Bạc Liêu: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Động lực trong xây dựng nông thôn mới

 10362 lượt xem
Một trong những bài học thành công trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM) hơn 2 năm qua là các địa phương đã tập trung làm tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT). Đây được đánh giá là một trong những tiêu chí quan trọng và có sức chi phối trong việc thực hiện thắng lợi 19 tiêu chí trong XDNTM. 

Hiệu quả từ công tác đào tạo nghề

Theo Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM tỉnh, qua 2 năm XDNTM, toàn tỉnh đã tổ chức hơn 440 lớp đào tạo nghề cho LĐNT và thu hút trên 13.300 nông dân tham gia học nghề. Đồng thời phối hợp với các trung tâm, các trường đại học trong và ngoài tỉnh tổ chức gần 740 lớp tập huấn kỹ thuật, chuyển giao khoa học - công nghệ, mô hình sản xuất mới cho hơn 22.230 lượt nông dân. Các lớp đào tạo nghề và tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất trên đã góp phần giải quyết thời gian nông nhàn, giúp nông dân tăng thêm thu nhập, đặc biệt là khai thác có hiệu quả tiềm năng, nguồn tài nguyên ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. 
 
 
Mô hình trồng rau an toàn ở xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu (ảnh trên) và mô hình trồng cây ăn trái ở huyện Phước Long (ảnh dưới). 
 
Thời gian qua, huyện Phước Long đã đào tạo nghề cho 7.230 lao động. Từ đó, đã tác động tích cực đến quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương và tạo nên những tiền đề quan trọng để triển khai nhiều mô hình, ngành nghề phi nông nghiệp cho giai đoạn tiếp theo. Tại xã điểm Vĩnh Thanh của huyện, thông qua các chương trình đào tạo nghề cho LĐNT, đến nay, lao động có việc làm thường xuyên ở địa phương đạt 98% và có mức thu nhập bình quân hơn 22 triệu đồng/người/năm. Nông dân Đỗ Văn Thành (xã Vĩnh Thanh) cho rằng: “Việc nông dân tham gia học nghề không dừng ở vấn đề tạo thêm thu nhập, giải quyết thời gian nông nhàn, mà còn tác động tích cực đến phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Nông dân có việc làm nên các tệ nạn xã hội cũng giảm và nông dân cũng tích cực hơn trong thi đua lao động sản xuất, không còn bỏ đất trống như trước đây”.
 
Nhiều mô hình sản xuất mới.
 
Việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho LĐNT và đa dạng hóa các loại hình đào tạo đã tác động không nhỏ đến cách làm, cách nghĩ của nhiều nông dân. Đến nay, đã có gần 30 mô hình sản xuất được xếp vào tốp cho thu nhập cao và khá bền vững như: mô hình trồng rau an toàn, mô hình trồng nấm rơm, nấm linh chi, mô hình nuôi tôm càng xanh xen tôm sú theo hướng GAP, nuôi sò huyết trong ao nuôi tôm thâm canh, trồng cây ăn trái… Các lớp tập huấn, đào tạo nghề cho LĐNT đã giúp nhiều hộ nông dân nghèo phá bỏ thế độc canh cây lúa và tích cực tham gia các tổ hợp tác sản xuất.
 
Ở xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi) - một trong hai xã điểm của tỉnh về XDNTM, nhờ làm tốt công tác đào tạo nghề, chuyển giao mô hình sản xuất, nhiều nông dân của xã đã chuyển đổi tập quán sản xuất cũ, trồng giống lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thay cho giống lúa địa phương có năng suất thấp. Song song đó, mạnh dạn ứng dụng nhiều mô hình sản xuất và thành lập 6 tổ hợp tác thu hút hơn 180 thành viên tham gia… Nhờ vậy, công tác giảm nghèo của xã đạt những kết quả tốt. Nếu năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 20,77%, thì đến cuối năm 2012 chỉ còn khoảng 12%. “Kết quả này là thành công bước đầu trong XDNTM và góp phần quan trọng trong việc thực hiện đề án không còn hộ gia đình chính sách nghèo” - Ban Chỉ đạo XDNTM xã Châu Thới đánh giá. Còn theo ông Nguyễn Hoàng Hân, nông dân xã Châu Thới: “Nhờ học nghề sản xuất lúa giống nên hiện nay tôi đã tự sản xuất lúa giống để phục vụ sản xuất, thay vì trước đây phải mua lúa giống từ các đại lý”.
 
Hiệu quả từ công tác đào tạo nghề cho LĐNT thật sự mang lại nhiều ý nghĩa và có ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiều chương trình, đề án. Đồng thời, mở ra nhiều mô hình sản xuất mới, cách làm hay từ sự sáng tạo, năng động của nông dân.
 
Động lực cho nông thôn mới
 
Công tác đào tạo nghề cho LĐNT tuy mang lại kết quả, nhưng nhìn chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Một trong những bất cập hiện nay là một số địa phương vẫn chưa thật sự quan tâm đến công tác này, nhất là nhận thức về việc thực hiện các tiêu chí trong XDNTM. Hiện nay, ở nhiều địa phương, khi bắt tay XDNTM đều bắt đầu từ công tác phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế - kỹ thuật… Cho nên, XDNTM là phải xây dựng đường, điện, cầu, cống, mô hình sản xuất… Trong khi đó, để thực hiện thành công các tiêu chí trên, thì việc nâng cao thu nhập cho người nông dân mới là tiêu chí quan trọng nhất và cũng là tiêu chí cần phải đạt đầu tiên. Bởi vì trong các công trình xây dựng cho XDNTM, vốn Nhà nước chỉ bỏ ra khoảng 40%, còn lại là do nhân dân đóng góp. Nếu như người nông dân không tạo được tích lũy, không có thu nhập ổn định thì làm sao có điều kiện để đóng góp? Mặt khác, trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, thế mạnh lâu nay vẫn là con tôm, cây lúa. Do vậy, việc quan tâm đầu tư đến công tác đào tạo nghề cho LĐNT sẽ có tác động tích cực đến quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, và hơn cả là thực hiện thắng lợi các tiêu chí khác khi mức thu nhập của người dân không ngừng nâng cao. Chính tầm quan trọng và có sức chi phối này, công tác đào tạo nghề cho LĐNT cần được quan tâm nhiều hơn nữa, để trở thành động lực trong XDNTM.
 
 
Ý kiến của bạn