Từ năm 1999, thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng là thôn đầu tiên của tỉnh phát động xây dựng nông thôn văn hóa đã mở đầu cho phong trào "Toàn dây xây dựng đời sống văn hóa". Hơn 10 năm qua, phong trao không ngừng lam tỏa mạnh mẽ trong toàn huyện, Đức Trọng luôn đi đầu trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa của tỉnh.
Đến nay toàn huyện đã có 116/127 thôn, khu phố, cụm dân cư phát động xây dựng văn hóa; trong đó 81 thôn, khu phố, cụm dân cư đã được công nhận đạt danh hiệu văn hóa. Có 4/15 xã đã có 100% số thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa là: Tân Hội, Hiệp Thạnh, Bình Thạnh, Tân Thành; 3 xã có 100% thôn đã phát động xây dựng thôn văn hóa là: Liên Hiệp, Ninh Loan và Đà Loan. Số hộ gia đình văn hóa cũng không ngừng tăng lên, nếu năm 2001 toàn huyện có 10.007 hộ gia đình đạt GĐVH, thì đến nay đã có hơn 25.000 hộ gia đình đạt danh hiệu GĐVH.
Có thể nói, chưa ở đâu phong trào xây dựng cơ quan văn hóa được cụ thể hóa và phát triển như ở Đức Trọng. Toàn huyện có 58/58 cơ quan, đơn vị đăng ký xây dựng cơ quan văn hóa; 45 cơ quan đơn vị đã được công nhận danh hiệu cơ quan văn hóa, góp phần quan trọng vào thành công của công cuộc cải cách hành chính. Việc quy định trang phục công sở được cán bộ công chức trong huyện nghiêm túc thực hiện, đã tạo ra không khí mới trong các cơ quan hành chính sự nghiệp.
Để có phong trào lớn mạnh như hôm nay, huyện luôn chú trọng xây dựng và duy trì hoạt động thường xuyên các CLB GĐVH ở các thôn, khu phố làm nòng cốt chính của phong trào. Từ đó, tất cả các CLB như: Không sinh con thứ ba, phòng chống BLGĐ, CLB phòng chống tội phạm, CLB ông bà cháu, mô hình “thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận”… Được lồng ghép trong mô hình sinh hoạt CLB GĐVH. Các phong trào như: đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, tương thân, tương ái, xóa nhà tạm; phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, sống và làm việc theo pháp luật và quy ước của cộng đồng, chăm lo sự nghiệp giáo dục, nuôi con khỏe dạy con ngoan, xây dựng gia đình hạnh phúc, thực hiện nếp sống văn minh, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc… Đều được cụ thể hóa qua những chuyên đề sinh hoạt của các CLB. Hiện nay, toàn huyện có 89 CLB GĐVH, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Để làm cho phong trào phát triển sâu rộng, đồng bộ, bền vững và đi vào thực chất, huyện luôn coi trọng công tác phúc tra, kiểm tra và kiên quyết không công nhận lại đối với thôn, khu phố, cơ quan đơn vị, hộ gia đình không còn đạt chuẩn các tiêu chí. Trong năm qua, ngành văn hóa của huyện đã đi thực tế tiến hành kiểm tra, phúc tra 18 thôn, qua đó 17 thôn được công nhận lại, còn 1 thôn (thôn Ma Bó, xã Đạ Quyn) không được công nhận lại vì không đạt các tiêu chí, sẽ được động viên, dìu dắt làm cho phong trào mạnh lên để công nhận danh hiệu vào năm sau. Việc bình xét GĐVH cũng được tiến hành nghiêm túc từ tổ dân phố đến thôn.
Nhằm đẩy phong trào lên một bước mới, năm 2009, xã Tân Hội là xã đầu tiên của tỉnh được chọn làm điểm xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa. Trên cơ sở phát huy tinh thần đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, từng người dân trong xã xác định trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình. Chú trọng gắn phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, cơ quan văn hóa với triển khai 5 tiêu chí xã đạt chuẩn văn hóa: Phát triển kinh tế; phát triển văn hóa xã hội; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; giữ vững ANCT và TTATXH; thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Tân Hội là một trong 3 xã đầu tiên được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn văn hóa. Trên nền tảng thành quả xây dựng đời sống văn hóa, Tân Hội cũng là xã đầu tiên của tỉnh và một trong những xã đầu tiên của cả nước được chọn thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới.
Dựa trên thành công đạt được, từ đầu năm đến nay, Đức Trọng có thêm 3 xã phát động xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa là Đà Loan, Ninh Loan và Hiệp An, và đến cuối năm 2011 sẽ có thêm 3 xã nữa phát động xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa là Phú Hội, Liên Hiệp và Bình Thạnh. Nâng tổng số lên 7/15 xã xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa. Mục tiêu đến năm 2013 Đức Trọng sẽ có gần 50% số xã đạt chuẩn văn hóa.
Cùng với đó, hiện Đức Trọng đã có 64/127 khu dân cư có hội trường thôn (hơn 50%), 6 xã có nhà văn hóa và đến cuối năm sẽ thêm 2 xã nữa có nhà văn hóa xã. Từ nay đến năm 2013 tất cả 127 thôn của toàn huyện sẽ có nhà sinh hoạt cộng đồng.
Với mục tiêu tổng quát của một xã đạt tiêu chí nông thôn mới là xây dựng phát triển kinh tế bền vững, đời sống vật chất tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao, kết cấu hạ tầng nông thôn hiện đại; có hình thức sản xuất phù hợp, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển dịch vụ, công nghiệp, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, dân trí nông thôn ngày càng cao; hệ thống chính trị nông thôn được nâng cao sức mạnh và trong sạch thì có thể nói: Thành quả của hơn 10 năm đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa nói chung và xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nói riêng là điều kiện rất thuận lợi để bước tiếp theo Đức Trọng xây dựng thành công xã nông thôn mới, trong tương lai sẽ không chỉ có Tân Hội.