Thách thức từ thực tiễn xây dựng nông thôn mới

 7719 lượt xem
Thời điểm bắt tay vào thực hiện xây dựng nông thôn mới vào năm 2010, Yên Thành, Nghệ An đã có sự đánh giá lại tiềm năng tổng thể của toàn huyện và của từng địa phương để đề ra những mục tiêu phát triển mới có tính đột phá… Nhưng trong thực tiễn phát triển KT – XH gắn xây dựng NTM, huyện đang gặp nhiều khó khăn. 

 Căn cứ vào báo cáo của huyện thì ở thời điểm bắt tay xây dựng nông thôn mới, giá trị sản xuất một năm của Yên Thành đã đạt hơn 2.500 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng ở mức 14,38%, thu nhập bình quân 12 triệu đồng/người/năm…; đã huy động được nhiều nguồn lực để xây dựng các công trình trọng điểm phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế gắn liền với phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Từ đó, Yên Thành bắt tay vào triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với nhiều kỳ vọng sớm có kết quả khả quan. 

 
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện xây dựng NTM tiến độ thực hiện ở Yên Thành nói chung còn chậm, chưa “khớp” được điều kiện thực tiễn đối với một số khâu. Cho đến nay, huyện mới tổ chức thẩm định được đề án xây dựng NTM cho 27/38 xã; công tác tư vấn quy hoạch NTM chưa thực sự chất lượng, có nơi thiếu tính khả thi; tư tưởng cũng như hành động của nhân dân một số xã chưa quyết liệt nên vẫn nặng sự trông chờ, ỷ lại và không huy động hiệu quả sức dân; trong việc triển khai xây dựng các mô hình sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân, thì hoặc chưa khẳng định được tính bền vững, hoặc chưa có tổng hợp, kết luận để nhân rộng…
 
Làm giao thông nông thôn ở xã Sơn Thành (Yên Thành).
 
Xã Sơn Thành hiện đang được coi là điểm sáng xây dựng NTM mà theo báo cáo của xã cũng như khẳng định của lãnh đạo huyện là xã này đã đạt 18/18 tiêu chí (trừ tiêu chí chợ nông thôn). Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy vẫn còn một số băn khoăn ở đây như về tiêu chí môi trường và việc tổ chức các mô hình sản xuất bền vững. Xu hướng phát triển kinh tế - xã hội ở Sơn Thành hiện nay chủ yếu dựa trên tiềm lực là phát huy đồng vốn từ lực lượng 1.743 lao động xuất khẩu hàng năm đưa về nguồn ngoại tệ tương đương 100-200 tỷ đồng, chính vì vậy Sơn Thành dù đã thí điểm sản xuất cánh đồng mẫu lớn 46 ha vào vụ hè thu 2012, nhưng để giữ vững tiêu chí 10 (thu nhập của người dân) và tiêu chí 13 (có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động hiệu quả), thì địa phương cần phải có hẳn một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dài hơi mà đi kèm theo đó sẽ có những đòi hỏi lớn về giải pháp nguồn nhân lực, môi trường… 
 
Ở 9 xã còn lại trong số 10 xã phấn đấu để năm 2015 được công nhận NTM của Yên Thành là Phúc Thành, Nam Thành, Long Thành, Đô Thành, Phú Thành, Hợp Thành, Bắc Thành, Tăng Thành và Hậu Thành, với điều kiện tự nhiên – xã hội riêng, cũng đang đều bộc lộ những khó khăn riêng trong thực hiện các tiêu chí NTM quan trọng, đòi hỏi nguồn lực cao, đó là xây dựng hạ tầng giao thông, mô hình sản xuất tạo thu nhập cho người dân, về môi trường, giáo dục...
 
Qua trao đổi của các đồng chí lãnh đạo huyện, cũng cho thấy địa phương đã nghiêm túc rút ra những tồn tại hạn chế, trong đó có hạn chế về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến từng đơn vị cơ sở. Có thể khẳng định, do chưa có sự tập trung cao trong lãnh đạo chỉ đạo việc tổ chức thực hiện chưa sâu sát và lúng túng ngay từ khâu tuyên truyền, nên một bộ phận cán bộ, nhân dân ở Yên Thành chưa thực sự nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, mục đích và tầm quan trọng của thực hiện xây dựng NTM; chưa phân biệt rõ được việc xây dựng NTM không phải là dự án xây dựng mà là một chương trình phát triển tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn. Vì vậy, ý thức tự giác tham gia xây dựng NTM ở nhiều địa phương cơ sở chưa cao, không thực sự phát huy được  vai trò người dân là nền tảng của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
 
Hiện tại, Yên Thành đang tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM theo kế hoạch 2013, nhưng chủ yếu vẫn đang trong “thế” chờ phân khai nguồn kinh phí đầu tư hỗ trợ bên cạnh việc vẫn chưa có giải pháp tốt để tiếp tục huy động nguồn lực từ người dân; đồng thời công tác quán triệt, tuyên truyền về xây dựng NTM cho cán bộ, nhân dân cũng chưa kịp thời được tăng cường. Vì vậy, về trước mắt, theo chúng tôi, Yên Thành có thể làm tốt một số việc để phát huy kết quả phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng NTM thời gian qua, đó là kịp thời biểu dương tốt hơn những người dân trong việc đóng góp, hiến đất làm NTM (ví dụ như tinh thần tích cực đóng góp kinh phí, hiến đất làm giao thông nông thôn của Hội đồng mục vụ và Giáo dân xã Long Thành; nhanh chóng xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu giống và hình thức sản xuất nông nghiệp để phát huy kết quả chuyển đổi ruộng đất; có sự chỉ đạo giám sát tốt hơn trong xây dựng các công trình phục vụ NTM; củng cố mạnh mẽ chất lượng hệ thống chính trị cơ sở cả về chuyên môn, nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm. Cuối cùng, quan trọng nhất vẫn là thể hiện được vai trò trách nhiệm người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở; và khẳng định được tác dụng điều hành, quản lý của bộ máy nhà nước các cấp trong thực hiện xây dựng NTM.
 
 
Ý kiến của bạn