Không cam chịu đói nghèo, sau nhiều đêm suy nghĩ, anh Hoàng Đức Hưởng ở xã Đại Phác, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã mạnh dạn thuê đất, vay tiền của người thân, bạn bè đầu tư xây dựng trang trại phát triển chăn nuôi. Trời không phụ người có tâm, chỉ sau một thời gian ngắn, gia đình anh Hưởng không chỉ đủ ăn, mà còn có bát ăn, bát để, từng bước vươn lên làm giàu bằng chính sức lao động của mình.
Chuồng nuôi lợn siêu nạc của anh Hưởng.
Anh Hưởng tâm sự: "Thời gian đầu bắt tay vào nghề mới, vợ chồng tôi cũng lo lắm và không biết sẽ bắt đầu từ đâu? Thế nhưng, không lẽ bó tay, mãi chịu cảnh đói, nghèo, nên sau khi học hỏi kinh nghiệm của các hộ làm trang trại trong vùng, vợ chồng tôi quyết định mua vài đôi lợn giống về nuôi. Khi đã có kinh nghiệm, lợn quen chuồng, phát triển tốt, vợ chồng tôi mới đầu tư tăng thêm đầu lợn".
Ngừng một lát, anh Hưởng cho biết thêm: “Cái nghề chăn nuôi này gắn nhiều với sách báo, tài liệu khoa học kỹ thuật. Hồi đầu mình cũng tìm đọc nhiều, lại nhờ cả cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn nên dần dần vợ chồng mình cũng tích lũy được ít nhiều kinh nghiệm. Làm được một thời gian, thấy có khả năng phát triển, hai vợ chồng bàn nhau, quyết định “làm lớn” luôn”.
Cái chuyện “làm lớn” của vợ chồng anh bắt đầu từ việc anh lặn lội xuống tận Trại giống Thụy Phương (Hà Nội) để tìm mua loại lợn nái chất lượng cao. Rồi lứa lợn con đầu tiên sinh ra khỏe mạnh, ai cũng chúc mừng cho thành công của đôi vợ chồng trẻ dám nghĩ dám làm...
Từ đó, số đầu lợn trong chuồng tăng lên qua từng năm để giờ đây mỗi năm anh chị xuất ra thị trường hàng chục tấn lợn thịt, cộng với thu nhập từ dịch vụ khác, mỗi năm gia đình anh thu về 700 đến 800 triệu đồng. Trừ chi phí, anh chị Hưởng cũng còn lãi được ngót nghét 200 triệu đồng/năm.
Thăm ngôi nhà 3 tầng mới xây khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt cạnh con đường từ trung tâm huyện vào xã Đại Phác của gia đình anh Hưởng, chúng tôi thực sự thấy ngỡ ngàng và cảm phục người nông dân dám nghĩ dám làm và biết cách làm giàu từ chính sức lao động của mình.