Định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, góp phần xây dựng nông thôn mới tại Ninh Thuận

 7192 lượt xem
Năm 2012, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh có nhiều khó khăn, kinh tế vĩ mô trong nước chưa thật ổn định, tình hình giá cả vật tư nông nghiệp, nhiên liệu, thức ăn chăn nuôi tăng cao, đặc biệt chính sách cắt giảm đầu tư công đã ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thành các công trình trọng điểm cùng với tình hình thiếu nước tại các hồ đập thủy lợi trong vụ đông-xuân đã ảnh hưởng lớn việc mở rộng diện tích gieo trồng và nuôi trồng thủy sản. 

Dưới sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh Ninh Thuận, ngành đã chỉ đạo các đơn vị chủ động triển khai các giải pháp chỉ đạo điều hành sản xuất. Tập trung điều tiết nước hợp lý tại các hồ chứa phục vụ chống hạn vụ đông-xuân và hè-thu; dự báo kịp thời để ngăn chặn và thực hiện tiêm phòng, tiêu độc khử trùng chuồng trại bảo đảm an toàn dịch bệnh trong trồng trọt, chăn nuôi gia súc. Các chương trình ứng dụng khoa học-kỹ thuật cho vật nuôi, cây trồng có hiệu quả được nông dân và các địa phương tiếp tục nhân rộng như các chương trình thuộc dự án Cạnh tranh nông nghiệp, dự án khoa học công nghệ. Các chính sách về hỗ trợ khai thác biển xa, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hỗ trợ sản xuất thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai kịp thời, đúng đối tượng.

 
Công trình hồ chứa nước Lanh Ra hoàn thành với tổng mức đầu tư trên 210 tỷ đồng, có sức chứa gần 14 triệu m3 nước phục vụ tưới cho trên 1.050 ha đất sản xuất của xã Phước Vinh (huyện Ninh Phước).
 
 
Do vậy, năm 2012, sản xuất nông- lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả cao với tổng giá trị sản xuất nông-lâm, thủy sản tăng 6%; cơ cấu cây trồng có sự chuyển dịch tích cực với diện tích cây ăn quả tăng 4,1%, sản lượng tăng đáng kể như nho tăng 3,83%, táo tăng 43,5%; sản lượng mía cây tăng 13%, mì tươi tăng 12,2%. Tỷ lệ sind hóa đàn bò đạt 37,6% vượt chỉ tiêu kế hoạch là 36%. Năm 2012 cũng là năm đánh dấu việc hoàn thành nhiều công trình thủy lợi lớn và được đưa vào sử dụng như các hồ Sông Biêu, Lanh Ra, Bà Râu, Phước Trung, hoàn thành kiên cố hóa hệ thống kênh chính Nam thuộc hệ thống thủy lợi Nha Trinh - Lâm Cấm đã nâng cao năng lực tưới của hệ thống thủy lợi toàn tỉnh đạt 44,9% diện tích đất nông nghiệp, đưa tổng diện tích gieo trồng trong năm 2012 đạt trên 81.063 ha tăng 4,6% so với năm 2011 cao nhất từ trước nay. Sản xuất thủy sản tiếp tục phát triển với sản lượng khai thác đạt 63.669 tấn, tăng 13,9%; sản lượng giống tôm sản xuất đạt 15,7 tỷ con, tăng 23% so với năm 2011.
 
Ngư dân xã Cà Ná (huyện Thuận Nam) đầu tư tàu thuyền công suất lớn trang bị hiện đại vươn ra đánh bắt khơi xa.
 
 
Đã phát triển được mô hình tổ đoàn kết sản xuất trên biển với 41tổ/187 tàu; năng lực tàu thuyền tăng thêm 19 chiếc và tổng công suất tăng thêm 19.917CV, phát triển theo hướng giảm tàu thuyền công suất nhỏ và đầu tư tàu thuyền công suất lớn phục vụ đánh bắt biển xa, góp phẩn bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Môi trường nông thôn miền núi được cải thiện đáng kể với 83% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt (tăng 2%), tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt khoảng 63%; độ che phủ rừng đạt 44%. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp và đã hoàn thành công tác quy hoạch tổng thể cho 47 xã trên toàn tỉnh; công tác phát triển hạ tầng, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất được triển khai đúng hướng góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân; nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bước đầu hình thành và nhân rộng tại các xã nông thôn mới như "1phải, 5 giảm; VietGap trên cây táo, măng tây xanh, rau; sử dụng bẫy bả sinh học trừ ruồi hại táo; sử dụng lồng lưới trồng rong sụn; cải tạo đất cát ven biển khắc phục hoang mạc hóa...” được nhân dân tự nguyện hưởng ứng và nhân rộng. Với sự lồng ghép của các chương trình, dự án trong năm 2012 (cạnh tranh nông nghiệp) đã có thêm 15 công trình giao thông với tổng chiều dài 30,69 km bằng bê tông, 4.000m2 chợ nông thôn, 3 công trình điện sản xuất có chiều dài 2.952m và 3 sân phơi nông sản có diện tích 3.056m2 ... được đầu tư tại các vùng hàng hóa trọng điểm của tỉnh thuộc các xã điểm thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới.
 

