẽ. Trong đó, Đảng bộ tập trung lãnh đạo các chi bộ thực hiện đầy đủ, có hiệu quả Thông báo 222 của Tỉnh ủy về chế độ và thời gian sinh hoạt chi bộ vào ngày 03 hàng tháng. Việc phân công đảng viên, nhất là đảng viên giữ các chức vụ chủ chốt trong Đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng phải rõ ràng, cụ thể. Sơ kết, tổng kết căn cứ vào kết quả nhiệm vụ phân công để đánh giá chính xác vai trò, năng lực của đảng viên. Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và vai trò lãnh đạo gia đình, nhóm hộ gia đình để phân loại đảng viên. Công tác phát triển Đảng phải từ phong trào quần chúng tìm ra nhân tố tích cực để giới thiệu với Đảng bồi dưỡng quần chúng ưu tú. Cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật cũng phải thật dân chủ, công khai, minh bạch. Làm được như vậy, mới củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và cũng là bài học để giáo dục các đảng viên khác. Bài học nữa là “Đảng viên nói là làm theo nghị quyết của Đảng”, An Ninh là địa phương luôn luôn chấp hành tốt chủ trương của huyện về đổi mới cơ cấu mùa vụ, đổi mới cơ cấu cây trồng.
Năm 2012, do chấp hành đầy đủ lịch thời vụ và chủ động đưa nhiều giống lúa mới vào thâm canh nên vụ xuân đã tránh được nhiều lứa sâu bệnh; vụ mùa đã giảm được tổn thất của bão số 8 nên năng suất lúa cả năm đạt 122,3 tạ/ha. Toàn xã vẫn duy trì được phong trào gieo trồng vụ đông với 75 ha, chủ yếu là các giống cây có giá trị cao. Đảng ủy, Đảng bộ chỉ đạo chính quyền, thôn, xã tạo mọi điều kiện cho 800 lao động đi lao động trong và ngoài nước giúp gia đình cải thiện đời sống và giúp địa phương từng bước cơ cấu lại lao động theo hướng CNH – HĐH, giảm áp lực việc làm. Năm 2013, An Ninh phấn đấu đạt GTSX 180 tỷ đồng; năng suất lúa 135 tạ/ha; sản xuất vụ đông đạt 120 – 130 ha. Hệ số sử dụng đất đạt 2,35 đến 2,4 lần/năm. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo lộ trình của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền đạt danh hiệu TSVM, các đoàn thể xuất sắc, 5/5 thôn đạt danh hiệu văn hoá.