Tạo điều kiện để làng nghề phát triển, góp phần xây dựng nông thôn mới

 7820 lượt xem
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có hơn 2.000 làng nghề thủ công thuộc 11 nhóm nghề chính. Đối với Quảng Trị, từ thuở xa xưa làng nghề đã hình thành, phát triển. Và chính các làng nghề đã góp phần rất lớn nhằm ổn định, cải thiện mức sống của mỗi gia đình, đồng thời tạo ra nét văn hoá đặc sắc của mỗi vùng quê. 

Có thể kể ra một trong số làng đó là: Làng Thủy Bạn, Cổ Trai, Hà Lộc, Thuận Đầu với nghề nước mắm; làng chế biến hải sản Vĩnh Giang; làng nuôi cá đầm, cá nước ngọt Thái Lai, Hà Bá (Triệu Phong), Kim Giao (Hải Lăng); Diêm Hà, Tử Lai, Duy Viên (Vĩnh Linh)... Nghề thủ công cũng phát triển nhiều nơi như: Làng dệt tơ lụa Trâm Lý, làng dệt vải Di Loan, Chợ Chùa; làng làm áo tơi Văn Quỹ, Văn Trị; làng nón Câu Nhi, Trà Lộc (Hải Lăng); Phương Ngạn, Chợ Cạn làm đồ mây, phết quạt; vùng Phước Tuyền có nhiều lò luyện đồng; làng Cát Sơn tinh thông nghề chạm trổ; làng Tuy Lộc làm giấy; làng Kim Long nấu rượu; một số bản làng Hướng Hoá dệt chiếu mây; Ái Tử làm đường; làng bánh, bún Hiền Lương (Vĩnh Linh), Triệu Sơn (Triệu Phong), Phương Lang (Hải Ba, Hải Lăng); làng rèn Phường 3 Đông Hà … 

Ngoài các làng nghề truyền thống, thời hội nhập nhiều làng đã hình thành nghề mới như mây tre xuất khẩu, khảm tre, làng thêu ren xuất khẩu, làng nón, làng cây cảnh…Những sản phẩm của làng nghề nói trên không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn vươn ra thị trường khu vực, thế giới. Làng rượu Kim Long (Xika) ở Hải Lăng là một trong số đó. 
 
Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, đã có một số làng nghề truyền thống bị mai một. Lý giải điều này, có nhiều nguyên do: Có thể khi chuyển sang nền kinh tế thị trường thu nhập từ làng nghề có thấp hơn một số nghề khác, nên chưa “hấp dẫn”; cũng có thể chỗ này, chỗ nọ người ta chưa hiểu hết giá trị văn hóa của làng nghề vì vậy cả truyền nghề và học nghề đều bị bỏ ngỏ. 
 
Ngoài ra, còn một bộ phận nhân dân, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng ven đô vẫn còn tư tưởng ỷ lại, thiếu thông tin thị trường, hoặc là thà chịu khổ chứ không chịu khó. Mọi nguyên do nói trên đều dẫn đến kết cục làng nghề chưa có vị thế tương xứng trong hành trình xây dựng nông thôn CNH,HĐH. 
 
Để khắc phục tình trạng trên, nhằm tạo điều kiện để làng nghề phát triển góp phần xây dựng nông thôn mới, CNH, HĐH đất nước, thiết nghĩ: 
 
Thứ nhất: Phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ vị trí quan trọng của làng nghề trong toàn bộ nền kinh tế. Đối với nông thôn, làng nghề không chỉ tạo ra nguồn thu nhập đáng kể mà còn là “kênh” giải quyết việc làm, nhất là thời buổi nông nhàn ở nông thôn, góp phần hạn chế các hủ tục, tệ nạn. Ngoài ra, các làng nghề còn góp phần gìn giữ và phát triển văn hoá truyền thống, tạo ra diện mạo đô thị hoá mới cho nông thôn, để lao động nông thôn “ly nông nhưng không ly hương” và làm giàu trên quê hương mình. 
 
Thứ hai: Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/ TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn và Kết luận số 04-KL/TU, ngày 18/10/2012 của BCH Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 72-CTHĐ/TU của Tỉnh uỷ Quảng Trị (khoá XIV) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; cấp ủy, chính quyền cơ sở trên cơ sở quán triệt chủ trương của Đảng và tình hình cụ thể để có bước đi thích hợp trong việc định hướng và phát triển làng nghề. 
 
Ngoài các chính sách của cấp trên, các địa phương cần tạo “cú hích” trước hết về đất đai để tạo nguồn nguyên liệu; ưu tiên cho vay vốn; có thể lồng ghép các dự án để đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề. Chính quyền cơ sở phải là “chiếc cầu nối” với các trung tâm khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư… đến với các làng nghề, đồng thời cũng là nơi mở rộng xúc tiến đầu tư, giới thiệu sản phảm và tìm đầu ra cho sản phẩm; định hướng, dự báo, dự tính, cung cấp thông tin thị trường cho nông dân, tạo điều kiện cho nông dân phát triển làng nghề. Chính quyền cơ sở còn có trách nhiệm quy hoạch, tổ chức thực hiện, chỉ đạo để tổ chức liên kết, hợp tác các nhóm nghề, mở rộng quy mô khi có điều kiện với mục đích vì sự phát triển của các làng nghề. Và cuối cùng để làm tốt những việc nói trên nhất thiết phải có một lực lượng nông dân mới có tri thức khoa học, được đào tạo để họ không chỉ nắm vững kỹ thuật ngành nghề, am hiểu văn hoá mà còn thích ứng nhanh trong nền kinh tế thị trường. 
 
Tuy nhiên, điều cốt lõi là mỗi người dân trong làng phải thực sự trân trọng, gắn bó máu thịt, quyết tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của nghề; đó là điều kiện có tính quyết định để làng nghề phát triển lên tầm cao mới. Đó cũng là con đường ngắn nhất để công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. 
 
 
Ý kiến của bạn