 Nông dân phường Văn Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm thực hiện mô hình trồng rau sạch.
 
Bước sang năm 2013 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII và Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh giai đoạn 2011-2015; quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, ngành tiếp tục với định hướng phát triển nâng cao chất lượng tăng trưởng, sản xuất sạch để phát triển bền vững; chuyển dịch mạnh cơ cấu nội bộ ngành để nâng cao hiệu quả sản xuất ngành nông nghiệp và phát triển bền vững; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị gia tăng cao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật mới vào sản xuất, chú trọng ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất trên ha đất canh tác. Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, đầu tư thâm canh, bán công nghiệp, kết hợp chăn nuôi trang trại và hộ gia đình gắn với quy hoạch phát triển đồng cỏ. Phát triển ngành thủy sản theo hướng phát huy lợi thế về sản xuất giống thủy sản; chuyển dịch cơ cấu sản phẩm khai thác có giá trị kinh tế cao, phát triển mô hình tổ, đội hợp tác sản xuất trên biển để nâng cao hiệu quả nghề khai thác. Triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng tập trung cho 11 xã định hướng hoàn thành vào năm 2015. Phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản 6-7%/năm.
 
Phát triển chăn nuôi cừu theo mô hình trang trại của nông dân xã Phước Nam đạt hiệu quả kinh tế cao.
 
Để thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển nêu trên, các giải pháp ưu tiên của ngành trong năm 2013 là khẩn trương hoàn thành các quy hoạch như quy họach tổng thể, quy hoạch nuôi trồng thủy sản và đầu năm 2013 hoàn thành quy hoạch “các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” gắn với định hướng hình thành các Khu nông nghiệp công nghệ cao tại khu vực Suối Đá (Thuận Bắc) và các vùng vệ tinh thuộc Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Phước, Ninh Hải; xây dựng dự án khu nông nghiệp công nghệ cao sản xuất tôm giống Nhơn Hải gắn với việc đầu tư dự án vùng sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung Nhơn Hải. Triển khai xây dựng các đề án, dự án ưu tiên như các dự án sản xuất giống thủy sản, đề án phát triển chế biến thủy sản, đề án xây dựng nông thôn mới và các dự án quy hoạch…là cơ sở để kêu gọi đầu tư của các thành phần kinh tế và chỉ đạo phát triển sản xuất. Tiếp tục triển khai các chương trình giống, khuyến nông khuyến ngư, các dự án ODA trong nông nghiệp theo hướng chuyển giao các công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; song song với công tác chuyển giao khoa học-kỹ thuật là tăng cường công tác dự báo, kiểm soát bảo đảm an toàn dịch bệnh trong trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và vật nuôi thủy sản.
 
Nông dân xã Nhơn Hải đầu tư trại nuôi tôm giống chất lượng cao phục vụ nhu cầu nuôi thủy sản trong và ngoài tỉnh. 
 
Tiếp tục hướng dẫn và tổ chức nông dân sản xuất theo các quytrình sản xuất tốt (GAP), đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm nhất là đối với các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của tỉnh là nho, táo, hành, tỏi, dê, cừu, tôm giống, tôm thương phẩm… Tiếp tục xây dựng các mối liên kết trong sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ với việc tổ chức, xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã của nông dân liên minh, liên kết với các doanh nghiệp gắn với xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, nhằm nâng cao tính cạnh tranh và phát triển bền vững. Bên cạnh đó đầu tư hoàn thành các công trình hạ tầng nông nghiệp, thủy sản, sản xuất muối là ưu tiên để nâng cao năng lực sản xuất, giải quyết khó khăn cho nông dân, ngư dân như nạo vét các cảng cá Đông Hải, Ninh Chử, thực hiện hỗ trợ ngư dân khai thác biển xa; tiếp tục đầu tư để hoàn thành các dự án thủy lợi như hệ thống kênh mương cấp II,III các hồ Cho Mo, Trà Co, Lanh Ra,…giải quyết các vấn đề tồn đọng tại Khu kinh tế và xuất khẩu muối công nghiệp Quán Thẻ.
 
Với những thành tựu đã đạt được và sự chỉ đạo, ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII của UBND tỉnh; sự hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn năm 2013 và những năm tiếp theo chắc chắn nông nghiệp Ninh Thuận tiếp tục phát triển với sự chuyển biến về chất lượng, hướng đến một nền nông nghiệp công nghệ cao và thực hiện thắng lợi các mục tiêu giai đoạn 2011-2015.
 
 
Ý kiến của bạn