Thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí giáo dục là một trong những tiêu chí bắt buộc phải hoàn thành với đòi hỏi rất cao, khiến nhiều địa phương băn khoăn. Để có thể đạt được tiêu chí này, các xã xây dựng NTM rất cần có sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên của các cấp, các ngành có liên quan trong việc khắc phục các khó khăn.
Với những quy định chi tiết khá khắt khe của tiêu chí giáo dục trong xây dựng NTM, nhiều địa phương đã gặp không ít khó khăn khi thực hiện tiêu chí này. Những thay đổi về nội dung trong tiêu chí giáo dục theo Quyết định 342/QĐ-TTg tuy đã phần nào tháo gỡ khó khăn cho các xã xây dựng NTM, nhưng khó khăn vẫn còn nhiều, đòi hỏi các địa phương xây dựng NTM phải có sự nỗ lực lớn. Theo Quyết định 342/QĐ-TTg, một trong những nội dung được sửa đổi quan trọng là “phổ cập giáo dục trung học” được sửa đổi thành “phổ cập giáo dục trung học cơ sở”. Việc hạ thấp tiêu chí này là nhằm để các xã xây dựng NTM có thể hoàn thành tiêu chí, nhưng lo lắng của nhiều xã xây dựng NTM vẫn là trường lớp và biện pháp để hạn chế số học sinh bỏ học.
Trường tiểu học Tân Hiệp (xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) được đầu tư xây dựng khang trang, phục vụ tốt nhu cầu học tập của con em địa phương.
Đối với cơ sở vật chất trường lớp, xã An Sơn (TX.Thuận An) là một ví dụ. Tuy là xã điểm và sắp trở thành xã NTM, nhưng đến nay An Sơn vẫn chưa có trường trung học cơ sở. Còn các xã vùng sâu, vùng xa như Phước Sang, An Bình (Phú Giáo) thì lại lo ngại với vấn đề học sinh bỏ học. Ông Nguyễn Trung Tín, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Phước Sang, cho biết trường tiểu học Phước Sang hiện đã đạt chuẩn Quốc gia cấp độ I và trường mầm non cũng đang làm hồ sơ để được công nhận trong thời gian tới. Phước Sang cũng là xã đã đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở và trung học phổ thông. Tuy nhiên, để có thể duy trì các chuẩn này trong thời gian dài đòi hỏi phải thực hiện tốt công tác giáo dục. Tuy nhiên, điều lo ngại nhất trong lĩnh vực giáo dục đối với Phước Sang trong thời gian qua chính là việc học sinh bỏ học. “Nhiều em đang học lớp 8, lớp 9 tự nhiên bỏ ngang. Mặc dù nhà trường, chính quyền đã tìm hiểu hoàn cảnh và nhiều lần động viên, nhưng có em vẫn không chịu quay lại trường học. Sau khi nghỉ học, đa số các em thường tụ tập ăn chơi, gây mất an ninh trật tự tại địa phương!”, ông Tín nói.
Tương tự, ông Trần Công Quang, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình, huyện Phú Giáo, cho rằng An Bình là xã nằm trong diện khó khăn nên trong thời gian qua được các cấp, các ngành chú ý đầu tư về mọi mặt, đặc biệt là giáo dục. Tuy nhiên, điều lo lắng nhất của An Bình hiện nay là làm sao để hạn chế số con em đồng bào dân tộc thiểu số bỏ học. Số lượng con em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số bỏ học trong thời gian gần đây tuy có giảm, nhưng vẫn còn nhiều. Và cũng như Phước Sang, hầu hết các em sau khi nghỉ học thì phát sinh nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề phải giải quyết việc làm. Theo ông Quang, để hạn chế tình trạng trên, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền thì nhà trường, gia đình và địa phương phải có sự phối hợp chặt chẽ nhằm phát hiện sớm từng trường hợp để có biện pháp vận động. Có như vậy thì công tác ngăn chặn bỏ học mới đạt hiệu quả, từ đó mới có thể duy trì được các chuẩn giáo dục đối với một xã NTM.
Để có thể đạt được tiêu chí này và có chất lượng cao trong công tác giáo dục, các xã xây dựng NTM rất cần có được sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên của các cấp, các ngành có liên quan trong việc khắc phục các khó khăn.