Bảo vệ Đề tài độc lập cấp Nhà nước “Cơ sở lý luận và thực tiễn đổi mới thi đua, khen thưởng trong giai đoạn hiện nay”

 8355 lượt xem
(BTĐKT) - Chiều ngày 11/03/2013, Bộ Khoa học và Công nghệ, Quỹ Phát triển khoa học và Công nghệ Quốc gia phối hợp Bộ Nội vụ và Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước đã tổ chức phiên họp đánh giá kết quả Đề tài độc lập cấp Nhà nước “Cơ sở lý luận và thực tiễn đổi mới thi đua, khen thưởng trong giai đoạn hiện nay” - Mã số đề tài: 02/2010 – Chủ nhiệm đề tài: Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà. 

Quang cảnh phiên họp.

Tham dự phiên họp có đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Quỹ Phát triển khoa học và Công nghệ Quốc gia, Bộ Nội vụ và Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước, đặc biệt là sự có mặt đầy đủ của các nhà khoa học là thành viên Hội đồng đánh giá kết quả đề tài, do GS. TS Phạm Tất Dong làm Chủ tịch. 

Mở đầu phiên họp, thay mặt nhóm nghiên cứu, Chủ nhiệm đề tài: Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà đã trình bày tóm tắt báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài. Theo đó, việc thực hiện đề tài này có ý nghĩa cấp thiết và thực tiễn cao. Qua từng thời kỳ phát triển của đất nước, thi đua, khen thưởng (TĐKT) đã trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới. Báo cáo của Chủ nhiệm đề tài cũng đã tập trung trình bày rõ mục đích của đề tài chính là nghiên cứu, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về TĐKT. Đánh giá thực trạng công tác TĐKT và các quy định của pháp luật về TĐKT, tổ chức làm công tác TĐKT từ đó đề xuất các quan điểm, phương hướng và giải pháp nhằm đổi mới hoạt động TĐKT và quản lý Nhà nước về TĐKT, trực tiếp góp phần kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật TĐKT để TĐKT thực sự là động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong thời kỳ mới. Từ thực tiễn nâng lên thành lý luận. Tuyên truyền toàn dân về vị trí, vai trò của TĐKT sâu rộng và lan tỏa hơn.
 
Tiếp đó, phiên họp đã dành nhiều thời gian cho việc nhận xét, đánh giá kết quả đề tài của các thành viên Hội đồng. GS.TS Lê Minh Tâm - Ủy viên - Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng: Đề tài đã xác định đúng các phương pháp đánh giá mức độ phù hợp, cách tiếp cận đề tài đa ngành đa cấp. Trong đó, đề tài đã đưa ra được bản kiến nghị có dự báo các ý kiến khác nhau. Như vậy, đề tài đóng góp tiếp cận theo hướng tìm cách giải quyết mâu thuẫn, bất công bỏ bớt những cái không phù hợp trong TĐKT và làm sáng tỏ các khái niệm cơ bản về TĐKT. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Hậu - Ủy viên - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh, đề tài cần phân tích sâu sắc hơn nữa giữa Thi đua và cạnh tranh. Trong điều kiện xã hội như hiện nay đã ảnh hưởng và chi phối công tác TĐKT như thế nào? Đồng thời, Ủy viên Trần Hậu cho rằng cần phải đề xuất nâng mức khen thưởng tăng cao hơn hiện nay để kích thích các nhân tố cùng cạnh tranh và giảm huy chương, huân chương nhằm các thành tích đạt được phải có chất lượng chọn lọc và điển hình tiêu biểu.
 
Tuy nhiên, nhiều thành viên trong Hội đồng nhận xét, đề tài có một số hạn chế như: Bố cục chưa đồng đều, 3 chương phân bố chưa hợp lý và mất cân đối giữa các chương; số liệu điều tra chưa bao quát được, số liệu tổng hợp nguồn và khảo sát tính cụ thể thấp, đôi chỗ về lỗi in ấn và câu chữ chưa thống nhất…
 
Trên cơ sở đồng thuận và đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài, được thể hiện qua các sản phẩm đề tài và như Chủ nhiệm đề tài đã báo cáo, các nhà khoa học trong Hội đồng đã thống nhất đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu kết quả đề tài. Kết quả theo thang điểm của Bộ Khoa học và Công nghệ: Tổng số điểm trung bình toàn bộ đề tài là 88,33. Đề tài xếp loại: Khá
 
Hoài Thanh
 
 
Ý kiến của bạn