Công tác lập quy hoạch nông thôn mới ở huyện Hòa Vang Thành phố Đà Nẵng được Sở Xây dựng thành phố thực hiện quy hoạch tổng thể nông thôn gắn với quy hoạch chung thành phố và các quy hoạch chi tiết khác.
Lắp đặt hệ thống cung cấp nước sạch đến trung tâm cụm xã và Trung tâm hành chính huyện Hòa Vang để thực hiện nội dung quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Sở Xây dựng cho biết, theo bộ tiêu chí quốc gia gồm 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới thì quy hoạch (tiêu chí số 1), nhà ở dân cư (tiêu chí số 9) chiếm vị trí quan trọng. Yêu cầu quan trọng của quy hoạch nông thôn mới là phải giải quyết được mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa không gian sản xuất, không gian công cộng, không gian ở và sinh hoạt của từng hộ gia đình. Mỗi một khu vực làng xã phải được gắn kết và kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật cơ bản gồm mạng lưới giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc, trường học, bệnh xá, chợ… Thực hiện nhiệm vụ do UBND thành phố giao, Sở Xây dựng đã chủ trì triển khai thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch và đã đạt được mục tiêu 100% số xã hoàn thành công tác quy hoạch chung và chi tiết xây dựng nông thôn mới; xây dựng và phát triển nhà ở dân cư nông thôn trên địa bàn xã theo hướng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa về nhà, không gian sinh sống của người dân nông thôn trong năm 2012. Kết quả đến nay đã có 11/11 xã đạt chuẩn về tiêu chí quy hoạch, 10/11 xã đạt chuẩn về tiêu chí nhà ở dân cư. Theo đó, đã lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới 11 xã thuộc huyện Hòa Vang theo tỷ lệ 1/5.000 với diện tích 7.000ha. Lập quy hoạch chi tiết trung tâm 11 xã thuộc huyện Hòa Vang, diện tích 121,4 ha. Khảo sát địa hình qua tỷ lệ 1/500 và tiến hành cắm mốc giới, lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới theo tỷ lệ 1/500.
Việc triển khai quy hoạch đi vào chi tiết qua đầu tư 5 dự án xây dựng khu dân cư trọng điểm trên địa bàn huyện Hòa Vang. Bao gồm: Khu dân cư Tà Lang-Giàn Bí, xã Hòa Bắc, diện tích 8,2ha; khu dân cư phục vụ tái định cư các vùng sạt lở tại xã Hòa Phú, diện tích 10ha; khu dân cư Hòa Phong, diện tích 10ha; khu dân cư Phú Sơn 2 và Phú Sơn Tây, xã Hòa Khương, diện tích 11,7ha và khu dân cư thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn, diện tích 1,1ha.
Tại cuộc họp Hội đồng Kiến trúc và Quy hoạch cuối năm 2012, UBND thành phố có chủ trương đồng ý chọn địa điểm Khu dân cư thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn làm trung tâm cụm xã. UBND huyện Hòa Vang cũng đề nghị thành phố sớm phê duyệt và đầu tư xây dựng các trung tâm cụm xã. Tuy nhiên, việc đầu tư mở rộng các trung tâm cụm xã đang gặp nhiều trở ngại về nguồn vốn đầu tư, kinh phí đền bù giải tỏa và bố trí tái định cư. Ngoài ra, việc xử lý các công trình hạ tầng kỹ thuật cũng gặp trở ngại trong việc đấu nối giao thông, xử lý thoát nước và vệ sinh môi trường. Hiện người dân khu vực Túy Loan, Bồ Bản, xã Hòa Phong và Phú Hòa, xã Hòa Nhơn đề nghị thành phố xem xét lại chủ trương thành lập thị trấn Túy Loan để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển cho khu vực nông thôn Hòa Vang.
Được biết, năm qua kinh phí thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Hòa Vang đạt 147 tỷ đồng, trong đó vốn huy động ngoài ngân sách gần 15 tỷ đồng, vận động nhân dân hiến 11.742m2 đất, 14.016 ngày công lao động và tháo dỡ nhiều công trình tường rào, cây xanh, vật kiến trúc…
Theo báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thành phố Đà Nẵng, đến nay 11/11 xã ở huyện Hòa Vang đã được phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã, phê duyệt và công bố quy hoạch chung, hiện nay đã hoàn thành quy hoạch chi tiết. Kế hoạch xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 ở thành phố Đà Nẵng cũng đã được điều chỉnh, theo đó đến năm 2015 phấn đấu 6 xã đạt chuẩn và đến năm 2017 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.